Rượu thuốc phiện tung hoành giữa Thủ đô

Thứ Năm, 27/12/2012, 08:25
Ban đầu, loại rượu ngâm thân, hoa - quả cây anh túc, loại cây thuốc phiện đã bị pháp luật nghiêm cấm chỉ xuất hiện tại một số địa bàn vùng cao Tây Bắc. Đến nay, nhiều địa bàn dưới xuôi mà đơn cử như Hà Nội, tình trạng sang chiết, mua bán, sử dụng khá nhiều.
>> Thu giữ 8.000 lít rượu trong đó phần lớn chứa chất gây nghiện

Dùng cây anh túc ngâm rượu

Sáng 26/12, Đoàn kiểm tra gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, 7 tiếp tục làm việc tại cửa hàng 119 Mễ Trì, phân loại số lượng và chủng loại rượu thuốc. Bước đầu kiểm đếm tại tầng 1 và 2, đã có khoảng 20 loại rượu thuốc, trong đó có một số loại rượu ngâm củ, quả không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác và không rõ chất lượng sản phẩm. Theo ước tính của Phòng PC49 Công an TP Hà Nội sáng 26/12 thì tại cơ sở này có khoảng 30 loại rượu thuốc. Sau khi kiểm đếm, lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu, mỗi loại rượu gồm 3 mẫu để giám định có chất ma túy hay không?

Điểm sang chiết các loại rượu không rõ nguồn gốc, trong đó có rượu ngâm cây thuốc phiện này hoạt động dưới vỏ bọc của cơ sở kinh doanh đá quý, đá phong thủy, đá thiên nhiên mang tên Thúy Gấu. Chủ cơ sở là Hà Phương Thúy, 46 tuổi, quê gốc tại tỉnh Yên Bái, vùng đất được biết đến như là nơi khởi nguồn của loại rượu ngâm cây thuốc phiện - “Rượu 138”.

Theo thông tin của các trinh sát Đội 2, Phòng PC 49 Công an TP Hà Nội thì cách đây hơn một tháng, bà Thúy về thuê nhà ở Mễ Trì mở cửa hàng kinh doanh đá quý, nhưng sau đó lén lút sản xuất rượu. Vào thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra (ngày 25/12) đã phát hiện gần 1.000 lít rượu ngâm các loại cây thuốc, trong đó có cây thuốc phiện. Tại tầng 3 của toà nhà, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang tiến hành dập các nút chai với số lượng lớn. Những chai rượu này được sang chiết từ các thùng phuy vào chai nhựa. Qua kiểm đếm vào thời điểm kiểm tra có 609 chai rượu được đóng thành phẩm. Quá trình kiểm tra còn phát hiện tại tầng 2 của tòa nhà có 2 bể inox loại 500 lít chứa đầy rượu thuốc, nhiều thùng nhựa lớn chứa đầy rượu…

Bà Thúy đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh sản xuất rượu, chất lượng sản phẩm cũng như không có cam kết bảo vệ môi trường. Cùng thời điểm này, lực lượng chức năng cũng kiểm tra tại nhà hàng Thế giới nghiêng là nơi bà Thúy gửi rượu, đã phát hiện 5 bình inox, mỗi bình chứa 200 lít rượu. Theo lời khai của bà Thúy thì ngoài việc trưng bày tại cửa hàng, nếu khách nhu cầu mua hàng thì bà Thúy cũng bán.

Rượu và nguyên liệu ngâm rượu bà Thúy mua từ Yên Bái, sau đó được vận chuyển về Hà Nội. Các loại rượu sau khi được ngâm ở thùng inox và thùng nhựa to ở tầng 3 cho hết andehit, sẽ ngâm các loại cây, củ và rễ trong đó có các sản phẩm từ cây thuốc phiện rồi sang chiết sang các chai nhỏ, bán tại cửa hàng ở 119 Mễ Trì và một số cửa hàng ăn, uống ở Hà Nội. Khách có nhu cầu mua rượu sẽ liên lạc với Thúy qua điện thoại di động, thương thảo giá cả.

Điều đáng nói, toàn bộ số bình rượu trên đều không niêm yết giá. Đây là một thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, nếu bị phát hiện bà Thúy sẽ nói rằng đây là hàng làm mẫu. Các loại sản phẩm từ cây thuốc phiện, bà Thúy mua tại chợ thị trấn Văn Chấn (Yên Bái) với giá 60 nghìn đồng/lạng quả...

Sáng 26/12, trao đổi với chúng tôi, Đội phó Đội QLTT số 7 - Chi cục QLTT TP Hà Nội, ông Lương Thế Vinh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, ước chừng có trên 3.000 lít rượu, trong đó có không ít rượu ngâm cây, quả và rượu hoa anh túc.

Nhiều mẫu rượu tại cửa hàng kinh doanh Thúy Gấu ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho kết quả dương tính với ma túy.

Đừng để xảy hậu họa mới lo khắc phục

Những năm trở lại đây, trong các cuộc nhậu của nhiều dân chơi, thường xuất hiện loại rượu mà nghe qua không ít người phải giật mình. Đó là loại rượu ngâm thân, hoa – quả cây anh túc, loại cây thuốc phiện đã bị pháp luật nghiêm cấm sử dụng, vận chuyển, mua bán. Ban đầu, loại rượu này chỉ xuất hiện tại một số địa bàn vùng cao Tây Bắc – nơi từng “nóng” về tình trạng trồng cây thuốc phiện như: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu… Đến nay, nhiều địa bàn dưới xuôi mà đơn cử như Hà Nội, tình trạng sang chiết, mua bán, sử dụng khá nhiều.

Cách đây không lâu, Tổ công tác Y3/141 (Công an TP Hà Nội) trong lúc làm nhiệm vụ tại ngã tư Cát Linh – Tôn Đức Thắng đã phát hiện trên xe ôtô mang BKS 21A-003.6x do lái xe Phùng Quang Hưng, 27 tuổi, ở TP Yên Bái điều khiển chở 3 bình rượu ngâm quả cây thuốc phiện. Theo lái xe Hưng, số rượu trên được đem từ Yên Bái về Hà Nội để… biếu người quen (!).

Tìm hiểu cũng như tiếp xúc với nhiều “bợm nhậu” ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi nhận thấy, hiện không ít “bợm nhậu” coi việc sử dụng rượu thuốc để đãi khách như để thể hiện sự “sang trọng” của mình. Bên cạnh đó, đi kèm với thứ rượu này là vô số những lời đồn thổi như: “Chỉ cần làm vài chén, khả năng “chiến trận” (quan hệ nam nữ - PV) sẽ tăng lên gấp bội”, “Uống 1 ly 138 bằng 10 thang thuốc bổ” v.v... Chính bởi thế, số “bợm nhậu” này đã đặt mối, tìm mua loại rượu trên từ các tỉnh miền núi phía Bắc về sử dụng.

Thú uống rượu là vậy, còn những lời đồn thổi về tác dụng “ưu việt” đi kèm với nó thì sao? Trao đổi với đại diện Công an huyện Từ Liêm, chúng tôi được Đại úy Đoàn Văn Đông – Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV cho biết, rượu là chất kích thích. Đã là chất kích thích thì chắc chắn sẽ không có lợi cho sức khỏe. Bởi rượu lại ngâm rễ, thân, lá quả anh túc là những sản phẩm thực vật, chất bị pháp luật nghiêm cấm, có chứa chất ma túy. Khi các sản phẩm – cây, lá…thuốc phiện được ngâm với rượu, rượu cũng rất dễ cho sản phẩm…có chứa chất ma túy. Minh chứng, ngày 25-12, khi test nhanh một số mẫu rượu ngâm rễ, quả thuốc phiện tại cửa hàng kinh doanh Thúy Gấu, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã cho kết quả dương tính với loại rượu này.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Lai Châu), thời gian qua, nhiều người cho rằng việc sử dụng – rượu ngâm rễ, cây lá quả anh túc sẽ giúp cơ thể cường tráng, chữa được nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa thì đó là những suy nghĩ lệch lạc. Vì khi lạm dụng loại rượu này sẽ khiến cho con người ta lệ thuộc vào nó, bởi chất gây nghiện có ở trong rễ, thân, lá, quả cây thuốc phiện. Hệ thần kinh theo đó bị ảnh hưởng, trí nhớ suy giảm, hành vi khó kiểm soát. Do đó, để tránh những hệ lụy khôn lường đi kèm, người dân cần thận trọng, tránh xa.

Ngày 25/12, tại Khoa Hồi sức - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, những người bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ gấu tàu đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, gia đình ông Hoàng Văn Tăng ở thôn 8 xã Yên Thành (Yên Bình, Yên Bái) tổ chức bữa trưa tại nhà. Trong bữa ăn có 4 người uống rượu ngâm bằng củ gấu tàu được gia đình mua từ chợ Yên Thành. Sau khi ăn xong, khoảng 13 giờ đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, bốn người uống rượu là ông Hoàng Văn Tăng, Hoàng Văn An, Hoàng Văn Thanh, Chu Văn Điện có các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, hoa mắt, mờ mắt, tê lưỡi... Ông Hoàng Văn Tăng bị nhẹ hơn, 3 người còn lại được đưa đến Khoa Hồi sức - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để điều trị. Qua thăm khám và điều tra, xác minh yếu tố liên quan, bước đầu xác định đây là vụ ngộ độc do rượu ngâm củ gấu tàu.

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: Gấu tàu là vị thuốc thông thường, được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau mỏi xương khớp, rất ít người sử dụng để uống bởi gấu tàu rất độc. Vì vậy, người dân không được dùng loại củ này để ngâm rượu uống. (Đức Tưởng)

Nói về tác hại của các loại rượu ngâm không rõ nguồn gốc, trong đó bao gồm cả rượu thuốc phiện, bác sĩ Nguyễn Quang Bính – Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, khi cơ thể ta sử dụng nhiều rượu, nhất là các loại rượu ngâm thực vật, động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, việc gặp phải các chứng loạn thần, sảng rượu, suy giảm trí nhớ là điều khó tránh khỏi. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, số bệnh nhân bị loạn thần vì rượu nhập khoa điều trị luôn chiếm số lượng cao.

Theo Điều 194, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy: nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới 1 kilôgam; lá hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam… sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Đặc biệt, nếu tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy: lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên; quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên; quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên… sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình…

Xuân Mai - Trần Huy
.
.
.