Những “vấn đề” ở chính lực lượng thi hành án dân sự

Thứ Tư, 18/03/2009, 15:56
Đánh giá về những tồn tại hiện nay của công tác thi hành án dân sự (THADS), trong một báo cáo đánh giá cuối năm 2008, Cục THADS đã thẳng thắn nhìn nhận: Một số chấp hành viên, cơ quan THADS chưa thực sự tích cực thực hiện nhiệm vụ, chưa có kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức việc THA, thậm chí có trường hợp ngại va chạm, không kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành…
>> Thi hành án dễ dàng phụ thuộc vào... bản án 

Nói gì thì nói, việc để tới hàng chục vạn vụ việc tồn đọng, nhiều vụ việc có điều kiện để thi hành nhưng vẫn dây dưa kéo dài nhiều năm, gây nhức nhối cho xã hội, mất nhiều thời gian công sức của nhiều cơ quan hữu quan các cấp, có nguyên nhân từ sự yếu kém về năng lực của lực lượng thi hành án. Thậm chí, ở không ít vụ việc, chấp hành viên cố tình làm sai, vi phạm pháp luật… Đây là thực tế rất đáng báo động.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng của chấp hành viên

Viện KSND tối cao vừa chuyển TAND TP HCM hồ sơ vụ án của Võ Văn Mẫn, nguyên Phó phòng THADS TP HCM, để chuẩn bị xét xử về tội "ra quyết định trái pháp luật". Trước đó, ngày 17/10/2007, Chấp hành viên Võ Văn Mẫn bị Cục Điều tra thuộc VKSND Tối cao bắt tạm giam để điều tra làm rõ những sai phạm trong thời gian đương chức.

Một trong những việc làm sai của ông Võ Văn Mẫn là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ra quyết định thi hành án trái với "Quyết định thi hành án số 474/THA" (ngày 15/6/1998) phần dân sự của bản án 208 của TAND Tối cao tại TP HCM.

Bản án 208 và các giải thích bản án đều xác định căn nhà 207 Nguyễn Tri Phương được Hà Thị Xuân và Lê Minh Quy mua của ông Hà Văn Diệp từ năm 1992 nên việc hủy bỏ phần quyết định nói trên phải theo trình tự  thẩm và ông Diệp muốn hủy bỏ việc chuyển nhượng này phải tiến hành khởi kiện trong một vụ kiện dân sự khác.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Mẫn đã ra biên bản ngày 06/02/1999 ghi nhận sự thỏa thuận bán căn nhà số 207 Nguyễn Tri Phương của ông Diệp cho anh Lê Hồng Phương với giá 50 cây vàng. Việc mua bán này không có sự đồng ý của vợ chồng Hà Thị Xuân và Lê Minh Quy. Đồng thời, ông Mẫn cũng ra quyết định cưỡng chế số tiền tương đương 50 cây vàng (của ông Diệp trả cho ông bà Xuân, Quy), nhưng không thông báo cho vợ chồng ông bà Xuân, Quy biết.

Hành vi lập biên bản thoả thuận trái pháp luật ngày 6/2/1999 đã là cơ sở pháp lý cho ông Diệp và Phương thỏa thuận mua bán căn nhà 207 Nguyễn Tri Phương trái luật. Và, do vậy đến nay, sau 10 năm phần dân sự của bản án 208 vẫn chưa được thi hành.

Rùm beng hơn nữa là vụ phạm pháp của nguyên Chấp hành viên Bùi Liên Hiệp và "thủ trưởng" Lương Vĩnh Phúc (cũng ở THADS TP HCM) khi thi hành án phần tài sản trong vụ án Epco Minh Phụng. Theo đề xuất của Bùi Liên Hiệp, Lương Vĩnh Phúc đã phê duyệt, chấp thuận cho thu tiền của các hộ dân, trái với nội dung bản án và quyết định thi hành án. Không kiểm tra số tiền thu hồi để giải quyết bản án, Lương Vĩnh Phúc còn duyệt chi sai đối tượng, vô tình tiếp tay cho Bùi Liên Hiệp ký các văn bản trái thẩm quyền, không thuộc nội dung thi hành án.

Cơ quan chức năng cũng xác định trong quá trình thi hành án, Bùi Liên Hiệp đã ra nhiều quyết định trái pháp luật về đối tượng thi hành, đối tượng được thi hành án, về số tiền phải thi hành.

Không ít chấp hành viên gây ra những vụ việc nhức nhối trong THADS. (Ảnh: Nguyên chấp hành viên Bùi Liên Hiệp và nguyên Trưởng THADS TP HCM Lương Vĩnh Phúc tại tòa).

Điển hình là trong quá trình thi hành án, Bùi Liên Hiệp đã có hành vi tự ý thu hồi tiền của năm hộ dân phường An Phú, quận 2 với tổng diện tích 30.028m2 đất mà Công ty Epco đã đầu tư là không có cơ sở pháp lý, trái với bản án đã tuyên, vi phạm pháp luật. Việc này đã gây thiệt hại cho Công ty Epco hơn 3,6 tỉ đồng…

Ngày 9/9/2008, TAND TP HCM đã tuyên phạt Bùi Liên Hiệp 20 tháng tù giam, còn nguyên Trưởng THADS TP HCM Lương Vĩnh Phúc cũng phải nhận án cảnh cáo.

Một vụ việc khác điển hình cho việc người dân bị cơ quan THADS cố tình trì hoãn thi hành án một cách vô lý. Đó là vụ việc thi hành án đối với gia đình bà Lâm Mỹ Nga (ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), được Báo CAND từng phản ánh. Sau khi có phán quyết phúc thẩm, bà Nga làm đơn gửi cơ quan Thi hành án huyện Mỹ Tú yêu cầu thi hành án nhưng bị Trưởng thi hành án huyện Mỹ Tú Văn Công Mới né tránh bằng nhiều cách.

Trả lời đương sự, THADS huyện Mỹ Tú cho biết, lý do trì hoãn việc thi hành án là cơ quan THADS huyện Mỹ Tú và Viện KSND huyện Mỹ Tú đang kiến nghị "giám đốc án" nên phải chờ kết quả xem xét "giám đốc án", mặc dù việc này TAND Tối cao đã có văn bản trả lời rất cụ thể, rất rõ ràng. Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng Lê Thanh Hải cũng khẳng định, yêu cầu THADS của bà Lâm Mỹ Nga là chính đáng…

Còn không ít vụ việc THADS kéo dài gây bức xúc do lỗi cố ý hoặc vô ý do năng lực, nhận thức của cán bộ thi hành án. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Theo thống kê, năm 2008, tình trạng khiếu nại về THADS vẫn còn nhiều, tuy không tập trung đông người, nhưng gay gắt. Tính đến hết năm 2008, cả nước còn 363 trường hợp khiếu nại, 14 trường hợp tố cáo chưa giải quyết xong, trong đó nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài qua nhiều năm.

Được biết, năm 2008, các cơ quan quản lý về THADS cả nước đã xử lý kỷ luật 30 trường hợp (tăng 4 trường hợp so với năm 2007) với các loại hình thức, trong đó nhiều trường hợp bị cách chức, buộc thôi việc hoặc sa thải.

Xử lý nghiêm người chấp pháp lại phạm pháp

Đánh giá về những tồn tại hiện nay của công tác THADS, trong một báo cáo đánh giá cuối năm 2008, Cục THADS đã thẳng thắn nhìn nhận: Một số chấp hành viên, cơ quan THADS chưa thực sự tích cực thực hiện nhiệm vụ, chưa có kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức việc THA, thậm chí có trường hợp ngại va chạm, không kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành. Có trường hợp chấp hành viên, cán bộ thi hành án chưa nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật về thi hành án, trong tác nghiệp thi hành án còn cẩu thả, tùy tiện dẫn đến sai phạm…

Còn về những hạn chế trong giải quyết khiếu nại về thi hành án, theo Cục THADS, kỹ năng công tác dân vận và đối thoại với dân vẫn chưa được các cơ quan thi hành án vận dụng tốt trong quá trình giải quyết khiếu nại về thi hành án. Ngay Cục THADS cũng chưa thật sự chú ý đến việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan THADS xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ thi hành án có hành vi sai phạm, kéo dài quá trình thi hành án.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục THADS khẳng định, năm 2009 cơ quan này sẽ quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành án cùng với giáo dục đạo đức nghề nghiệp chấp hành viên nhằm giảm thiểu tình trạng cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật, pháp luật. Đồng thời, sẽ xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án có hành vi vi phạm pháp luật trong THADS

Bá Tuấn - Nguyễn Thái
.
.
.