Rượu thuốc phiện… rượu độc!

Chủ Nhật, 18/04/2010, 11:44
Thượng tá Nguyễn Hữu Biên, Trưởng phòng PC15 Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Nếu sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện thì xét nghiệm cho thấy, người sử dụng có kết quả dương tính với ma túy, kèm theo đó là các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa.
>> Sản xuất rượu từ cây thuốc phiện

Thời gian gần đây, tại một số huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái rộ lên tình trạng sử dụng thân, rễ, lá, quả cây thuốc phiện ngâm rượu. Không biết thực, hư tác dụng của loại rượu này thế nào nhưng tin đồn thổi về tính năng tăng cường sinh lý nam giới đã lôi cuốn số quý ông tiền nhiều mà "lực bất tòng tâm". Có cầu ắt có cung, thị trường này ngày càng sôi động bất chấp sự vào cuộc gắt  gao của Công an địa phương. 

Công nghệ sản xuất rượu thuốc phiện

Ngày 11/4, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái (PC15) bắt quả tang Bùi Thị Hoa, trú tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tàng trữ 1.500 lít rượu ngâm thuốc phiện cùng hơn 2kg quả thuốc phiện. Tiến hành khám xét, lực lượng nghiệp vụ thực sự bất ngờ về quy mô sản xuất rượu ngâm thuốc phiện tại cơ sở này.

Tại khu vực nóc chống nóng, thu giữ 40 bình rượu, trong hầm ngầm tòa nhà gần 200 bình loại 5 lít, 1 thùng lớn loại 180 lít và 12,5kg quả, thân, rễ cây thuốc phiện. Trung tá Đào Văn Bình, Phó Trưởng phòng PC 15, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Thủ đoạn cất giấu của Hoa rất tinh vi. Căn hầm ngầm được xây bịt kín, ngụy trang bằng hai chiếc máy xẻ gỗ…".

Trước đây, Hoa vốn làm nghề buôn gỗ. Thời gian gần đây, khi thú vui sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện trở thành "trào lưu", Hoa xoay sang kinh doanh mặt hàng "độc" này. Theo lời khai của Hoa thì công nghệ sản xuất rượu ngâm cây thuốc phiện rất đơn giản. Ban đầu, Hoa thu gom cây thuốc phiện của một số người dân ở huyện Trạm Tấu, Mù Căng Chải và Văn Chấn, những nơi có diện tích cây thuốc phiện bị chặt phá. Mỗi bó cây thuốc phiện gồm thân, quả, lá có trọng lượng khoảng 5kg thường được mua với giá 40.000 đồng. Mỗi một bình rượu, thường được ngâm từ 1 đến 1,5kg cây thuốc phiện.

Các bình rượu thu giữ tại hiện trường.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, một bình rượu 5 lít loại này có giá khoảng 600.000 đồng và khi vận chuyển đến các địa bàn như Hà Nội, Lào Cai và một số vùng lân cận giá thành có thể tăng vài lần. Cây thuốc phiện sau khi thu gom về được Hoa phân loại, cắt thành các bộ phận lá, rễ và quả riêng. Lá được phơi khô, sau đó được ngâm vào các thùng nhựa to khoảng hơn 100 lít trong 15 ngày. Lá thuốc phiện sau khi ngâm có màu cánh gián, được dùng để tạo màu cho rượu thuốc phiện. Các phần còn lại gồm rễ, quả, thân cây thuốc phiện được cho vào các bình khoảng 5 lít, sau đó rót rượu đã ngâm lá thuốc phiện vào các bình. Để "bắt mắt" mỗi bình rượu, Hoa thường cho thêm một vài quả thuốc phiện…

Sản xuất mặt hàng này "một vốn, bốn lời" nên mặc dù biết rõ lực lượng chức năng đang ráo riết kiểm soát nhưng Hoa vẫn lén lút sản xuất. Để tránh bị phát hiện, rượu thuốc phiện được giấu ở những vị trí "kín đáo", còn được gửi ở nhiều nơi khác nhau. Khi Phòng PC15 Công an tỉnh Yên Bái tổ chức khám xét đã thu giữ tại nhà một người hàng xóm đối diện nhà Hoa 60 bình, thu tại nhà bà Thoa ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ là 72 bình rượu ngâm cây thuốc phiện.  

Thượng tá Nguyễn Hữu Biên, Trưởng phòng PC15 Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Trước đây, thân, rễ, lá, quả cây thuốc phiện sau khi phá bỏ, thường bị tiêu hủy ngay tại ruộng, nương. Cách đây hơn một năm, một số hộ đồng bào đã thu nhặt số thân, rễ, lá, quả phơi khô mang đi tiêu thụ và kiếm được một số tiền không nhỏ… Sự đồn thổi về tác dụng bổ sinh khí nam khiến thị trường rượu ngâm cây thuốc phiện ngày càng sôi động. Bởi vậy, vào những lúc cao điểm, một kilôgam thân, rễ cây lên tới hàng trăm nghìn đồng. Trong khi đó, chủ trương thay thế cây thuốc phiện bằng các loại cây trồng, vật nuôi khác chưa đem lại hiệu quả kinh tế vững chắc cho một số vùng từng có "truyền thống" trồng cây thuốc phiện.

Thực hư tác dụng của cây thuốc phiện

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Yên Bái, những tháng đầu năm 2010, Công an tỉnh này đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ, 5 đối tượng có hành vi sử dụng, tàng trữ, mua bán, sử dụng thân, rễ, quả cây thuốc phiện. Lực lượng chức năng thu giữ  237,3kg sản phẩm từ cây thuốc phiện gồm thân, rễ, lá, quả cây thuốc phiện tươi… Chỉ con số ấy, cũng cho thấy thị trường các loại sản phẩm của cây thuốc phiện này đang diễn ra như một cơn sóng ngầm. Tác dụng của loại rượu này chưa được kiểm chứng nhưng những lời truyền khẩu và việc người ta đua nhau sử dụng như một "cái mốt" khiến những thứ tưởng như "bỏ đi" ấy lại trở thành một sản phẩm được nhiều người săn lùng. Đó là tình trạng người dân do thói quen lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế nên có thói quen sử dụng cây thuốc phiện để chữa bệnh và hiện nay là sử dụng để ngâm rượu.

Thượng tá Nguyễn Hữu Biên, Trưởng phòng PC15 Công an tỉnh Yên Bái cũng cho biết: Theo một số cơ quan kiểm định thì loại rượu thuốc phiện này hoàn toàn không có chức năng chữa bệnh. Nếu sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện thì xét nghiệm cho thấy, người sử dụng có kết quả dương tính với ma túy, kèm theo đó là các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa. Đây là một kết quả thực sự bất ngờ và đáng lo với những người sử dụng rượu thuốc phiện.

Hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào về công dụng đầy đủ của rễ cây thuốc phiện, nhưng chắc chắn khi ngâm sẽ có một hàm lượng nhất định chất ma túy. Trong khi đó, thuốc phiện chỉ có tác dụng an thần, giảm đau với những liều lượng nhất định đã được quy định.

Hiện Công an tỉnh Yên Bái đang lên phương án ngăn chặn việc sản xuất và tiêu thụ rượu thuốc phiện. Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc nghiêm cấm các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng thân, rễ, lá, quả cây thuốc phiện.

Theo dự thảo này thì việc trồng cây thuốc phiện và các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, làm quà tặng các loại thân, rễ, lá quả, cây thuốc phiện đều bị nghiêm cấm. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm thì tiến hành tạm giữ tang vật, làm rõ nguồn gốc do đâu mà có, ai là người trồng. Nếu làm rõ đối tượng trồng cây thuốc phiện thì phải xử lý theo quy định của pháp luật… Với những trường hợp tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc phiện nếu có đủ định lượng thì xử lý hình sự, chí ít cũng bị tịch thu tang vật và xử lý phạt hành chính. Trước khi dự thảo trên có hiệu lực, mỗi người hãy là những "người tiêu dùng thông thái".

Đại úy Nguyễn Thu Hải, cán bộ thụ lý vụ án Bùi Thị Hoa cho biết: Hiện nay, chỉ có quy định xử phạt hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng quả của cây thuốc phiện mà chưa có chế tài xử lý việc mua bán, tàng trữ sử dụng rượu ngâm lá, thân cây thuốc phiện.

Trong khi đó, thị trường "tiêu dùng" loại rượu này đang ngày càng gia tăng do sự hiếu kỳ của một số người tiêu dùng. Chính điều đó gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh việc đấu tranh của các lực lượng nghiệp vụ, các cơ quan thông tấn báo chí cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân tự giác chấp hành.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tâm, nguyên Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương:

Hiện chưa có một nghiên cứu cụ thể, nhưng ở rễ cây thuốc phiện từng thời điểm sẽ chứa chất moocphin bởi rễ cây chưa chuyển hết các chất đó lên thân cây và lên quả. Do vậy khi uống rượu ngâm loại rễ vào thời điểm này, khả năng gây nghiện rất cao, mọi người không nên uống loại rượu này.

Bác sỹ Nguyên, cán bộ khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai:

Thuốc phiện là một chất gây nghiện, nếu dùng trong chuyên môn cũng phải đúng liều lượng, theo đúng chỉ định của bác sỹ, tự tiện dùng trong thời gian dài có thể gây nghiện. Thuốc phiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường ruột và hệ thần kinh. Bình thường, khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có thể bị suy hô hấp, thở yếu thậm chí là ngừng thở nếu bị ngộ độc nặng. Nếu rượu được pha thêm với thuốc phiện sẽ có tác dụng độc tính lên hệ thần kinh. Ban đầu, người sử dụng có thể cảm thấy khoan khoái nhưng nếu dùng lâu dài thì có thể nguy hiểm cho tính mạng vì gây ức chế thần kinh, rất dễ bị ngộ độc. Nguy kịch hơn khi cả hai chất kích thích đó cùng lúc tác dụng lên hệ thần kinh, không thể kiểm soát được.

Xuân Mai
.
.
.