"Mua hoa" bất thành, xô xát với chủ quán

Thứ Ba, 29/11/2005, 07:30

Vụ việc xảy ra ngày 18/11 tại quán cà phê 172 Phan Đăng Lưu, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội). Nguyên nhân của cuộc xô xát này là một trong 2 ông khách đòi "mua hoa" nhưng không thành mà vẫn phải trả 140 nghìn đồng.                                             

Cuộc xô xát, cãi vã giữa Phạm Văn D., ở Hải Dương và Bùi Hữu V., ở quận Long Biên, Hà Nội (là anh rể của D) với bà chủ quán Nguyễn Thị Lý kéo dài vài tiếng đồng hồ xung quanh chuyện khách không chịu thanh toán 2 cốc cà phê với cái giá... vô lý.

Tiếc tiền vì... chưa làm được gì

Công an thị trấn Yên Viên cho biết: Vào khoảng 13h30 phút, sau khi đi ăn thịt chó về, V. rủ D. đến phố Phan Đăng Lưu để "vui vẻ" vì chẳng mấy khi cậu em vợ lên Hà Nội. Họ vào quán cà phê 172 Phan Đăng Lưu. Bà chủ quán giao hẹn: "Ở đây không có cave mà chỉ có cà phê, giá ngồi bàn là 50 nghìn đồng/người và tiền bo 20 nghìn/người". Để tiếp 2 ông khách, chủ quán mượn thêm 1 cô nhân viên ở nhà bên cạnh, còn mình thì bỏ đi chơi.

V. và D. được bố trí ngồi ở 2 bàn, mỗi bàn che bằng một tấm riđô. Nhân viên Đinh Thị Thơm thấy vị khách nhất nhất đòi "mua dâm" cô bạn, bèn chạy đi gọi bà chủ. Bà chủ về mắng 2 vị khách, đồng thời đòi 140 nghìn đồng theo như thỏa thuận. Cả V. và D. tức tối vì chưa "được" gì mà phải trả 2 cốc cà phê với giá cắt cổ thì đôi co. Sự việc kéo dài gây ầm ĩ cả tuyến phố.

Xử phạt xong - đâu lại vào đấy!

Sau khi nghe lời tường trình của các bên, Công an thị trấn Yên Viên đã ra quyết định lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thị Lý về việc cho nhân viên nữ ngồi với khách có hành vi kích dục. Điều cá biệt, đây là lần thứ... 8 bà chủ quán này bị Công an thị trấn xử phạt vi phạm hành chính. Tháng 3/2003, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính 3 lần, thị Lý tiếp tục bị phạt 2,2 triệu đồng do không ký hợp đồng lao động với nhân viên và bán hàng đóng cửa khi có khách ở trong. Sau lần phạt này, Lý đã trả lại giấy đăng ký kinh doanh để trốn nộp phạt nhưng vẫn tiếp tục bán cà phê. Từ đó đến 9/2004, Công an thị trấn lại 2 lần xử phạt Lý vì không có giấy phép kinh doanh.

Cảnh thường thấy ở đường Phan Đăng Lưu.

Liên tiếp bị phạt như thế, tháng 10/2004, Lý lại xin cấp giấy phép kinh doanh mới, vẫn bán cà phê. Tháng 5/2005, thị lại bị Công an thị trấn xử phạt vì để nhân viên ngồi với khách có hành vi kích dục. Nhìn "bảng thành tích" trên đủ chứng tỏ Lý là người lỳ lợm, coi thường pháp luật và cố tình tái phạm nhiều lần.

Theo Công an thị trấn Yên Viên, không chỉ có Lý mà hầu hết các hộ kinh doanh cà phê ở tuyến phố này đều bị xử phạt ít nhất từ một đến vài lần. Công an thị trấn Yên Viên đã có công văn đề nghị với UBND thị trấn đề xuất với UBND huyện rút giấy phép kinh doanh của 3 hộ Nguyễn Thị Thìn, Trần Thị Phương và Nguyễn Thị Lý. Thế nhưng, sau khi đối chiếu với 4 lỗi vi phạm thì vi phạm trong các quán cà phê không nằm trong quyết định rút giấy phép kinh doanh, UBND huyện đã có công văn trả lời địa phương, nếu các hộ trên còn vi phạm thì tiếp tục xử phạt hành chính. Điều khiến chính quyền địa phương ở đây đau đầu nhất chính là xử phạt vi phạm hành chính không có sức răn đe, vì phạt xong, đâu vẫn lại vào đấy.

Bao giờ mới dẹp được nạn cà phê trá hình?

Một tuyến phố dài chưa đầy 1km mà có tới gần 30 quán cà phê trá hình hoạt động kéo dài nhiều năm, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Người dân chịu đựng cảnh cãi vã, đánh nhau do chủ "ép giá" khách đã trở thành quen thuộc. 

Theo Công an thị trấn Yên Viên, đa số chủ quán cà phê đến các tỉnh khác để tuyển nhân viên. Hàng tháng, chủ quán gửi lương về cho gia đình nhân viên theo đường bưu điện nên đã gây được lòng tin rất lớn. Chính vì thế, khi Công an thị trấn lập danh sách số nhân viên "cà phê ôm" gửi về địa phương, yêu cầu gia đình xuống đón, thì đã có rất nhiều gia đình "không tin" hoặc có xuống đón về nhưng vài hôm sau lại thấy xuất hiện. Điều đau lòng khi phần lớn nhân viên làm việc ở đây đều còn rất trẻ. Nhiều cô khi bị đưa về trụ sở Công an nói tiếng phổ thông chưa sõi, không viết nổi bản tường trình.

Công an thị trấn Yên Viên cho biết muốn giải quyết triệt để tệ nạn này, luật pháp phải có sự điều chỉnh. Đối với khách, nếu có hoạt động kích dục thì phải có quy định xử phạt nghiêm khắc. Nhân viên cũng thế, nếu 3 lần bị bắt quả tang phải đưa vào cơ sở giáo dục. Cũng theo Công an Yên Viên, Nghị định 87 cần phải sửa đổi. Nhiều quán cà phê ở đây tuy đã bị bắt nhưng lại cho thuê bán cà phê tiếp. Mặc dù tấm biển "Công an tăng cường kiểm tra xử lý khách đến uống cà phê ôm" treo chình ình trước cửa của các quán, nhưng khách vẫn dập dìu đến đây, vẫn muốn bỏ tiền "mua hoa". Thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của Công an và chính quyền địa phương, thì các ngành chức năng phải có biện pháp mạnh và cương quyết hơn nữa trong việc xử lý vi phạm

Trần Hằng
.
.
.