TP HCM: Trưởng phòng một DN nhà nước là kẻ trốn lệnh truy nã 19 năm

Thứ Hai, 20/03/2006, 07:39

Sau khi gây án mạng, Đức chuyển vào TP HCM sinh sống với tên tuổi của người khác. Trong 19 năm chạy trốn, đối tượng đã kịp tốt nghiệp đại học, “chui” vào một cơ quan nhà nước và “leo” lên ghế trưởng phòng…

Ngày 15/3, toàn bộ nhân viên Công ty Tư vấn xây dựng công trình 625 thuộc Tổng Công ty 6 - Bộ GTVT, sửng sốt khi nghe cán bộ Văn phòng CSĐT - Bộ Công an đọc lệnh bắt Trưởng phòng Thiết kế Đào Xuân Thám về hành vi giết người theo Lệnh truy nã số 86/LTN ngày 25/4/1987 của Công an TP Hà Nội. Tại Cơ quan điều tra, Đào Xuân Thám đã hiện nguyên hình là Hoàng Thế Đức ngụ tại số 9, Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Được sự động viên của cán bộ điều tra, Hoàng Thế Đức đã tường trình lại toàn bộ sự việc dẫn đến hành vi giết người của mình.

Khi đang học lớp 12, Hoàng Thế Đức thương thầm một nữ sinh cùng trường, hai bên cũng đã hứa hẹn cùng vào đại học. Một học sinh cùng cấp cũng "chấm" cô bạn gái này của Đức, nhưng không được đáp lại tình cảm nên thường vô cớ gây sự. Những lần như vậy, Đức đều tìm cách lánh mặt để tránh việc gây gổ với "tình địch".

Tối 19/4/1987, Đức và hai người bạn ra phố để mua sắm. Trên đường về nhà, khi ba người đang ngồi uống nước ở ven đường thì "gã tình địch" kia cũng vô tình vào quán với hai người bạn. Gặp Đức là anh ta kiếm chuyện gây gổ và cản đường không cho Đức về. Không những vậy, anh ta còn dùng ghế đập Đức rách da đầu. Bị đánh đau, Đức chạy vào phía sau quầy bán hàng lấy được cây dao của chủ hàng nước đánh lại đám thanh niên này để chạy thoát thân. Trên đường chạy trốn, Hoàng Thế Đức còn ghé vào bệnh viện để khâu vết thương. Khi về đến nhà thì biết tin có một người bị đâm chết, biết mình đã gây ra án mạng, Đức hoảng sợ, lẳng lặng thu dọn quần áo nhảy tàu vào Nam.

Vụ giết người trong đêm 19/4/1987, Công an Hà Nội đã xác minh và làm rõ hung thủ là Hoàng Thế Đức, song đối tượng bỏ trốn nên đã ra lệnh truy nã toàn quốc.

Khi vào TP HCM, Đức tìm đến nhà người anh ruột của mẹ để trốn, rồi sử dụng giấy khai sinh của người anh họ tên là Đào Xuân Thám để làm giấy tờ tùy thân. Khi có giấy tờ, che giấu được nhân thân kẻ phạm tội, Đức đã thi vào Trường Đại học GTVT tại TP HCM. Học đến năm thứ hai thì nhà trường tổ chức làm giấy CMND cho sinh viên. Nhờ vậy mà Đức mới làm được giấy CMND mang tên Đào Xuân Thám tại trường. Đó là một nguyên nhân giúp Đức lẩn trốn được sự truy tìm của cơ quan Công an suốt 19 năm qua.

Sau khi đã che giấu được tung tích, năm 1995, "Đào Xuân Thám" tốt nghiệp đại học và được phân về công tác tại Công ty 625. Đến khi bị phát hiện bắt giữ thì Đào Xuân Thám tức Hoàng Thế Đức đang giữ chức Trưởng phòng Thiết kế.

Đầu tháng 3, một quần chúng phát hiện tung tích của Hoàng Thế Đức nên báo với Văn phòng CSĐT - Bộ Công an. Để làm rõ về vị Trưởng phòng Công ty Tư vấn xây dựng công trình 625 Đào Xuân Thám cũng không phải dễ. Văn phòng CSĐT tại TP HCM đã thông báo cho Phòng Truy nã Văn phòng CSĐT tại Hà Nội để thu thập lại toàn bộ hồ sơ, lệnh truy nã và những hồ sơ cần thiết về vụ án đêm 19/4/1987 tại Hà Nội.

Tại TP HCM, qua xác minh, trinh sát được biết tại hộ của ông Đào Xuân Phú có người con tên Đào Xuân Thám (37 tuổi) hiện đã chuyển hộ khẩu về địa chỉ 176/15/15/7 đường Trương Định, phường 3, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng tại hộ nhà ông Phú còn có một Đào Xuân Thám khác (37 tuổi) cũng là "con" ông Phú, nhưng là Trưởng phòng Thiết kế Công ty 625.

Để làm rõ về người mang tên Đào Xuân Thám thật, Văn phòng CSĐT Bộ Công an và Văn phòng CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp kiểm tra. Theo CSKV cho biết, Đào Xuân Thám có hộ khẩu nguồn gốc rõ ràng, có công ăn việc làm ổn định tại Vũng Tàu. Trở lại với Công an phường Tân Định, quận 1, TP HCM, các điều tra viên được biết: Đúng là tại Công ty 625 có một Trưởng phòng Đào Xuân Thám, nhưng anh này có điểm khác biệt, không bao giờ mời bạn về nhà, ngay cả nhân viên cùng cơ quan cũng chưa một ai được đến nhà "sếp" trưởng phòng cả.

Còn tại cơ quan, Đào Xuân Thám công tác rất tốt, song mỗi khi Đảng ủy cơ quan đề nghị kết nạp Đảng thì anh kiên quyết từ chối! Đối chiếu vân tay của hai người mang tên Đào Xuân Thám cùng có cha mẹ, ngày khai sinh giống nhau nhưng vân tay thì hoàn toàn khác biệt.

Từ kết quả xác minh này, điều tra viên cao cấp Nguyễn Văn Yên, Đặng Văn Chính, trinh sát Đào Trọng Sơn đã báo cáo với Đại tá Nguyễn Thế Bình, Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT tại TP HCM. Đại tá Bình đã ra quyết định bắt giữ đối với Đào Xuân Thám tức Hoàng Thế Đức, Trưởng phòng Thiết kế Công ty 625 - Bộ GTVT.

Trong trại giam, Hoàng Thế Đức thực sự hối hận về hành vi mà bản thân đã gây ra cách đây 19 năm. Nhất là vào năm 1999, khi Hoàng Thế Đức lén về nhà chịu tang cha, đứa con gái nhỏ của Đức đã nhiều lần thắc mắc: "Vì sao cả họ nhà mình ai cũng họ Hoàng mà ba họ Đào?". Những năm qua, mặc dù có gia đình hạnh phúc, Đức vẫn lo lắng về sự che giấu tội lỗi của mình. Nhưng, do hèn nhát trong suy nghĩ nên đã không dám đối diện với sự thật đến khi bị bắt, vợ và con của Đức mới biết được sự thật về người chồng, người cha mà họ hết mực yêu thương chính là kẻ giết người đang lẩn trốn

PV
.
.
.