Cô giáo lừa đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 19/06/2013, 10:57
Để có tiền chi tiêu, phục vụ nhu cầu cá nhân , từ năm 2009 - 2012, Nguyễn Thị Hà vốn là giáo viên tiểu học đã câu kết với với Phạm Thị Tân lừa đảo xin việc, xin đi học, xin chuyển công tác cho 48 bị hại, chiếm đoạt gần 1,9 tỷ đồng. Đặc biệt nhiều gia đình bị hại là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Hà Giang và các tỉnh lân cận.

Ngày 18/6, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã hoàn tất hồ sơ vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lớn của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị truy tố 2 bị can là Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, trú tại tổ 3 phường Quang Trung, TP Hà Giang), Phạm Thị Tân (42 tuổi, làm nghề tự do, trú tại tổ 21, phường Minh Khai, TP Hà Giang) phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận điều tra: Bị can Nguyễn Thị Hà là giáo viên tiểu học, không giữ phẩm chất đạo đức, lối sống cũng như trong công tác, sa đọa biến chất, đua đòi ăn chơi.

Để có tiền chi tiêu, phục vụ nhu cầu cá nhân, nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm công ăn việc làm của một số gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Hà Giang và các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái…, Hà đã bàn bạc với Phạm Thị Tân không ngừng “phô trương thanh thế” như quan hệ rộng, quen biết nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh và các huyện, thành phố; xin được việc làm ở các cơ quan Nhà nước của tỉnh Hà Giang.

Để tạo lòng tin, che đậy hành vi gian dối, Hà và Tân dùng thủ đoạn hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt bằng cách viết giấy vay tiền kèm theo hứa hẹn với các bị hại trong thời gian ngắn sẽ lo được việc, nếu không lo được sẽ hoàn trả lại 100% số tiền đã nhận. Từ năm 2009 - 2012, hai bị can Hà và Tân đã lừa đảo xin việc, xin đi học, xin chuyển công tác cho 48 bị hại, chiếm đoạt gần 1,9 tỷ đồng.

Trong các vụ lừa đảo này, nhiều gia đình bị hại là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận, nhà nghèo, điều kiện sống đặc biệt khó khăn, để cho con, em có công ăn việc làm tại các cơ quan Nhà nước hoặc được đi học, họ đã bán cả trâu, bò, thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng, người thân để đưa cho 2 bị can Hà và Tân. Sau khi nhận tiền của các bị hại, 2 bị can khất lần và tiêu xài cá nhân hết.

Được biết, bị can Tân là đối tượng đã có 2 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy được hưởng án treo nhưng chưa hết thời gian thử thách, Tân lại tiếp tục tái phạm nguy hiểm

Hòa - Xuân
.
.
.