Mượn Camry đem cầm đồ

Thứ Năm, 07/05/2009, 10:25
Do thua lỗ lớn trong kinh doanh dẫn, Thuấn đã hỏi mượn chiếc xe ôtô Camry 2.4 trị giá gần một tỉ đồng của bạn rồi đem đi cầm đồ lấy 250 triệu đồng ở TP Hải Dương để lấy tiền trả nợ…
>> Chuyên thuê xe tự lái mang đi cầm đồ

Xe ôtô cho mượn và cho thuê bị đem đi cầm đồ

Ngày 3/5, Công an phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã thu hồi tài sản là chiếc xe ôtô Toyota Innova bị đánh cắp để trả cho bị hại, đồng thời bàn giao Nguyễn Văn Lĩnh, 34 tuổi và Trần Thanh Lâm, 23 tuổi, quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho Công an quận Cầu Giấy để xử lý theo thẩm quyền về hành vi đánh cắp tài sản của người khác đem đi cầm đồ.

Lợi dụng nơi làm việc của mình giáp vách xưởng sửa chữa ôtô của anh Nguyễn Đình Hội, ở 120 đường Hoàng Quốc Việt, hai đối tượng này đã sang "mượn" chiếc ôtô Toyota Innova đem cầm đồ lấy 100 triệu đồng để tiêu xài.

Đầu năm 2009, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Vũ Đình Tâm, 25 tuổi, quê ở tỉnh Sơn La 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vừa tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, trong thời gian chờ phân công công tác, Tâm đã thuê xe ôtô của Công ty Lâm Anh và Công ty Huy Hoàng (Hà Nội) rồi câu kết với một số đối tượng xấu đem cầm đồ lấy 800 triệu đồng. Số tiền này, Tâm và đồng bọn sử dụng vào việc ăn chơi xa xỉ.

Cuối năm 2008, Công an tỉnh Hải Dương thực hiện lệnh bắt và đã khởi tố bị can đối với Đào Anh Thuấn, 26 tuổi, trú tại đường Nguyễn Thượng Mẫn, phường Bình Hàn, TP Hải Dương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian làm nghề kinh doanh, do bị thua lỗ lớn dẫn đến việc các chủ nợ đòi nợ, Thuấn đã hỏi mượn chiếc xe ôtô Camry 2.4 trị giá gần một tỉ đồng của bạn là anh Trần Minh Đức, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Thuấn đem chiếc xe ôtô này đi cầm đồ lấy 250 triệu đồng ở TP Hải Dương để lấy tiền trả nợ…

Đây chỉ là những vụ điển hình xảy ra gần đây. Chuyện tưởng như cũ nhưng không ít người vì mất cảnh giác hoặc tin bạn mà vẫn mắc phải.

Cảnh giác để người khác không phạm tội

Trong quá trình xét xử, TAND TP Hà Nội đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức thuê và mượn xe ôtô đem đi cầm đồ đều xuất phát từ việc người có tài sản vì quá tin bạn, hoặc các chủ doanh nghiệp cho thuê không thận trọng trong việc tìm hiểu bản chất việc đối tượng thuê xe ôtô để sử dụng vào mục đích gì.

Trong khi đối tượng lừa đảo tìm mọi cách nói dối để thực hiện trót lọt hành vi của mình, thì những cửa hàng cầm đồ chỉ vì lợi nhuận mà quên đi tính cẩn trọng. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở việc, những chiếc xe ôtô dù không có giấy tờ chính chủ, hoặc giấy mua bán xe, giấy sang tên đổi chủ… nhưng vẫn được các chủ hiệu cầm đồ chấp nhận. Còn những người bạn tốt có phương tiện cho bạn mượn thì lại tỏ ra dễ dãi, thờ ơ, thậm chí là thiếu trách nhiệm với tài sản của mình.

Thực tế nhiều phiên tòa xét xử về hành vi lừa đảo thuê xe ôtô đi cầm đồ đã minh chứng, trong lúc túng quẫn, bí bách về tiền bạc, một số đối tượng đã liều lĩnh dám làm những việc mà họ chưa bao giờ nghĩ đến. Ngoài những đối tượng không có học thức phạm tội thì điều đáng buồn là không ít đối tượng gây án lại là người có học thức và hiểu biết pháp luật. Thế nhưng vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau mà nhiều người vẫn liều lĩnh thực hiện  hành vi phạm tội để giải quyết nhu cầu trước mắt.

Sự việc bại lộ, các đối tượng phạm tội không có khả năng khắc phục hậu quả. Và đương nhiên là các đối tượng sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng biết bao hệ lụy buồn từ sự việc này là tình cảm bạn bè không còn. Những người thân yêu trong gia đình của đối tượng gây án sẽ phải chịu bao điều tiếng xấu của xã hội vì việc mà các đối tượng đã làm.

Để bảo vệ tài sản của mình, giữ gìn các mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, người quen, mỗi người dân cũng như các chủ doanh nghiệp cần nêu cao ý thức cảnh giác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tránh cho người khác lầm đường, lạc lối, và để xã hội giảm bớt những sự việc buồn

Nguyễn Phương
.
.
.