Nước mắt muộn màng của ba phụ nữ vận chuyển thuê ma túy

Chủ Nhật, 16/06/2013, 03:15
Thái Thị Diễm Trang là một trong ba bị cáo nữ bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 14/6 về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” theo điểm e, khoản 4 Điều 194 BLHS với mức án từ 20 năm đến tù chung thân, tử hình.

“Hơn một năm tạm giam bị cáo rất ăn năn và vô cùng hối hận. May mắn là hôm nay bị cáo còn được đứng trước vành móng ngựa, được tòa cho bày tỏ hết nguyện vọng của mình. Bị cáo đã biết tội lỗi của mình khó dung thứ nhưng xin tòa xem xét bị cáo còn cha mẹ già, con nhỏ, cho bị cáo có cơ hội sống để sửa chữa sai lầm, để nuôi dạy con mình nên người. Xin cho bị cáo được nói với gia đình vài lời: Con xin lỗi ba má, con xin lỗi gia đình, con đã sai, con đã làm mất danh dự gia đình mình, xin ba má hãy tha thứ cho con và chờ con trở về…”.

Thái Thị Diễm Trang là một trong ba bị cáo nữ bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 14/6 về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” theo điểm e, khoản 4 Điều 194 BLHS với mức án từ 20 năm đến tù chung thân, tử hình.

Tại phiên tòa, Trang khai nhận: vào năm 2011, buồn chán chuyện gia đình (vừa mới ly hôn chồng), Trang hay vào mạng Internet chát và quen với đối tượng Brave (không rõ lai lịch).

Do không có việc làm ổn định, đến tháng 3/2012 khi Brave đặt vấn đề tìm người vận chuyển kim cương, đá quý từ Campuchia sang Malaysia để hưởng chênh lệch (khoảng 1.700 USD/chuyến đi) Trang đồng ý.

Đến ngày 28/5/2012, Brave điện thoại cho Trang thông báo chuẩn bị sang Campuchia nhận hàng do người Brave giao, sau đó vận chuyển về Việt Nam và chuyển sang Malaysia cho Brave. Sau khi nhận điện thoại, Trang rủ Nguyễn Thị Kim Loan (39 tuổi ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) cùng đi sang Capuchia nhận hàng.

Tại Campuchia, sau khi nhận ba lô do người của Brave giao, Trang kiểm tra bên trong thì phát hiện không có gì, lúc này Trang đã nghi ngờ bên trong giấu ma túy nên nói cho Loan biết. Nhưng vì sợ hãi, cả hai không dám báo cho ai và tiếp tục vận chuyển về Việt Nam, sau đó Trang đem về nhà cất giữ.

Đến ngày 1/6/2012, Trang giao chiếc ba lô trên cho Ngô Thị Phương Thảo (32 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vận chuyển đi Malaysia thì bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ. Khám xét trong đáy ba lô nói trên, lực lượng chức năng phát hiện bên trong có chứa hơn 1,5kg ma túy dạng đá.

Trang (đứng giữa) và hai đồng phạm khóc khi nghe tòa tuyên án.

Nguyễn Thị Kim Loan thì khai, khoảng tháng 4/2012, thông qua một người chị em bạn dì, Loan quen biết với Trang. Sau đó, Trang rủ Loan vận chuyển kim cương, đá quý từ Campuchia về Việt Nam với giá tiền công 300 USD/lần, các chi phí ăn ở, đi lại khác do Trang lo. Do cần tiền nên Loan đồng ý.

Ngày 30/5/2012, cả hai đón xe khách đi Phnompenh và tại đây Trang đã nhận một ba lô của người đàn ông Châu Phi. Sự việc diễn ra sau đó như lời Trang khai. Khi về đến Việt Nam, Loan được đưa trước 100 USD và thông báo khi nào có tiền thì sẽ đưa tiếp cho Loan số tiền còn lại.

Đến ngày 2/6/2012, Loan đến khu vực bưu điện quận 5 để gặp Trang nhận tiền thì bị bắt.

Còn Thảo thì khai, do nợ nần nhiều nơi không có khả năng chi trả, sau đó Thảo được bạn bè giới thiệu gặp Trang để vận chuyển hàng mẫu đi Malaysia cho các đối tượng người Châu Phi với giá tiền 1.100 USD/chuyến. Thảo đồng ý nhận lời. Không ngờ, mới phi vụ đầu, vừa ra đến sân bay, Thảo đã bị bắt.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ vận chuyển thuê ma túy mà tòa án đưa ra xét xử. Nhưng một điều dễ dàng nhận thấy là bọn tội phạm ma túy quốc tế ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bọn chúng đánh vào những phụ nữ dễ bị cám dỗ, hám lợi (như Trang) và lợi dụng sự trẻ người, non dạ, thiếu hiểu biết (như bị cáo Thảo và Loan trong vụ án này, mới chỉ học đến lớp 3, lớp 6)… Đành rằng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng như lời vị chủ tọa, thẩm phán phiên tòa đã nói, khi nhận  làm việc gì cũng phải suy nghĩ

Bản án phiên tòa hôm ấy, tuyên phạt Trang mức án 20 năm tù, Thảo 18 năm và Loan 16 năm tù. Rồi cũng có ngày các bị cáo trở về với gia đình nhưng điều mà tôi trăn trở là những lời phân tích, giảng giải của vị thẩm phán phiên tòa hôm ấy, không biết các bị cáo có “thấm” không? Vì “chỉ khi nào các bị cáo nhận thức được sai lầm của mình thì mới cải tạo dễ dàng hơn…” - cũng là lời của vị thẩm phán tại tòa

H.Anh
.
.
.