Vụ án đang gây sự chú ý đặc biệt tại Kiên Giang:

Liên tiếp ký sổ đỏ khống, 1 lãnh đạo huyện giúp DN lừa tiền “khủng”

Thứ Sáu, 18/10/2013, 10:42
Trao đổi với PV Báo CAND sáng 17/10, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm kinh tế (PC46) Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ của ông Nguyễn Văn Lượm, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh (Kiên Giang) đã giúp một giám đốc doanh nghiệp (DN) lừa đảo hàng loạt ngân hàng với số tiền lên trên 91 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lượm. Trước đó, 2 cán bộ thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) huyện An Minh gồm Dương Văn Giàu và Nguyễn Hoàng Minh cùng Nguyễn Đông Hải, chủ của hai DN cùng mang tên Tấn Hải Đăng cũng đã bị bắt tạm giam.

Theo cơ quan điều tra, năm 2006, Hải lập DNTN Tấn Hải Đăng. Đến tháng 6/2010, Hải tiếp tục thành lập Công ty CP Tấn Hải Đăng, trụ sở cũng đặt tại thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, cùng ngành nghề mua bán gỗ, vật liệu xây dựng, xây dựng công trình; Hải làm Chủ tịch HĐQT.

Từ 2006 đến 2010, Hải dùng pháp nhân của DN Tấn Hải Đăng để vay vốn nhiều ngân hàng, tài sản thế chấp là các giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) của người thân trong gia đình và của Hải sang nhượng lại của người khác. Đầu năm 2010, việc kinh doanh bị thua lỗ, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi đó Hải lại dùng tiền vay ngân hàng sang nhượng đất của nhiều hộ dân để làm Khu dân cư Tấn Hải Đăng. Không đủ tiền để đáo hạn nên Hải đã chủ động vay “nóng” bên ngoài.

Lún vào nợ nần ngày càng sâu nhưng để có tiền tiêu xài và đáo hạn, Hải câu kết với Giàu, Minh và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lượm. Người ta thấy bộ tứ này thường xuyên đi nhậu chung với nhau.

Khoảng giữa năm 2010, Hải đi tìm mua đất nông nghiệp của người dân tại các xã thuộc huyện An Minh. Xong thủ tục sang tên, Hải đưa các sổ đỏ cho Giàu để Giàu tự viết nội dung điều chỉnh biến động chuyển từ đất lúa lên đất ở đô thị vào phía sau sổ đỏ, giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Lành, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ, đóng dấu của văn phòng vào rồi giao lại cho Hải. Đến ngày 23/5, Hải đã mang 6 sổ đỏ khống mục đích SDĐ này đến ABBank – Chi nhánh Kiên Giang và Chi nhánh Cần Thơ để vay 12,9 tỷ đồng (trong khi giá trị đất nông nghiệp thể hiện tại 6 sổ đỏ chỉ 2 tỷ đồng).

Sau khi được “bạn nhậu” Nguyễn Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh ký, Nguyễn Đông Hải đã đưa những sổ đỏ khống này vào ngân hàng thế chấp, vay vốn.

Không chỉ dùng phương thức vừa kể, trước đó, vào tháng 4/2011, Hải đã nhờ Minh lấy trộm phôi gốc sổ đỏ, sau đó ghi, in khống số thửa, diện tích, mục đích sử dụng là đất ở đô thị và sơ đồ vị trí đất,… rồi trực tiếp mang sang phòng làm việc cho Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lượm ký tên, đóng dấu. Để tránh sự phát hiện của lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện, khi làm hồ sơ vay vốn, Hải đề nghị Giàu xác nhận thế chấp khống vào các sổ đỏ khống theo yêu cầu của ngân hàng, rồi tiếp tục giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Lành. Hải cùng Giàu, Minh đã làm ra 18 sổ đỏ khống để Hải đưa vào ngân hàng thế chấp vay vốn với số tiền 70,5 tỷ đồng.

Nguyễn Đông Hải còn thực hiện hành vi gian dối bằng cách sang tên khống các sổ đỏ và giả chữ ký vào các hồ sơ vay vốn. Cơ quan điều tra cho biết, trong số 92 sổ đỏ mà Hải đưa vào ngân hàng thế chấp để vay tiền, có nhiều sổ đỏ không phải của Hải mà là của nhiều người khác. Khi mượn sổ đỏ của người dân, Hải nói nếu Hải trực tiếp làm thủ tục vay, ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn. Vì đang có nhu cầu vay tiền, lại tin tưởng Hải nên nhiều người đã đưa sổ đỏ cho Hải, rồi ký giấy ủy quyền. Có điều, khi vay được tiền, Hải chỉ giao lại cho các chủ sổ đỏ số tiền mà chủ sổ đỏ cần vay, khoản còn lại, Hải chiếm đoạt.

Trở lại hành vi của Nguyễn Văn Lượm, cơ quan điều tra cho biết ông Lượm được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn từ tháng 5/2009. Trong thời gian trước khi vụ án bị phát hiện, ông Lượm thường xuyên đi ăn nhậu rồi trở nên thân thiết với Hải. Chính từ mối quan hệ này mà ông Lượm đã liên tiếp ký 16 sổ đỏ khống do Hải mang đến.

UBND huyện và Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện An Minh xác định với Cơ quan điều tra rằng 16 sổ đỏ vừa kể không có hồ sơ và cũng không vào sổ cấp sổ đỏ theo quy định. Cũng theo quy định của UBND huyện An Minh, khi trình sổ đỏ, phải kèm theo hồ sơ chứ không được trình giấy riêng và hồ sơ riêng; chỉ có Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ mới được trình ký.

Nếu cán bộ đi trình ký thì lãnh đạo Văn phòng đăng ký QSDĐ phải gọi điện thoại, xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện trước. Chưa hết, về thẩm quyền ký sổ đỏ, việc cấp mới đối với đất ở đô thị thì thẩm quyền của UBND huyện ký cho cá nhân không quá 300m2. Trong khi đó ông Lượm hào phóng ký 16 sổ đỏ cấp cho “bạn nhậu” Nguyễn Đông Hải với sổ đỏ có diện tích thấp nhất là 5.745m2; cao nhất là 40.440m2.

Liên quan đến vụ án này, nguồn tin của PV Báo CAND vào chiều 17/10 cho biết, tại cuộc họp của Ban chấp hành Đảng bộ huyện An Minh mới đây đã biểu quyết thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đình chỉ chức vụ và công tác đối với bà Hồ Như Thúy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh. Một lãnh đạo Huyện ủy An Minh cho biết bà Thúy đã ký một sổ đỏ khống, không thiết lập bằng hồ sơ và trên thực tế cũng không có đất.

Binh Huyền
.
.
.