Liệu có quá nương tay với tội phạm người nước ngoài?

Thứ Hai, 26/11/2012, 15:30
Tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm ăn vi phạm pháp luật hiện nay không còn là hiếm. Thế nhưng, qua theo dõi nhiều phiên tòa xét xử các vụ án do người nước ngoài gây án xảy ra gần đây khi quyết định hình phạt, tòa án còn quá chiếu cố và nương tay…
>> Những quái chiêu của tội phạm ngoại

Viện Kiểm sát "giơ cao", tòa "đánh khẽ"

Mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Giam Wei Lun (27 tuổi, quốc tịch Malaysia) mức án 4 năm tù về tội "lưu hành các giấy tờ có giá giả khác" khiến nhiều người tham dự phiên tòa chưng hửng bởi mức án quá nhẹ so với đề nghị của vị đại diện VKS trước đó (từ 8-10 năm tù).

Theo cáo trạng, do thiếu nợ 15.000 USD ở Malaysia không có khả năng chi trả, giữa tháng 11/2011, Giam Wei Lun nhận lời một đối tượng tên Boy sang Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hưởng 10% trên số hàng đã mua được. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, từ ngày 19/11 đến 9/12/2011, Giam Wei Lun đã nhận 25 thẻ tín dụng giả nhiều lần đến các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mua hàng.

Hai bị cáo người nước ngoài bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử.

Ngày 9/12/2011, Giam Wei Lun cùng đồng bọn đến cửa hàng Halo Shop, số 82-84 Pasteur, quận 1 mua 2 máy iPad 2, 1 iPhone 4S, trị giá trên 58 triệu đồng. Khi Giam Wei Lun đưa 3 thẻ tín dụng giả để nhân viên cửa hàng thanh toán thì bị phát hiện bắt giữ. Tổng cộng, Giam Wei Lun đã dùng thẻ tín dụng giả mua được 10 máy tính bảng iPad 2, 4 iPhone 4S, 3 túi xách hiệu Gucci và một túi da với tổng giá trị tài sản lên tới 317 triệu đồng.

Cách đó không lâu, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" do bị cáo Lars Bjronar Hanssen (38 tuổi, quốc tịch Na Uy) gây ra, TAND TP Hồ Chí Minh chỉ ra quyết định phạt tiền bị cáo này 30 triệu đồng.

Theo cáo trạng, Lars Bjronar Hanssen là khách du lịch đang lưu trú tại một khách sạn trên đường Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Rạng sáng 6/11/2011, Lars Bjronar Hanssen điều khiển xe môtô 125CC chở bạn gái lưu thông trên đường Nguyễn Chí Thanh. Do vừa đi vừa đùa giỡn với bạn gái nên Lars Bjronar Hanssen đã để xe va chạm vào bà T.A đang đứng trên lề đường trước số nhà 92 Nguyễn Chí Thanh, khiến nạn nhân chết do chấn thương sọ não. Theo kết quả điều tra, tại nạn xảy ra lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Vào thời điểm gây tai nạn, bị cáo không có giấy phép lái xe và trong người đang có rượu bia.

Trong khi đó, trong một vụ án tương tự nhưng do người Việt Nam phạm tội, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hoàng 2 năm tù giam. Theo nội dung vụ án, sáng 19/8/2011, Hoàng chạy xe máy chở nước đá chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, khi đến bên hông Thảo Cầm Viên thì đụng phải một người đi bộ băng qua đường. Hậu quả nạn nhân trong vụ án này đã chết. Tòa án xác định, nguyên nhân chính trong vụ án này là do bị cáo chở hàng cồng kềnh, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nhưng nạn nhân trong vụ án này cũng có phần lỗi vì đi không đúng trong phần đường quy định.

Được xử nhẹ vì không am hiểu pháp luật?

Tương tự, cách đó không lâu TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Olivier Le Roux (27 tuổi, quốc tịch Pháp) mức án 5 tháng 24 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam) về tội "cướp giật tài sản". Theo cáo trạng, tháng 1/2012, Olivier Le Roux nhập cảnh vào Việt Nam để đi du dịch.

Đến ngày 6/2, Olivier Le Roux đến cửa hàng bán máy ảnh số 2 Trần Hưng Đạo (quận 1) do anh Phạm Đức Nguyên làm chủ hỏi mua máy ảnh. Anh Nguyên lấy cho Olivier Le Roux xem một máy ảnh, báo giá 150 USD. Lợi dụng trong lúc anh Nguyên bấm máy tính để tính ra tiền Việt thì Olivier Le Roux bất ngờ giật máy ảnh bỏ chạy nhưng đã bị những người xung quanh đuổi theo bắt được.

Trong khi cũng với hành vi "cướp giật tài sản", TAND quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh xử gần đây đã tuyên phạt Đinh Thị Ngọc Huyền (19 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) mức án 18 tháng tù. Trước đó, vào ngày 11/3, Huyền cùng đồng bọn là Lê Thị Kim Tiền (15 tuổi) điều khiển xe gắn máy đến trước Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) dừng xe, giả vờ hỏi mua vé số của chị Ngô Thị Tuyết Nhung. Lợi dụng lúc chị Nhung sơ hở, cả hai giật 96 tờ vé số rồi lên xe máy bỏ chạy nhưng đi được một đoạn thì cả hai té ngã và bị quần chúng xung quanh hỗ trợ bắt giữ giao cho Công an. Do lúc phạm tội Tiền chỉ mới 15 tuổi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Thị Thu Nga (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), theo Điều 5 của Bộ luật Hình sự quy định thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Việt Nam (Việt Nam) đều phải xử lý theo pháp luật Việt Nam, chỉ trừ đối tượng người nước ngoài được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Loại trừ những trường hợp trên thì người nước ngoài phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế khi xét xử nhiều vụ án do người nước ngoài phạm tội, tòa án thường áp dụng nguyên tắc có đi có lại, ngoại giao… và ngoài các tình tiết giảm nhẹ tội theo quy định của pháp luật, tòa án thường "thêm" tình tiết không am hiểu pháp luật Việt Nam mà giảm đáng kể hình phạt cho các bị cáo.

Tuy nhiên, với tình hình tội phạm ngày càng tăng như hiện nay nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, bất kể người Việt Nam hay nước ngoài mới có thể răn đe và phòng ngừa tội phạm

A. Huy

.
.
.