Hơn 30 nạn nhân ở huyện nghèo sập bẫy lừa đảo lao động sang Mỹ
Tính đến thời điểm này (ngày 16/5) đã có 30 nạn nhân đến Công an huyện Thanh Sơn trình báo, phần nhiều trong số họ hiện lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” một số có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đường vì trót thế chấp nhà cửa để vay tiền của bạn bè hoặc ngân hàng…
Nạn nhân của vụ án này không chỉ những người dân quê nhẹ dạ, thiếu hiểu biết mà còn có cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học có danh tiếng trên địa bàn Hà Nội.
Vậy kẻ phạm tội đã dùng thủ đoạn nào để qua mắt các nạn nhân?
Miếng bánh vẽ lao động tại Mỹ
Lúc gặp tôi, chị Nguyễn Thị Phượng (45 tuổi, trú tại Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) và cô con gái Trần Thị Thanh đã khăn gói chỉnh tề, chờ bắt chuyến xe cuối cùng từ Thanh Sơn về Hà Nội tham dự một buổi phóng vấn xin việc vào ngày mai.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên đôi gò má ửng đỏ, chị nói với tôi nhưng cũng như tự an ủi chính mình: May mà còn phát hiện ra sớm, nếu không chẳng biết Tình đưa con gái tôi đi đâu?. Còn người là còn của, tôi đã đưa cho đối tượng này gần 140 triệu đồng rồi… Nhưng nếu cơ quan Công an thu hồi được thì cũng trả trước cho những người còn khó khăn hơn tôi”.
Theo lời kể của chị Phượng thì sau khi chồng mất, chị ở vậy nuôi hai con, cô con gái lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và có một công việc ổn định còn Thanh thì chuẩn bị ra trường, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội.
Trước thời điểm xảy ra vụ án khoảng 2 tháng, chị Phượng tình cờ được vợ chồng Vũ Ngọc Ánh và Nguyễn Quý Hiển cho biết có một đường dây đưa người đi lao động tại Mỹ.
Theo lời giới thiệu của vợ chồng Ánh thì người này tên là Quang, có một công ty xuất khẩu cá tra và cá ba sa miền Đông Nam Bộ, có chi nhánh đặt tại Mỹ. Quang cần tìm một người có trình độ đại học làm trợ lý bán hàng cho công ty ở Mỹ.
Đúng vào thời điểm này, con gái chị Phượng đang có nhu cầu tìm việc nên chị đã xin số điện thoại của Quang và chủ động liên lạc với đối tượng này. Các thông tin người này đưa ra rất hấp dẫn: Thanh sẽ sang làm việc tại một công ty ở Mỹ với mức lương 8.000 USD, tương đương với khoảng 160 triệu đồng/tháng, chi phí đi lại hết 8.000 USD, phía công ty sẽ hỗ trợ 5.000 USD, người lao động sẽ được trả số tiền này hằng tháng. Không những vậy, người lao động còn được ứng trước 20.000 USD…
Trước viễn cảnh mà Quang đưa ra, chị Phượng đã 3 lần chuyển tiền cho đối tượng này, lần thứ nhất vào ngày 18/3 là 20 triệu đồng; lần 2 vào ngày 21/3 hơn 84 triệu đồng… tổng số tiền là 135 triệu đồng.
Ngày 21/4, theo lời hẹn của người đàn ông tên Quang, chị Phượng cùng con gái bay vào Nha Trang. Toàn bộ tiền vé máy bay và các thủ tục khác đều do Quang đứng ra làm. Cùng đi với chị còn có vợ chồng Ánh và Hiển.
Đón mẹ con chị Phượng cùng vợ chồng Ánh, Hiển là một thanh niên nhỏ bé, tự giới thiệu tên là Phương, người quen của Quang. Với lý do đi làm sớm, đối tượng này yêu cầu vợ chồng Hiển, Ánh và chị Phượng nộp thêm 10 triệu đồng. Vì muốn được đi làm ngay, chị Phượng và vợ chồng Hiển, Ánh liền bấm bụng làm theo.
Các nạn nhân trong vụ án. |
Ngày đầu tiên ở Nha Trang, đối tượng đưa mẹ con chị Phượng cùng vợ chồng Hiển, Ánh đi tham quan, sau đó đi ăn uống… đối xử rất tốt. Đến ngày thứ 2 thì chị Phượng đã linh cảm thấy có điều không bình thường, từ sáng đến 14h chiều, chị không liên lạc được với đối tượng tên Phương.
Sau đó, có một đối tượng lên phòng khách sạn nói với chị rằng có người muốn mời chị đi uống cà phê. Chị Phượng đi theo người này thì thấy Phương đang chờ ở đó, lúc đó là ngày 22/4.
Trong buổi nói chuyện này, chị Phượng yêu cầu Phương cho kết nối điện thoại với Quang nhưng đối tượng này từ chối với lý do vào thời điểm này ở bên Mỹ đang là buổi đêm...
Trong những ngày ở đây, mẹ con chị Phượng và vợ chồng Hiển, Ánh gần như bị giam lỏng, họ không được tự ý ra ngoài khách sạn, đi đâu cũng có người đi theo. Đêm 22 rạng sáng ngày 23/4, Ánh bất ngờ bị băng huyết… Trong tình cảnh ấy, chị Phượng buộc phải nói với đối tượng Phương rằng nếu không cho Ánh về quê chăm sóc thì tính mạng Ánh sẽ nguy hiểm. Lúc này, họ mới có cơ hội để trở về địa phương.
Quen qua mạng và chiêu bài lừa đưa đi lao động xuất khẩu
Trong vụ án này, Nguyễn Quý Hiển và Vũ Thị Ngọc Ánh vừa là nạn nhân đồng thời cũng là người dẫn dắt các bị hại khác vào vòng xoáy của vụ lừa đảo đi lao động tại Mỹ. Chỉ tính riêng trong gia đình Ánh đã có 4 người cũng trở thành nạn nhân… với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần nửa tỷ đồng.
Quá trình điều tra, xác minh đến ngày 16/5, Công an huyện Thanh Sơn đã làm rõ toàn bộ vụ án cũng như thủ đoạn của kẻ phạm tội. Đầu mối của sự việc này bắt đầu từ Hiển, một thanh niên hiền lành, ít va chạm xã hội.
Hiển quen Nguyễn Chí Tình (20 tuổi, trú tại Cam Ranh, Khánh Hòa), trong một lần lên mạng Internet. Khi đó, Tình giới thiệu tên là Phương, có bố và mẹ là Giám đốc cho các công ty của Nhật và Mỹ. Đối tượng này hứa hẹn sẽ giúp cho vợ Hiển sang Nhật đi làm với chi phí là 3 triệu đồng.
Sau một thời gian, đối tượng này gợi ý vợ chồng Hiển, Ánh nộp thêm 7 triệu đồng để làm hồ sơ sang Mỹ. Khi Hiển hoàn tất hồ sơ và chuyển tiền thì đối tượng này mời Hiển vào Di Linh, Lâm Đồng chơi…
Khi viết vụ án này, một câu hỏi chúng tôi đặt ra là vì sao vợ chồng Hiển, Ánh và những người bị hại khác lại dễ dàng rơi vào cái bẫy của Tình?.
Đối tượng Tình tại cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Sơn. |
Thứ nhất, với giá tiền 7 triệu đồng, liệu có đủ tiền để bay sang Mỹ. Hơn nữa, họ chỉ quen biết Tình qua mạng Internet, mọi thông tin đều do Tình tự giới thiệu nhưng vẫn tự động chuyển hàng tỷ đồng vào tài khoản cho đối tượng này.
Về trường hợp của Hiển, không chỉ bị lừa bằng thủ đoạn đưa đi xuất khẩu lao động, nạn nhân này còn bị Tình chiếm đoạt 40 triệu đồng bằng việc lừa bán đất. Mà thật kỳ lạ, việc mua đất chỉ bằng miệng, không có một chứng từ nào để chứng minh.
Lần đó, theo lời mời của Tình, Hiển vào TP Hồ Chí Minh gặp Tình (lúc đó lấy tên là Quang) làm thủ tục đi Mỹ. Khi đó, Tình đưa Hiển đến một mảnh đất tại Lâm Đồng và nói rằng đây là đất của Tình, và gợi ý bán lại cho Hiển mảnh đất trên. Đối tượng này yêu cầu Hiển nộp trước 40 triệu đồng qua tài khoản, trong đó 10 triệu đồng để mua đất, số còn lại để sang tên đổi chủ...
Chỉ một thông tin như vậy, Hiển và Ánh cũng chuyển tiền vào tài khoản cho Tình. Trên thực tế thì toàn bộ màn kịch lừa đảo này đều do Tình thực hiện. Đối tượng này chỉ là một kẻ lông bông, trình độ học vấn chưa hết cấp 2. Vào thời điểm bị bắt giữ, Tình đang làm nhân viên trông xe tại TP Hồ Chí Minh.
Khi được xem bảng kê của ngân hàng, chúng tôi được biết ngay khi nhận tiền của những người bị hại chuyển từ Thanh Sơn vào, đối tượng này lập tức rút tiền ngay và tất cả đều nướng vào các tệ nạn xã hội. Đến thời điểm này, Tình đã chi tiêu hơn một tỷ đồng, không có khả năng hoàn trả. Để lừa người bị hại, Tình dùng tên giả là Quang, Phương …
Ngày 7/5, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đang được cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Sơn đấu tranh, mở rộng