Nhiều người sập bẫy thủ đoạn lừa đảo mới
Vào khoảng 10h ngày 14-4, chị V.T.A.T (SN 1957, ngụ phường ĐaKao, quận 1) nhận cuộc gọi của một người đàn ông xưng tên Sĩ nói là người thân của gia đình, đang đi Mỹ thăm con, nhưng nhà lại có đứa cháu bị tai nạn giao thông ở Cần Thơ, cần gấp 45 triệu đồng để mổ cấp cứu.
Do Sĩ đang ở Mỹ không về kịp, nên đã điện thoại nhờ chị T chuyển số tiền trên vào tài khoản số 0601 2173 2486, ghi tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng và hứa sẽ trả lại tiền cho chị T vào 2 hôm sau.
Phạm Văn Ngoan (ảnh nhỏ) và tang vật dùng lừa đảo. |
Nghe giọng nói thấy giống bạn mình, lại “nói trúng phóc” nhiều chuyện trong gia đình chị nên chị T hoàn toàn tin tưởng người ở đầu dây bên kia và đã chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản trên vào 13h30 cùng ngày. Sau khi chuyển tiền xong, khoảng 1 giờ sau, Sĩ tiếp tục gọi điện cho chị T nói do người bị nạn làm khó đòi thêm 100 triệu đồng nữa mới chịu bãi nại, nhờ chị T giúp và chị T cũng đồng ý chuyển tiền.
Đến trưa 15-4, Sĩ thông báo cho chị T biết các anh em của Sĩ ở Mỹ, đã góp được 350 triệu đồng để lo chi phí điều trị cho cháu, nên chị T cứ ứng trước chuyển giúp số tiền này cho cháu của Sĩ vào tài khoản trên do Nguyễn Thị Ánh Hồng đứng tên và tài khoản số 0601 2082 3038 do Lê Thị Bích Ngọc đứng tên.
Sau khi chuyển tiền xong, đến hẹn nhưng không thấy Sĩ trả lại tiền, chị T mới điện thoại cho Sĩ thì mới tá hỏa vì Sĩ không có đi Mỹ, không có đứa cháu nào bị tai nạn giao thông và cũng không mượn tiền chị T. Biết bị lừa, chị T gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra.
Tương tự trường hợp trên, khoảng 14h ngày 2-6, ông N.T.T (SN 1943, ngụ phường Phước Bình, quận 9) nhận cuộc điện thoại bàn của một người đàn ông xưng tên Hoàng là em họ của ông T, hiện đang sinh sống tại Pháp. Hoàng nói, có bạn tên Hậu, quê ở Cần Thơ qua Pháp chơi và Hoàng có gửi một ít sâm về cho vợ chồng ông T.
Hậu bảo con trai của Hậu mang quà lên TP Hồ Chí Minh để giao cho vợ chồng ông T, tuy nhiên trên đường đi thì bị TNGT nên cần tiền gấp để chữa trị. Hoàng thì ở Pháp không chuyển tiền về cho Hậu kịp nên Hoàng nhờ ông T đi vay mượn giúp để Hậu lo viện phí cho con, hứa sẽ trả lại cho ông T ngay số tiền này và cho thêm ông T 5 triệu đồng tiền lời.
Tin lời Hoàng, ông T đã chuyển 5 lần với tổng số tiền 170 triệu đồng vào tài khoản số 0601 2370 7799, ghi tên Huỳnh Văn Hậu như yêu cầu của Hoàng. Chờ mãi vẫn không thấy gửi tiền về để trả nợ, ông T gọi điện cho Hoàng thì mới biết đã bị lừa.
Điểm chung của những vụ lừa đảo này là người bị hại đa số là phụ nữ, người lớn tuổi. Đối tượng gọi điện thoại có giọng nói gần giống với người thân của họ và biết rõ chuyện gia đình của họ.
Từ tố giác của những bị hại, vào cuộc điều tra, Đội 8 Phòng PC46 phát hiện đối tượng Phạm Văn Ngoan (SN 1959, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) chính là người đã trực tiếp gọi điện vào số máy nhà riêng của các bị hại. Ngày 18-7, cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Ngoan để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện Công an đã xác định được hơn 10 bị hại của đối tượng Ngoan, với số tiền bị lừa lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Tại cơ quan Công an, Ngoan khai nhận, đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách gọi điện đến số điện thoại nhà riêng của nhiều người, giả làm người thân của họ để vay mượn tiền và rút ra chiếm đoạt từ khoảng đầu năm 2016. Ngoan cho biết, không hề quen biết các nạn nhân mà chỉ bằng khả năng “khai thác” thông tin của câu chuyện điện thoại với nạn nhân, Ngoan đã khiến những người này tin tưởng.
Đối với những tài khoản thẻ ATM, những thông tin về số điện thoại bàn, tên tuổi nạn nhân,… Ngoan lùng mua từ nhiều đối tượng không rõ lai lịch tại Bến xe Miền Tây.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo các cá nhân không cung cấp CMND, thẻ tài khoản để các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo; nếu bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những người dân bị lừa với thủ đoạn tương tự đề nghị liên hệ với Đội 8 Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ 324 Hòa Hưng, phường 13, quận 10, điện thoại: (08)38640508 để trình báo.