Số định danh cá nhân là số CMND mới mà Bộ Công an đang thực hiện

Thứ Tư, 27/03/2013, 11:29
Đó là quan điểm được Bộ Tư pháp đưa ra trong báo cáo tại hội thảo về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 26/3 tại Hà Nội.
>> Số định danh cá nhân sẽ gắn với một đời người và không lặp lại

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư. Dự thảo đề án đưa ra các nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai cấp số định danh cá nhân; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hóa, rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Theo rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp có khoảng gần 1.300 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực một số giấy tờ như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử… chính vì vậy việc vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiết kiệm cho công dân được  khoảng 1.643 tỷ đồng mỗi năm qua việc cắt giảm chi phí có liên quan. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án đó là việc cấp mã số định danh cá nhân.

Theo Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu Quốc gia về dân cư  khẳng định, trên cơ sở Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 10/2013  trong đó quy định số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra đến khi chết, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và sẽ được cấp cho tất cả công dân Việt Nam, kể cả các trường hợp dưới 14 tuổi. Việc cấp số định danh cá nhân sẽ đảm bảo quản lý thống nhất cả các trường hợp chưa đến tuổi cấp chứng minh nhân dân và khắc phục được tình trạng công dân phải đổi số chứng minh nhân dân khi thay đổi nơi đăng ký thường trú ra khỏi phạm vi cấp tỉnh như hiện nay.

Tuy nhiên tại cuộc hội thảo, nhiều  ý kiến tham gia đã bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi do việc đặt ra mục tiêu quá lớn, về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan, sự bảo mật thông tin, vấn đề nhân lực, kinh phí dành cho dự án… Đặc biệt khi mà ngay trong báo cáo của mình, Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra những khó khăn, thách thức, đơn cử như để đơn giản hóa gần 1.300 thủ tục hành chính và các giấy tờ công dân, Đề án sẽ phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với 608 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 97 Luật, Pháp lệnh; 157 Nghị định; 26 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 237 Thông tư, Thông tư liên tịch và 91 Quyết định của Bộ trưởng… Đại diện đơn vị này cũng cho rằng: để đề án đạt được kết quả thì cần phải có quyết tâm rất lớn của Chính phủ và của các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện

Xuân Luận
.
.
.