Để các “hiệp sĩ” yên tâm săn bắt cướp
Sau loạt bài "Chuyện về những chàng hiệp sĩ SBC", Báo CAND nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc trên cả nước, chia sẻ những nội dung mà báo đã đề cập. Đặc biệt là việc cổ vũ, động viên của bạn đọc đối với các "hiệp sĩ" SBC ở Bình Dương và TP HCM. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Báo CAND kiến nghị các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cần có những chính sách phù hợp, giúp cho lực lượng SBC phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả; phổ biến mô hình trên trong phạm vi toàn quốc. Để bạn đọc có thêm thông tin mới nhất về vấn đề này, vừa qua PV Báo CAND đã trực tiếp gặp gỡ một số lãnh đạo của tỉnh Bình Dương và Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cũng như chỉ huy CLB PCTP ở Bình Dương.
CLB PCTP phường Tân Đông Hiệp được thành lập vào ngày 3/6/2011 do Đại úy Phạm Mạnh Cường, Trưởng Công an phường, người rất tâm huyết và dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho các "hiệp sĩ" SBC, trực tiếp chỉ đạo. "Tiếng là mới thành lập nhưng các thành viên CLB đã hoạt động trước đó nhiều năm, nhưng mang tính chất tự phát. Sau này phong trào săn bắt tội phạm phát triển mạnh, để anh em được danh chính ngôn thuận trong việc SBC, cấp trên mới ban hành quy chế thành lập CLB PCTP. Gia nhập CLB, anh em được cấp giấy phép hoạt động là giấy chứng nhận "hiệp sĩ" để trong quá trình truy bắt tội phạm có cái mà chứng minh mình là người ngay chứ không phải kẻ gian… Bình Dương có nhiều CLB SBC nhưng đến nay chỉ có 7 CLB được cấp giấy phép".
Anh Nguyễn Thanh Hải (ngồi đầu bên trái) cùng đồng đội đang nêu những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn với PV Báo CAND. |
Nói về những đắng cay trong nghiệp bắt cướp, "hiệp sĩ" Trần Lê Đăng Khoa (CLB PCTP phường Tân Đông Hiệp) tuôn một tràng dài rằng mặc dù được lãnh đạo chính quyền, Công an phường quan tâm hỗ trợ, khích lệ nhưng đến nay, anh em ở các CLB đấu tranh với tội phạm có hung khí, có lệnh truy nã… chỉ bằng quyết tâm và sự quả cảm. "Theo quy chế hoạt động, tụi mình không có lương hay sinh hoạt phí. Anh em cũng không được chu cấp, trang bị xe, công cụ hỗ trợ, còng số 8 hay bất cứ phương tiện gì. Nói chung là nếu hoạt động theo quy chế thì tụi mình chỉ bắt cướp bằng tay không. Vừa rồi tụi mình vây bắt bọn trộm chó, dù đánh úp nhưng cũng bị chúng bất ngờ dùng súng bắn điện chống trả. May mà anh em né kịp".
"Hiệp sĩ" Phan Văn Rớt (CLB PCTP phường An Phú, thị xã Thuận An) thì có sự ưu tư khác. Anh cho biết đội có gần 20 người nhưng số anh em toàn tâm toàn ý săn bắt cướp chỉ có 8 người. "Chung quy cũng bởi cái khổ quá mà ra" - anh ưu tư: "Đã lao vào nghiệp bắt cướp, nhiều anh em không những không mang được tiền về cho gia đình mà còn xuất "gia khố" để ăn uống, đổ xăng, sửa xe, thay nhớt, trị thương… thì vợ con nào chấp nhận được. Biết tình cảnh của anh em, lãnh đạo Công an phường trích từ quỹ ATGT, mỗi tháng hỗ trợ cho anh em 200.000 đồng. Nói thiệt nhiêu đó chẳng thấm vào đâu nhưng cũng ấm lòng bởi có phường chẳng được hỗ trợ gì. Bình quân nếu một đêm tụi mình chạy tuần tra cũng đi đứt 50.000 đồng tiền xăng, đó là chưa kể tiền ăn bánh mì hay uống ly cà phê…".
Chúng tôi hỏi các "hiệp sĩ": "Các anh chuyên săn bắt cướp, hẳn là võ công cái thế?" và thoáng chút nao lòng khi nghe người trong cuộc thổ lộ, ngoại trừ một vài anh em là bộ đội xuất ngũ hoặc từng đi Công an viên biết vài thế võ, phần lớn "hiệp sĩ" SBC đấu tranh với bọn tội phạm bằng kỹ thuật đeo bám và đánh úp (bất ngờ), đánh bằng lá gan và sự đấu tranh không khoan nhượng. Hỏi chuyện đồng phục, thẻ bảo hiểm y tế thì nhiều anh em lại lắc đầu…
Hôm ấy, chúng tôi nghe các "hiệp sĩ" hỏi chẳng may tử nạn như chuyện "hiệp sĩ" Nguyễn Xuân Chinh (phường Bình Hòa, truy đuổi cướp bị chúng ép té vào gầm xe tải) liệu có được phong là liệt sĩ, mà chẳng biết phải trả lời sao bởi quy chế hoạt động chưa nói rõ điều đó. Đường về, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt trĩu buồn của "hiệp sĩ" Nguyễn Tăng Tiên và các đồng đội ở CLB PCTP phường An Bình khi đến nay anh vẫn chưa có mảnh giấy chứng nhận là "hiệp sĩ" lận lưng.
Đặc biệt là tâm sự của anh Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng CLB PCTP phường Phú Hòa. Đây là đơn vị đầu tiên triển khai CLB PCTP của tỉnh Bình Dương (từ năm 1997), đã tham gia vây bắt hơn 500 vụ trộm cướp với hàng trăm đối tượng giải giao cho Công an xử lý nhưng đến nay các anh vẫn chưa được cấp "thẻ hiệp sĩ".
Thanh Hải giọng đượm buồn: "Chúng em đã được dân tin, chính quyền yêu mến, các anh Công an hỗ trợ nhưng… Em thì mọi người đã biết, chỉ thương cho lính của em, nhiều đứa đuổi bắt cướp, khi bắt được chúng rồi, chúng to mồm tố ngược mình là kẻ cướp. Có bận tụi em theo 2 thằng cướp giật đến tận thị xã Dĩ An, lúc vây bắt chúng, chúng tố ngược tụi em là cướp, do không có mảnh giấy lận lưng nên anh em bị bà con chọi đá, xông đánh tập thể phải ôm đầu máu nhìn bọn xấu thản nhiên rút êm cùng tang vật…".
Còn rất nhiều những tâm tình, yêu cầu chính đáng của các "hiệp sĩ" SBC mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Chúng tôi không dám hứa hẹn với các anh điều gì. Nhưng tin chắc rằng những bất cập về chính sách, chế độ theo các anh ở các CLB PCTP phản ánh sẽ sớm được lãnh đạo tỉnh Bình Dương và chính quyền cơ sở tháo gỡ, giải quyết, để cho mô hình PCTP như ở Bình Dương ngày càng được phát huy, nhân rộng trên phạm vi cả nước
Từ CLB PCTP phường Phú Hòa, hiện nay Bình Dương có đến 42 CLB PCTP. Đúng như phản ánh của Báo CAND, những "hiệp sĩ" đường phố ở Bình Dương hiện là những con em của hầu hết bà con lao động nghèo, họ khó khăn đủ bề. Tỉnh đã thấy được những mặt tích cực của họ trong hoạt động trừ gian bắt cướp, hỗ trợ đắc lực cùng lực lượng Công an bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, lập nhiều chiến công được cả nước biết đến, điển hình là vụ liên tiếp 2 ngày CLB PCTP phường Phú Hòa bắt 2 vụ rải đinh... Việc làm, chiến công của các anh em được không chỉ dư luận, lực lượng Công an mà Tòa án, Viện kiểm sát cũng rất mến mộ, ủng hộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh và các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cấp thiết (kể cả chính sách, chế độ) để lực lượng PCTP này hoạt động ngày càng hiệu quả...
Tôi rất hoan nghênh loạt bài "Chuyện về những chàng hiệp sĩ SBC" đăng trên Báo CAND. Dù đây là lực lượng quần chúng tự phát song sau nhiều năm hoạt động, nhiều CLB PCTP hoạt động rất có hiệu quả. Điển hình như CLB PCTP phường Phú Hòa, phường Tân Đông Hiệp… Cái khó hiện nay là chưa có quy chế rõ ràng, phần đông tự phát nên chế độ, trợ cấp còn khó khăn. Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an cơ sở phải ủng hộ, hỗ trợ anh em hết mình để anh em yên tâm tích cực vây bắt tội phạm. Riêng về công cụ hỗ trợ, đây là những vấn đề liên quan đến luật pháp nên phải có đề xuất với cấp trên và phải nghiên cứu kỹ. Về phần mình, tôi cũng như BGĐ Công an tỉnh thường xuyên theo dõi và kịp thời khen thưởng ngay những gương dũng cảm truy bắt tội phạm. |
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Dương, từ khi thành lập đến nay (ngày 16/8/2006, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 203/2006/QĐ-UB ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CLB PCTP), các CLB PCTP toàn tỉnh phát hiện, báo tin và trực tiếp bắt giữ trên 800 vụ, bắt quả tang gần 1.000 đối tượng trộm, cướp, cướp giật, tống tiền và cung cấp nhiều tin giá trị giúp Công an bắt trên 100 đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma tuý. |