Lời thú tội chốn biệt giam

Thứ Hai, 30/07/2007, 19:39

Chỉ đến khi đối diện bốn bức tường biệt giam, không ít bị cáo lĩnh án tù chung thân hoặc tử hình mới thực sự thổ lộ tâm tư chân thật nhất. Có những lời khai cuối cùng ở chốn biệt lao là chìa khóa mở bước ngoặt mới làm thay đổi tính chất, quy mô vụ án...

Việc khai báo nếu xác định thực sự có giá trị, chứng tỏ đã lập công lớn thì đó là tình tiết có thể giúp can phạm thoát án tử hình hoặc là căn cứ đặc xá, xét giảm việc chấp hành hình phạt khi án đã có hiệu lực pháp luật.

Phạm nhân thụ án chung thân và lớp học lập công chuộc tội

Phạm nhân Phạm Văn Thành (trong vụ án ma tuý Chu Văn Hiếu) bị kết án tù chung thân về tội buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma tuý, được đưa về thụ án tại Trại giam Tân Lập. Những ngày thụ án chung thân ở Trại Tân Lập, ở cùng phòng giam với phạm nhân khác, phạm nhân Thành bắt đầu tỏ rõ sự chán nản, thường xuyên ta thán về cuộc đời...

Trại Tân Lập từ lâu đã có lớp gọi là "lập công chuộc tội". Thụ án ở trại thường có mặt những đối tượng từng làm mưa, làm gió một thời ngoài xã hội, nay vào trại chấp hành bản án nghiêm khắc: tù chung thân, tù 20 năm đến 30 năm.

Lớp lập công chuộc tội dành cho những phạm nhân biết ăn năn, hối cải, tự nguyện lập công thông qua lao động hoặc có công trạng khác. Trung tá Cao Mạnh Cảnh, cán bộ Trại giam Tân Lập thường là người đứng lớp lập công chuộc tội.

Trung tá Cảnh nhớ lại: Dạo đó, ngày 25/9/2001, một phạm nhân báo cho anh biết tâm lý bất thường và những biểu hiện tỏ rõ sự bức xúc về "đồng bọn ngoài xã hội" của phạm nhân Thành. Khi được đưa vào lớp lập công chuộc tội, Trung tá Cảnh hỏi có phải phạm nhân bức xúc về bản án chung thân, cho rằng án tuyên như vậy là nặng hoặc chưa chính xác? Tuy nhiên, Phạm Văn Thành không tỏ ra thắc mắc về mức án mà nói bóng gió chuyện bất công. Thành nói, trước đây khi CQĐT hỏi cung, cả khi ra tòa, tuyệt nhiên y không nói nửa câu về những nhân vật cốt cán từng lôi kéo y phạm tội do sợ bị trả thù.

Nay án tuyên chung thân đã như đinh đóng cột, chưa biết khi nào được giảm án, ra tù, do đó thay cho sự lo sợ, che giấu đồng bọn trước đây, Phạm Văn Thành so sánh chuyện kẻ trong, người ngoài, sinh bực dọc, bức xúc.

Vài hôm sau, Thành được cán bộ Cảnh đưa vào lớp lập công chuộc tội. Bài học đầu tiên của lớp là chính sách của pháp luật đối với người phạm tội biết nhận rõ lỗi lầm, lập công hoặc tiếp tục giúp cơ quan chức năng đấu tranh chống tội phạm, làm rõ các đối tượng trong vụ án có liên quan. Thành cũng được cán bộ Cảnh gặp gỡ, động viên riêng.

Hơn tuần sau, trong buổi học của lớp, phạm nhân Thành đã thành thật nói ra sự thực liên quan vụ án buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý mà y đã lãnh án chung thân.

Thành nói, sự thật là từ năm 1995 đến 2000, y đã cùng một số tay chân cốt cán vận chuyển ma tuý từ Lai Châu về Hà Nội. Trong số đó, Thành đã chuyển cho vợ chồng tên Chu Văn Hiếu và Trần Thị Lý để hai đối tượng này tiêu thụ tại Hà Nội, số lượng 30kg thuốc phiện và nhiều bánh heroin.

Quá trình làm ăn, Hiếu và Lý từng tuyên bố với Thành là đã chấp nhận vào cuộc chơi phải liều, có chết cũng không hé răng và yêu cầu Thành phải tuân thủ. Khi Thành bị bắt, Thành đã giấu bặt việc mình chuyển ma tuý cho vợ chồng Hiếu và Lý, chỉ khai báo những vụ việc khác không liên quan 2 đối tượng này.

Nhưng những ngày ở trại, Thành hiểu rằng, bản án chung thân đã không thể thay đổi, một sự phán quyết nghiêm khắc và Thành phải đối mặt, phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Vậy thì việc y che giấu những đồng phạm, những kẻ thậm chí từng lừa gạt, chiếm đoạt tiền của mình để làm gì, tại sao không khai báo? Tại sao phải khăng khăng "không biết" để biến mình thành kẻ ngoan cố, quanh co còn đồng bọn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vẫn tiếp tục phạm tội? Sự băn khoăn rồi cũng được hóa giải khi cán bộ Cảnh đưa Thành vào lớp học này cùng những buổi phân tích cặn kẽ.

Những thông tin này sau đó được chuyển tới Cục CSĐT tội phạm về ma tuý. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng, chìa khoá giúp CQĐT mở rộng điều tra, có tính bước ngoặt của vụ án buôn bán ma tuý lớn liên quan vợ chồng Hiếu và Lý.

Một thời gian sau, khi vụ án đã kết thúc, vợ chồng Chu Văn Hiếu, Trần Thị Lý hiện diện là ông chủ, bà trùm đường dây buôn bán ma tuý lớn từ Lai Châu về Hà Nội, trong đó Phạm Văn Thành chỉ là một mắt xích. Hiếu, Lý và đồng bọn trong đường dây có tới 22 tên đã vận chuyển, tiêu thụ trái phép 315kg thuốc phiện, hàng chục bánh heroin.

Với kết luận này, ngày 18/8/2003, TAND Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, tuyên 4 án tử hình, 7 án chung thân. Hiếu nhận mức án cao nhất. Giai đoạn 2 của vụ án được điều tra ngay sau đó, làm rõ hành vi phạm tội của 23 bị cáo khác.

Tháng 12/2006, phần 2 của vụ án tiếp tục được TAND Hà Nội xét xử, toà tuyên 6 án tử hình, 12 án chung thân. Hiếu một lần nữa lãnh án tử hình, còn vợ y, Trần Thị Lý nhận án chung thân.

Những lời thú tội chân thực từ chốn biệt giam của các phạm nhân chấp hành án tù chung thân hoặc phạm nhân bị tuyên tử hình trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là án ma tuý đã trở thành những chìa khoá quan trọng.

Lời thú tội chân thực từ chốn biệt giam hàm chứa những sâu kín nhất, những sự thực mà trước đó, ở vào hoàn cảnh khác, vì các lý do khác nhau mà bị can, bị cáo chưa từng tiết lộ. Tất nhiên, đó là thời điểm bản án đã có hiệu lực pháp luật, lời khai muộn màng của phạm nhân không giúp làm thay đổi bản án nhưng phần nào cũng thể hiện sự ăn năn để cơ quan chức năng xem xét khi giảm chấp hành hình phạt đối với mức án đã tuyên.

Trước đây, chúng tôi cũng đề cập việc tử tù Nguyễn Văn Chiến - tội phạm ma tuý, cũng bị tạm giam tại Trại Tân Lập. Từ lời khai trước đó của một phạm nhân, sau này tử tù Chiến đã khai nhận việc có quan hệ mua bán ma tuý với Đặng Văn Ấu ở Hà Nội và Ấu là đầu mối tiêu thụ số lượng ma tuý lớn trong đường dây Trịnh Nguyên Thủy.

Điều tra viên Phạm Đình Thi, Công an Phú Thọ là người trực tiếp xét hỏi Chiến và tác động tâm lý để Chiến đủ bình tĩnh khai báo. Tiếp đó, anh cùng tổ công tác xuống Hải Phòng, gặp gỡ phạm nhân Nguyễn Xuân Thành - cũng bị tuyên án tử hình về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Qua phân tích của cán bộ Thi, Thành cũng tiết lộ những chi tiết mới, từ đó giúp CQĐT làm rõ hành tung Đặng Văn Ấu và mở rộng điều tra vụ án.

Người thầy đứng lớp lập công chuộc tội

Trung tá Cao Mạnh Cảnh nói rằng, anh không chỉ đứng lớp lập công chuộc tội của những phạm nhân có liên quan đến ma tuý. Nhiều năm làm việc ở Trại Tân Lập, anh là người đứng lớp những "học trò" mới nghe tên, nhiều phạm nhân khác đã khiếp vía: băng nhóm Khánh Trắng, Long bến Bính, Lâm già... Nhiều can phạm nổi tiếng cứng đầu, xưng anh chị ở trại khác cũng được chuyển về đây, tuy nhiên chỉ lựa chọn một số trường hợp trong đó để đưa vào lớp cải tạo lập công chuộc tội.

Thực tế, khi vào trại, các phạm nhân chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, con đường xoá ranh giới này không hề đơn giản. Do đó, nếu họ có ý định phạm tội mới, nhất thiết phải được phát hiện, ngăn chặn. Nếu họ có tâm tư, bức xúc, khi vào thụ án cũng là thời điểm cuối cùng cần phải tạo điều kiện cho họ thổ lộ.

Bởi thế, từ năm 2000 tới nay, Trại Tân Lập mở 12 lớp lập công chuộc tội và có gần 600 "học trò", trong đó không ít trò mang án chung thân, án tù 20 - 30 năm. Những lớp học như vậy hẳn chẳng có giáo trình nào ghi sẵn, chẳng có khuôn mẫu, giáo án nào áp lại. Tất cả không gì khác phải xuất phát từ chính tình cảm và khả năng sư phạm riêng có của những cán bộ quản giáo.

Nhưng không chỉ Trại Tân Lập có các lớp đặc biệt. Cán bộ quản giáo Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) nay vẫn nhớ hình ảnh tử tù Xiêng Phênh trong vụ Vũ Xuân Trường gần 10 năm trước...

(Còn nữa)

Đăng Trường - Thu Hòa
.
.
.