Thuê nhầm trộm cướp làm người giúp việc

Thứ Hai, 23/03/2015, 13:14
Những năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng liên tiếp xảy ra các vụ người làm thuê gây án. Không dừng lại ở việc trộm cắp, cướp tài sản, có vụ đối tượng còn ra tay sát hại cả gia đình gia chủ như vụ trọng án xảy ra tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cách đây vài năm. Nguyên nhân các vụ việc trên là do sự thiếu cảnh giác của chính các gia chủ, đồng thời cũng là người sử dụng lao động.
Trở lại vụ cướp tài sản xảy ra tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào ngày 16/3. Vào thời điểm Hoàng Văn Thành (23 tuổi, ở tại Việt Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên) thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này đã ăn, ở tại nhà nạn nhân Tươm được hai ngày. Thế nhưng, gia chủ chỉ biết Thành quê ở Hưng Yên, còn hoàn cảnh gia đình như thế nào, nhân thân và lai lịch của anh ta ra sao thì hoàn toàn không biết. Trong khi đó, đối tượng này từng có một tiền án, vừa ra tù cách đó không lâu.

Lý giải cho việc chủ quan này, chị Tịnh Thị Tươm (chủ nhà) cho rằng, chị thuê người qua các trung tâm môi giới nên hoàn toàn tin tưởng vào việc giới thiệu nhân sự của trung tâm. Hơn nữa, vào thời điểm đó, chị đang rất cần nhân viên đi giao bình ắc quy nên càng chủ quan, thiếu cảnh giác. Bởi thế, khi đối tượng Thành “gãi đầu, gãi tai” rằng, anh ta chưa có chỗ ở và xin được ở tạm tại nhà chị Tươm trong thời gian đầu, chị cũng gật đầu đồng ý và bố trí cho đối tượng ăn, ngủ ngay tại nhà…

Đối tượng Thành cùng tang vật vụ án.

Xuất phát từ nhu cầu thuê và sử dụng người lao động trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, những năm trở lại đây, các trung tâm môi giới việc làm phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc cung cấp các nhân viên nữ làm giúp việc tại gia đình, còn có trường hợp thuê nam thanh niên làm nhân viên giao hàng, chạy bàn… Bên cạnh đó, một số còn thuê người thông qua sự giới thiệu của những người quen. Đưa một người lạ vào nhà cùng ăn, ở, sinh hoạt với những người thân trong gia đình nhưng không ít người thuê và sử dụng lao động đã bỏ qua các biện pháp an toàn về an ninh đã được khuyến cáo.

Nguyên nhân, theo Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Gia Lâm, là họ tin rằng, tuyển người qua trung tâm sẽ yên tâm về hồ sơ, lý lịch... Song trên thực tế, các trung tâm này cũng không đủ năng lực và điều kiện để thẩm định hồ sơ. Rất nhiều trường hợp, đối tượng sử dụng hồ sơ giả, chứng minh nhân dân giả để nộp vào các trung tâm môi giới tìm việc. Một số đối thì tìm cách trộm cắp tiền gia chủ, có đối tượng thì cướp tài sản, thậm chí gây những tội ác kinh hoàng hơn.
 

Có trường hợp, đối tượng làm thuê là kẻ đang có lệnh truy nã. Ngày 12/3, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bắt Võ Thị Huệ (56 tuổi), đối tượng truy nã, khi đang lẩn trốn tại TP Vũng Tàu. Vào thời điểm bị bắt, Huệ đang làm người giúp việc cho một gia chủ ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó, Huệ là thủ quỹ kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuần Thiện.

Giữa năm 2010, lợi dụng chức vụ, Huệ chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Sau một thời gian dài lần theo dấu vết, Công an huyện Can Lộc xác định được Huệ đã thay đổi tên họ là Nguyễn Thị Hồng, đang làm “ô sin” cho một gia đình ở miền Nam. Khi đối tượng Hồng bị bắt giữ, chủ nhà mới ngã ngửa ra bấy lâu nay đã ăn, ở, sinh hoạt cùng với một đối tượng có lệnh truy nã.

Trong các trường hợp này, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Ban đầu, chúng lấy lòng tin của gia chủ bằng cách làm việc rất chăm chỉ và tỏ ra hiền lành. Sau khi đã được người sử dụng lao động tin tưởng, chúng rắp tâm thực hiện ý định của mình… Nhiều vụ việc đối tượng còn dựng màn kịch rất hoàn hảo.

Vụ án xảy ra vào ngày 3/3, được Công an tỉnh Đắk Lắk làm rõ là một ví dụ. Sau Tết Nguyên đán, đối tượng Trần Minh Cương (22 tuổi, trú tại phường An Phú, thị xã An Khê) đến huyện Đak Đoa, xin làm thuê cho anh Huỳnh Ngọc Diện (trú tại thị trấn Đak Đoa).

Trong thời gian sinh sống tại đây, Cương phát hiện anh Diện thường giấu tiền ở nhà vườn  nên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Thực hiện kế hoạch, vào lúc 2h sáng 3/3, Cương lấy chìa khóa giấu dưới gốc cây trước nhà vườn, lấy đi 47,2 triệu đồng, 1 điện thoại di động iPhone 3 và 1 máy cưa rồi cho vào hành lý của mình, sau đó đem cất giấu tại một địa điểm cách đó không xa…

Trong các vụ việc trên, lỗi cũng một phần từ sự hớ hênh của gia chủ. Theo lời khai của hầu hết các đối tượng bị bắt thì nguyên nhân chúng nảy ý định phạm tội là do phát hiện gia chủ có nhiều tài sản nên nảy lòng tham và quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.

Trong vụ cướp tài sản tại huyện Gia Lâm, với công việc là kinh doanh, mỗi ngày lượng tiền mặt giao dịch trong cửa hàng là rất lớn nhưng chị Tươm cũng không kín miệng, đây một phần cũng là nguyên nhân khiến đối tượng từng có một tiền án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nảy lòng tham. Theo lời khai của Thành tại cơ quan điều tra thì trong thời gian ở nhà chị Tươm, đối tượng này biết chị đang có khoảng 200 triệu đồng…, vì thế đã nung nấu ý định phạm tội.

Có đối tượng dừng lại ở việc trộm cắp vặt, có đối tượng thì lại lên kế hoạch một cách tỷ mỷ và chi tiết nhằm chiếm đoạt tài sản của gia chủ… Có trường hợp người làm thuê đánh thuốc mê chủ nhà, lập mưu cướp tài sản. Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2014, tại Nghệ An là một ví dụ.

Đối tượng gây ra vụ án này là Thái Thị Thủy (17 tuổi, trú tại xã Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An). Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Thủy đi làm giúp việc cho vợ chồng anh Ngô Sỹ Hòa (35 tuổi) và chị Phạm Khánh Huyền (31 tuổi, trú tại xã Diễn Xuân). Trong vụ việc này, anh Hòa phát hiện sự thể lạ khi thấy  ấm nước sôi để nguội của gia đình có màu sắc khác thường…

Vụ việc sau đó đã được Công an tỉnh Nghệ An làm rõ, bắt giữ Thủy. Trong vụ việc này, đối tượng Thủy cũng vào làm việc cho gia đình gia chủ được 3 ngày. Quãng thời gian đó chưa đủ dài nhưng Thủy cũng biết rằng gia chủ là người có tiền, do thấy họ thường để tài sản có giá trị một cách hớ hênh… Chủ nhà là chị Huyền khi phát hiện sự việc bất thường, bật camera giám sát đã phát hiện sự việc trên.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Phạm Hoài Nam, Phó trưởng Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: Để hạn chế các trường hợp trên, người sử dụng lao động cần phải chấp hành nghiêm chế độ khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ nắm rõ lai lịch, nhân thân, cũng như các hoạt động của đối tượng…

Về phía người sử dụng lao động, không nên tin tưởng tuyệt đối vào các trung tâm môi giới việc làm. Trong trường hợp đồng ý nhận người nên xác minh tại nơi sinh sống của người làm thuê. Nếu mỗi người sử dụng lao động tuân thủ đúng các quy định về ANTT sẽ phần nào hạn chế được những vụ việc như trên.    

Xuân Mai
.
.
.