Chống nạn “cướp vợ” phi truyền thống

Thứ Hai, 11/05/2009, 15:06
Người Thái ở miền Tây Nghệ An có tục "bắt vợ" hay "trộm vợ", duy trì lâu đời: Khi người con trai, con gái yêu nhau, họ hẹn đêm trăng sáng, chàng trai đến nhà cô gái, lựa lúc gia đình đi ngủ bèn bỏ lại đồ lễ và đưa cô gái về nhà mình. Nhưng ngày nay, không ít người rình bắt cô gái bất chấp cô không dành tình cảm, thậm chí còn rình bắt ở đường, ở chợ, trường học, nhiều vụ chính quyền, Công an phải can thiệp.
>> Bắt vợ bán ra nước ngoài

Từ tập tục truyền thống

Đây là câu chuyện của một học viên Trường Sỹ quan lục quân I (Sơn Tây, Hà Nội): "Từ lâu, quê em (Quỳ Hợp, Nghệ An) vẫn tồn tại tục "trộm vợ", nói cách khác là "bắt vợ". Từ trước đến nay, em nhìn nhận phong tục này như một nét văn hóa đáng yêu của quê hương mình. Thật không may, bây giờ em lại trở thành nạn nhân của tục lệ đó"...

Vốn là chàng yêu một cô gái Thái cùng làng, anh dự định sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân sẽ tổ chức đám cưới. Thế nhưng, khi anh đang miệt mài với khóa huấn luyện cuối kỳ thì nhận được tin người yêu đi lấy chồng. Bất ngờ vì người yêu "thay ngựa giữa đường", anh hỏi mới té ngửa, người vợ chưa cưới của mình bị một thanh niên gần làng bắt về làm vợ, mọi việc gần như đã an bài. Trước lúc sang làm vợ người khác, cô gái nói rằng dù rất yêu anh nhưng không thể cưỡng lại tục "bắt vợ" ở quê mình.

Tục "bắt vợ", có nơi gọi "trộm vợ" từng được đề cập trong cộng đồng người Thái. Xét về nguyên nghĩa, "trộm vợ" là một trong những hình thức hôn nhân truyền thống của người Thái. Không chỉ riêng người Thái mà ở một số cộng đồng người dân tộc thiểu số khác cũng có tập tục này, tuy cách thể hiện mỗi nơi mỗi khác.

Đối với tục "trộm vợ" của người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An, hành vi được gọi là "trộm" vì nó diễn ra giữa chàng trai và cô gái, những người khác không được biết (thường diễn ra vào đêm khuya, khi gia đình cô gái đã đi ngủ). Gọi là "trộm" nhưng thực chất chỉ thực hiện khi cô gái và chàng trai đã có thời gian tìm hiểu nhau, đồng tình yêu nhau và hẹn ngày cưới, cả hai cùng bàn bạc và hẹn thời điểm đến "bắt", có thể đó là đêm trăng sáng, cũng có thể lúc rạng sáng. Đa phần "trộm vợ" sau đó được công bố cho tất cả gia đình, họ tộc biết để hai bên tổ chức lễ cưới, nhưng cũng có nhiều trường hợp không nhận được sự đồng thuận thì hai người vẫn lấy nhau.

Tìm hiểu về văn hóa "trộm vợ" của người Thái, chúng tôi nhận thấy, xét về khía cạnh văn hóa thì tục lệ này thể hiện sự tôn trọng quyền tự do yêu đương, tự nguyện kết hôn giữa nam và nữ, điều này hoàn toàn phù hợp quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (đảm bảo quyền tự nguyện kết hôn). Xưa, khi gặp những phản kháng từ gia đình, dòng họ, nhiều chàng trai, cô gái cũng vượt qua bằng tục lệ này bởi sau khi cô gái đã bị "trộm" về nhà trai, dân bản coi như họ đã là vợ chồng. Bởi thế, tục "trộm vợ" đã được cộng đồng chấp nhận, và luật tục của cộng đồng được đặt cao hơn quyền lực trong gia đình, họ tộc...

Đến những hành vi lợi dụng

Nét văn hoá là vậy, nhưng ngày nay không ít nam thanh niên biến tướng tập tục này bằng hành vi vi phạm pháp luật. Một số vì thích cô gái trong bản nhưng không thể chiếm được tình cảm của cô gái đó, tìm cách tụ tập một nhóm thanh niên, mai phục, rình bắt ngay trên đường. Hôm lên Quỳ Hợp, những câu chuyện bắt vợ, vi phạm pháp luật vẫn còn "nóng" tại nhiều bản. Công an Quỳ Hợp cũng đã thụ lý nhiều vụ bắt vợ, vi phạm pháp luật nhưng hầu như cách giải quyết tốt nhất cho các vụ này là răn đe, nhắc nhở người vi phạm (chàng trai), buộc nộp phạt hành chính.

Cũng có trường hợp, phía gia đình nhà gái sau đó chấp thuận cho con mình làm vợ dù bị bắt ép vì theo họ, làm to chuyện sẽ mang tiếng cả đời. Gặp lại Lô Thị Thủy, trú tại xã Châu Hồng, Quỳ Hợp, cô vẫn chưa nguôi ngoai việc mình bị toán trai làng cướp ngay trước cổng trường THPT nội trú cách đây 2 năm. Khi đó, Thủy là học sinh lớp 11C, Trường THPT nội trú Quỳ Hợp, khi nghe tiếng gọi đi chơi tối, em ra ngoài thì bị toán thanh niên bịt mặt xông vào trói. Nghe tiếng kêu cứu, các giáo viên trong trường đuổi theo, sau được sự hỗ trợ của Công an Quỳ Hợp giải cứu an toàn. Đối tượng bắt Thủy là Sầm Văn Đức.

Cán bộ Công an tuyên truyền nhân dân chống các hành vi lợi dụng tập tục, vi phạm pháp luật.

Thầy Nguyễn Minh Đạt cho hay, cũng tại Trường THPT nội trú này, năm 2007, 2008 có gần 10 trường hợp bị cướp bất ngờ giữa đêm, có em chỉ mới 15 tuổi. Rất may sau đó các em đều được nhà trường phối hợp với chính quyền giải cứu. Có trường hợp bị bắt đi vài ngày, Công an Quỳ Hợp phải vận động gia đình nhà trai mới đưa được cô gái từ rừng trở về.

Có trường hợp sau khi bị cướp, do lo sợ điều tiếng dư luận, cuối cùng cô gái đành chấp thuận làm vợ người đã cướp mình. Đó là em Lô Thị Hồng, khi bị Lã Văn Bay, thanh niên xã Châu Tiến đến trường cướp, em còn là học sinh lớp 11. Bay là đảng viên, Phó Bí thư Đoàn xã Châu Tiến, do hành vi này nên bị miễn nhiệm chức danh đoàn, kỷ luật Đảng. Tương tự, em Lô Thị Mến, trú tại xã Châu Tiến cũng miễn cưỡng làm vợ từ 4 năm nay.

Theo phong tục của đồng bào Thái, các cô gái nếu bị "cướp" về tới nhà người con trai rồi thì dù muốn hay không, dân bản coi họ đã có chồng. Nghĩa là cơ hội lựa chọn cho cô gái không còn nữa. Gặp Lô Thị Hương ở bản Tèo, xã Châu Cường, giờ đã có 3 con và đang chuẩn bị có thêm bé nữa. Các con ôm chầm lấy mẹ, trẻ nào tay chân, mặt mũi cũng dơ dớp bùn đất. Hương bảo, bị cướp năm 13 tuổi, khi đó vô cùng hoảng sợ. Nay đã 10 năm rồi, chị sống vậy với các con vì chồng nghiện ma tuý nặng, nay không rõ đang ở đâu. "Đời đàn bà như lá rau má, họ nỡ giẫm đạp, ngắt đi rồi, biết mô mà lần" - nước mắt chị giàn giụa, tôi nhận ra vệt đất loang lổ trên gò má teo gầy.

Nỗ lực xóa bỏ hành vi lợi dụng

Ông Lô Văn Lợi, Bí thư Chi bộ bản Tèo, xã Châu Cường, Quỳ Hợp dựng chiếc cày ngay sân, hổn hển nói: "Giừ nầy (giờ này) cán bộ xuống tìm hiểu cũng đỡ rồi. Dăm ba năm trước, con gái bị bắt, cướp nhiều vô kể, bầy tui (chúng tôi) phải đến tận nhà giải thích, thuyết phục cùng cưỡng chế, phạt hành chính, họ mới chịu"... 

Tính đến tháng 4/2009, toàn huyện Quỳ Hợp đã có gần 150 làng bản, khối phố văn hóa, gần 2 vạn hộ gia đình văn hóa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt việc xóa bỏ việc lợi dụng tập tục, vi phạm pháp luật như nạn "cướp vợ", các xã ở Quỳ Hợp đã giảm hẳn tệ này. Những điển hình tiêu biểu trong phong trào có thể kể đến như xóm Phượng (Nghĩa Xuân), xóm Hoa Thành (Châu Quang), bản Pạn (Châu Lý), bản Vy (Bắc Sơn)… Trước đây, những bản này nổi tiếng nạn thanh niên cướp vợ thì nay đã là những xóm, bản văn hóa.

Hằng tháng, đoàn liên ngành gồm đại diện UBND, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công an huyện, MTTQ… đến gặp gỡ từng gia đình, khuyên răn con em không vi phạm. Trong số đó, những gia đình có con trai thành niên được chú ý đặc biệt, ngăn ngừa không để số này vì các lý do khác nhau biến tục “trộm vợ” thành “cướp vợ”

Đăng Trường
.
.
.