Khó nối tay đứt lìa cho nam thanh niên bị truy sát

Thứ Hai, 07/03/2016, 20:10
Bàn tay trái bị đứt lìa đã được người anh nhặt tại hiện trường và bảo quản đá cẩn thận nhưng ê kíp các BS đã cân nhắc dừng việc thực hiện kỹ thuật nối bàn tay trái để bảo toàn tính mạng.


Chiều 7-3, Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực ( ICU), bệnh viện 175 cho biết, hiện nạn nhân Nguyễn Văn Phong (18 tuổi) bị vết thương ở cổ tay, cẳng tay phải và bàn tay phải hiện đã được phẫu thuật và sức khỏe tiến triển tốt, sẽ sớm hồi phục.Riêng nạn nhân Bùi Hoàng Thiên Phương (17 tuổi), người bị chém đứt lìa bàn tay trái, kèm theo nhiều tổn thương vùng đầu, vai, chân phải… vẫn đang được điều trị và theo dõi, chăm sóc chặt chẽ.

Bác sĩ (BS) Đức Thành cho biết, bệnh nhân Thiên Phương được đưa vào khoa ICU của bệnh viện vào khoảng 21h30 phút tối 6/3 trong tình trạng hôn mê, có nhiều vết dao chém trên cơ thể, vùng đầu, trán, vai trái, cụt hoàn toàn bàn tay trái, chân trái bị gẫy kín vùng mắt cá trong.

Ngay lập tức ê kíp các BS trực đã thực hiện xử lý, chăm sóc các vết thương phần mềm cho bệnh nhân, đồng thời cho truyền dịch, các chất điện giải, truyền máu vì bệnh nhân bị mất nhiều máu, đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết.

Bệnh nhân Bùi Hoàng Thiên Phương đang được theo dõi, chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện 175.

Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân Phương còn phát hiện có tình trạng rối loạn đông máu nặng, cùng với tình trạng hôn mê rất nhanh của bệnh nhân khi nhập viện, ê kíp hội chẩn đã đánh giá tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch. 

Việc cần làm, ưu tiên số 1 là cứu sống tính mạng bệnh nhân đã. Bàn tay trái bị đứt lìa của bệnh nhân dù đã được người anh nhặt tại hiện trường và bảo quản đá cẩn thận nhưng ê kíp các BS đã cân nhắc dừng việc thực hiện kỹ thuật nối bàn tay trái để bảo toàn tính mạng bệnh nhân trước hết.

“Nếu thực hiện kỹ thuật vi phẫu, nối bàn tay cho bệnh nhân sẽ buộc phải dùng thuốc kháng đông, mà bệnh nhân lại bị rối loạn đông máu, khi ấy tình trạng xuất huyết não của bệnh nhân sẽ càng nặng hơn, có thể nguy tới tính mạng ngay trong khi đang thực hiện cuộc phẫu thuật này.

Nếu nối tay cho bệnh nhân thành công nhưng không bảo toàn được tính mạng cho bệnh nhân thì mọi việc là vô nghĩa.”. BS Thành phân tích.

Được biết, từ tối 6/3 tới chiều 7/3, với sự chăm sóc tích cực của các Y-BS tại đây, với việc  tiếp tục điều trị chống phù não và cho bệnh nhân thở máy, cùng các thuốc đặc trị điều trị rối loạn đông máu… tình trạng bệnh nhân Phương vẫn chưa thoát hiểm, nhưng đã đáp ứng điều trị, tình trạng xuất huyết não đã giảm.

Tuy nhiên, theo các BS, với những tổn thương vùng não như trường hợp bệnh nhân Phương thì chưa thể nói được điều gì. Ít nhất từ 3 tới 5 ngày nữa mới có thể có câu trả lời đầy đủ hơn về sức khoẻ của bệnh nhân.

Huyền Nga
.
.
.