Lật tẩy nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả ở Tây Nguyên
- Phân bón giả và nỗi đau thật
- Phân bón giả tràn lan tại nhiều tỉnh Tây Nguyên
- Phát hiện 7 tấn phân bón giả, kém chất lượng
Tạ Phi Hữu (29 tuổi) ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum đã tìm cách mở cơ sở sản xuất phân bón giả tại nhà người quen ở làng Ia Tong, xã Ia Der (Ia Grai, Gia Lai). Hữu mua cá ươn, thối ở các chợ về ủ cho ra nước rồi pha trộn với đạm, lân, ka-li và nước lã đóng thành chai, thùng nhựa các loại và gắn nhãn mác phân bón “Rong biển - Đạm cá" đem đi tiêu thụ.
Để đánh lừa người tiêu dùng, Dũng cho in trên bao bì là sản phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư Rong Biển Xanh (địa chỉ tại 117-119-Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Mặc dù cùng một loại sản xuất như nhau, nhưng Hữu dán đủ loại nhãn mác để phân ra phân bón dành cho cây cà phê, chanh dây, hồ tiêu... Để tiêu thụ sản phẩm nhanh, Hữu tung lực lượng đi giới thiệu sản phẩm phân bón của mình có khả năng “siêu phục hồi, siêu ra hoa, tăng tỷ lệ đậu trái...". Hàng ngàn lít phân bón giả của Hữu đã bán chạy khá nhanh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Qua tin báo của quần chúng, Công an TP Pleiku đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện hàng trăm lít phân bón có nhãn hiệu "Phân bón cao cấp, Rong biển - Đạm cá" của Hữu đang vận chuyển đi tiêu thụ.
Mở rộng điều tra, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Pleiku phối hợp với Công an huyện Ia Grai, Gia Lai kiểm tra tại cơ sở sản xuất phân giả của Hữu ở địa bàn xã Ia Der, Ia Grai, thu giữ nhiều phương tiện, tang vật liên quan đến quá trình sản xuất phân bón giả để điều tra xử lý theo pháp luật.
Cuối tháng 4-2016, Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra phát hiện tại 2 cơ sở chế biến phân bón trái phép tại địa bàn thôn 3, xã Cư Êbua, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) của ông Nguyễn Ngọc Hoàng và ông Nguyễn Thành Cao phát hiện nhiều sai phạm. Cả 2 cơ sở sản xuất phân bón đều không có biển hiệu.
Nước thải từ các cơ sở không được xử lý gây hôi thối. Cơ sở không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất, không có chứng nhận hợp quy sản phẩm.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện hơn 120 tấn phân bón không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất phân bón ở xã Ia Der, tỉnh Gia Lai. Cơ sở này do ông Đỗ Văn Tiển làm chủ. Ngoài 120 tấn phân bón vi sinh, cơ quan Công an còn phát hiện một lượng lớn hóa chất không rõ thành phần hóa học cũng như nguồn gốc xuất xứ để sản xuất phân bón vi sinh.
Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cũng phối hợp cùng Phòng PC46, Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra tại cơ sở sản xuất phân bón ở 687 Trường Chinh, TP Pleiku, thuộc Công ty TNHH Sinh Thái miền Trung Việt Nam đóng ở 79-Tôn Thất Tùng, TP Pleiku do ông Phạm Việt Hùng làm giám đốc, phát hiện một lượng phân bón vô cơ, hữu cơ, chế phẩm sinh học được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường với trị giá số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hùng không cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón tại địa chỉ này...Hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai điều tra làm rõ.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng có chiều hướng gia tăng do lợi nhuận cao. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý hình sự các cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình giám định chất lượng, xác định hậu quả thiệt hại rất khó khăn...