Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh và thương vụ "móc ngoặc" 500 tỉ đồng
- Nguyên Chủ tịch NH Oceanbank - Hà Văn Thắm đã rút ruột hàng trăm tỷ như thế nào?
- Xung quanh vụ bắt giữ nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank: Hà Văn Thắm là ai?
- Ông Hà Văn Thắm bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT OceanBank
Như Báo CAND đã phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và một số đơn vị liên quan”, đồng thời đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can có liên quan.
Hà Văn Thắm. |
Bị can Hà Văn Thắm (42 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank được xác định là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Bị can này bị đề nghị truy tố cả 3 tội danh, trong đó đáng chú ý là tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cụ thể năm 2012, bị can Hà Văn Thắm đã dùng quyền lực của mình để giải quyết cho Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh vay 500 tỉ đồng, đến nay không thu hồi được gây thiệt hại cho Ocean Bank.
Việc này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cho vay không đảm bảo, vượt quá giới hạn quy định, các tài sản đảm bảo khoản vay không có thật thậm chí không có tài sản… Bị can Hà Văn Thắm khai nhận tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung cho khoản vay từ Ocean Bank chỉ là 482 triệu đồng.
Tài liệu điều tra xác định bản chất việc cho vay này sự móc ngoặc giữa Hà Văn Thăm và một số người nhằm thao túng ngân hàng TMCP Đại Tín.
Cụ thể, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém, trong số này có ngân hàng TMCP Đại Tín (nay là ngân hàng Xây dựng).
Vì muốn thâu tóm ngân hàng này vào Ocean Bank nên Hà Văn Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) đe dọa tung tin các sai phạm yếu kém tại ngân hàng này nhằm gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển cổ phần cho mình.
Tháng 2-2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84.9% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.468 tỉ đồng, kèm theo nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản từ các khoản vay khoảng 3.553 tỉ đồng cùng một số nghĩa vụ khác.
Sau đó, Hà Văn Thắm cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Việc này khiến bà Phấn đe doạ sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác bởi việc mua bán cổ phần này không báo cáo và không được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước.
Về phần mình, Hà Văn Thắm sau khi cho người vào điều hành nhận thấy ngân hàng Đại Tín có nợ xấu lớn khó thu hồi và nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn với các nhóm khách hàng nên tìm cách “tống” cục nợ này đi chỗ khác.
Thông qua các mối quan hệ xã hội, Hà Văn Thắm gặp gỡ Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Thiên Thanh để bàn bạc bán lại Ngân hàng Đại Tín cho Danh. Hai bên thỏa thuận, Hà Văn Thắm chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín cho cho Phạm Công Danh thông qua bà Hứa Thị Phấn với trị giá hơn 4.619 tỉ đồng, đổi lại Danh phải trả cho thắm khoản tiền môi giới là 800 tỉ đồng.
Sau khi tiếp nhận, Phạm Công Danh đổi tên ngân hàng Đại Tín thành ngân hàng TMCP Xây Dựng và giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Phạm Công Danh. |
Tuy nhiên, Phạm Công Danh đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bà Phấn và cũng không trả 800 tỉ đồng môi giới cho Hà Văn Thắm. Bản chất số tiền chuyển nhượng ngân hàng trị giá 4.619 tỉ đồng là tất toán các khoản vay của bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín. Nếu Phạm Công Danh không thực hiện thì các khoản nợ không được thanh toán và ngân hàng này sẽ bị Nhà nước sát nhập, đồng nghĩa việc chuyển nhượng giữa các bên không được thực hiện.
Từ đó, cuối năm 2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đã bàn bạc, thống nhất với nhau việc Ocean Bank sẽ cho ông Danh vay 500 tỉ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung, là công ty sân sau của Phạm Công Danh để thực hiện việc này.
Cho đến nay, khoản tiền 500 tỉ đồng của Ocean Bank có nguy cơ mất trắng. Phạm Công Danh còn dính vào một đại án khác khi đã gây ra khoản thất thoát 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng.
Ngày 9-9 vừa qua, sau gần 2 tháng xét xử và nghị án, Toàn án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh nhận 30 năm tù.