Nữ nhân viên bưu điện tham ô tiền tỷ bằng sổ tiết kiệm giả
Các điều tra viên - Đội CSĐT Công an huyện Yên Hưng, Quảng Ninh không khỏi ngạc nhiên khi một cô gái còn khá trẻ đến cơ quan Công an để đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Càng ngạc nhiên hơn khi cô gái này khai nhận đã tự ý lấy số tiền gần 4 tỷ đồng của cơ quan để "ăn chơi", đánh "lô", "đề" và hiện không còn khả năng trả nợ.
Người có "hành động kỳ quặc" này là Vũ Thị Thanh Thuý, 27 tuổi, thường trú tại tổ 8, khu 8, phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí, là nhân viên giao dịch, Dịch vụ tiết kiệm bưu điện, Bưu cục Km11, thuộc Bưu điện huyện Yên Hưng, Quảng Ninh.
Thuý khai, từ năm 2008 đến nay, lợi dụng chức vụ là giao dịch viên, dịch vụ tiết kiệm bưu điện của cơ quan, khi khách hàng đến mở tài khoản tiết kiệm bưu điện, tại Bưu cục Km11, Thuý đã chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng để sử dụng cá nhân bằng các hình thức: Thiết kế mẫu Sổ tiết kiệm giả không qua hệ thống máy tính chương trình tiết kiệm của bưu điện và lấy thông tin trên thẻ gốc lưu tại bưu cục, giả mạo chữ ký của khách hàng trên phiếu rút tiền, làm thủ tục tất toán để lấy tiền ra trước kỳ hạn của khách hàng.
Với những thủ đoạn trên, Thuý đã chiếm đoạt 3.704.000.000đ của 99 tài khoản (tương ứng với 99 khách hàng), trong đó có 13 khách hàng bị Thuý làm sổ tiết kiệm giả mạo chiếm đoạt số tiền 556.000.000đ và 86 khách hàng đã bị Thuý giả mạo chữ ký để rút tiền với số tiền chiếm đoạt là 3.148.000.000đ.
Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Bưu điện huyện Yên Hưng cho biết, Thuý được nhận vào làm việc tại Bưu điện huyện Yên Hưng từ năm 2005 và làm việc tại Bưu cục Km11 từ năm 2007. Thuý đã xây dựng gia đình riêng, hiện ở với gia đình nhà chồng tại thị xã Uông Bí, trong 1 căn hộ tập thể, nhà cấp 4. Bản thân Thuý từ khi vào cơ quan làm việc đến nay chưa hề bị phê bình kỷ luật hay có sai phạm gì. Việc Thuý chiếm đoạt một số lượng lớn tiền để "ăn chơi" và đánh "lô", "đề", mọi người trong cơ quan không ai được biết và rất ngạc nhiên về việc này.
Về trách nhiệm kiểm tra quản lý của đơn vị, bà Lan Anh cho biết, Tiết kiệm bưu điện là một loại hình dịch vụ mới và có nhiều điểm khác so với các ngành ngân hàng nên có nhiều mức độ giám sát khác nhau. Ngoài giao dịch viên còn có kiểm soát viên của bưu cục giám sát hàng ngày; sau đó còn có kiểm soát viên chuyên trách của bưu điện huyện, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, tháng 1 hoặc 2 lần và cuối cùng tới các cấp độ giám sát khác.
Vì vậy, việc phạm tội của giao dịch viên Vũ Thị Thanh Thuý cũng có liên quan đến vai trò của một số cán bộ nhân viên của bưu cục. Bưu điện huyện Yên Hưng đang tích cực phối hợp với cơ quan Công an để điều tra làm rõ.
Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng Công ty Bưu chính và Bưu điện tỉnh Quảng Ninh đã hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho các khách hàng có tiền gửi đã bị Thuý chiếm đoạt, đồng thời đảm bảo đầy đủ mọi quyền lợi của khách hàng.
Vũ Thị Thanh Thuý đã thiết kế mẫu sổ tiết kiệm giả như thế nào, con số thiệt hại cụ thể là bao nhiêu, có bao nhiêu đối tượng liên quan tới hành vi này, đây là những vấn đề đang được cơ quan Công an đang đấu tranh làm rõ. Tuy nhiên, qua vụ án này cho thấy, công tác quản lý các chứng từ, sổ thẻ tiết kiệm, cũng như quản lý đội ngũ cán bộ viên chức về đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động của bưu điện huyện Yên Hưng hiện đang còn nhiều kẽ hở, rất cần được xiết chặt hơn để tránh những sai phạm tiếp theo có thể xảy ra