Một "siêu lừa" XKLĐ thoát hiểm vì bị... tâm thần

Thứ Hai, 02/01/2012, 16:00
Điều rút ra từ vụ án lừa XKLĐ do Đinh Hùng Quảng giữ vai trò chủ mưu chính là những bài học cảnh giác với các bị hại. Tin một người tâm thần để rồi trao tay số tiền bạc tỷ là điều không thể chấp nhận được.

Đinh Hùng Quảng (55 tuổi), trú tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghệ mới cùng con trai là Đinh Hồng Giang (27 tuổi) và Lê Đăng Lưu (48 tuổi), chỗ ở tại phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Công ty CP Hợp tác đầu tư quốc tế là "bộ ba" ăn ý trong việc lừa đảo người có nhu cầu đi XKLĐ. Trong đó, Quảng giữ vai trò chủ mưu.

Thực hiện ý đồ trên, Quảng gọi con trai là Đinh Hồng Giang đang làm thợ điện nước tự do ở TP Ninh Bình lên Hà Nội để bàn kế hoạch tổ chức thực hiện. Ngay sau đó, Quảng đã làm thủ tục xin thành lập công ty và được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cho phép thành lập Công ty CP Tập đoàn công nghệ mới, có địa chỉ tại thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Cùng thời gian, Lê Đăng Lưu cũng thành lập công ty và các đối tượng nhanh chóng móc nối với nhau để thực hiện những phi vụ lừa đảo. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (mua hoặc tự in nhiều loại giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến XKLĐ, mở lớp dạy nghề, học tiếng Hàn, tổ chức chỗ ăn ở cho học viên nội trú…), chỉ trong hai năm 2006 và 2007, bố con Quảng, Giang đã chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng. Còn Lê Đăng Lưu chiếm đoạt 5,1 tỷ đồng. Cho đến khi bị bắt, chúng mới chỉ khắc phục được một phần thiệt hại.

Đồng phạm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là bị can Bùi Trung Kiên, có vai trò giúp sức rất đắc lực cho Quảng  và Giang thực hiện hành vi lừa đảo. Bản thân Kiên đã bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) xử phạt 15 tháng tù giam về tội môi giới mại dâm. Hiện nay, Kiên đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Do đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được xử lý sau.

Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 23 và 24/3/2011, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm với sự có mặt của rất đông bị hại. Nhưng cũng tại phiên tòa này, điều bất ngờ đã xảy ra. Bị cáo Lê Đăng Lưu xuất trình hồ sơ bệnh án đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và xác nhận của cơ sở y tế cộng đồng Hà Tĩnh về bệnh tâm thần phân liệt của mình.

Ngoài ra, quá trình thẩm vấn, Hội đồng xét xử cũng nhận thấy một số bị hại cho rằng số tiền các bị cáo chiếm đoạt trong hồ sơ truy tố thấp hơn số tiền thật họ đã đưa cho các đầu mối hoặc bị cáo. Với những lý do xác đáng này, đại diện VKSND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vì một số tình tiết chưa sáng tỏ nên Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đồng thời, TAND TP Hà Nội có quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần với Lê Đăng Lưu với 2 nội dung: Bị cáo có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình hay không và nếu bị cáo Lưu có mắc bệnh đó thì vào thời gian nào?

Sau một thời gian tiếp nhận để theo dõi nội trú và tiến hành giám định tại Khoa giám định, ngày 16/11/2011, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương đã có Kết luận số 91/GĐPYTT với nội dung: Bị cáo Lê Đăng Lưu bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loại tâm thần và hành vi bệnh có mã số F31.2; bị cáo bị bệnh từ khoảng năm 2004; trước, trong khi phạm tội, bị cáo hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Vậy là đã rõ. Hồ sơ vụ án phần bị cáo Lê Đăng Lưu sẽ được tách ra và đương nhiên, kẻ siêu lừa này sẽ thoát hiểm, không phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Còn hai cha con Đinh Hùng Quảng và Đinh Hồng Giang sẽ phải lĩnh án trong phiên tòa sẽ diễn ra vào tháng 2/2012.

Điều rút ra từ vụ án chính là những bài học cảnh giác với các bị hại. Tin một người tâm thần để rồi trao tay số tiền bạc tỷ là điều không thể chấp nhận được. Mặt khác, cơ quan điều tra cũng rút ra những kinh nghiệm quý báu từ việc điều tra vụ án này để không mắc những sai lầm tương tự.

Việc điều tra khách quan, chính xác sẽ là cơ sở để buộc kẻ phạm tội nhận sự trừng phạt của luật pháp và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ án, không để một vụ án kéo dài quá lâu chỉ vì những sơ suất không đáng có đó mà vụ án trên là một ví dụ điển hình

Nguyễn Tuấn
.
.
.