Cặp tình nhân dọa bơm thuốc sâu vào thực phẩm để tống tiền doanh nghiệp

Thứ Năm, 30/07/2015, 08:36
Ngày 29/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã kết thúc điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản của Công ty sữa V. Đối tượng trong vụ án là một cặp tình nhân, vì muốn bỏ gia đình, tự do sống với nhau nên đã nghĩ ra cách kiếm tiền bất chính. Chúng không ngờ, dù thủ đoạn cao nhưng cuối cùng vẫn sa lưới pháp luật.

Từ lá thư tống tiền của “tổ chức ngầm”

Hai đối tượng trong vụ án là Lê Huy Mạnh, 27 tuổi, trú ở Thạch Hưng, Thạch Thành và Trương Thị Cảnh; ảnh bên, 20 tuổi, ở Thành Minh, Thạch Thành (Thanh Hóa). Mạnh đã có vợ, con nhưng trong những lần đi uống nước ở quán café đã phải lòng cô nhân viên phục vụ là Trương Thị Cảnh. 

Dù biết Mạnh có gia đình nhưng sự khéo léo của Mạnh đã thu hút Cảnh khiến cô gái này mê mẩn. Chính vì vậy, từ cuối năm 2014, Mạnh và Cảnh thường xuyên đến nhà nghỉ Trường Oanh ở thôn Phú Thành, xã Thành Hưng, Thạch Thanh thuê phòng để ở với nhau. 

Do cả 2 đều không có nghề nghiệp nên không có tiền để trả tiền phòng. Đến tháng 3/2015, cả hai đã nợ chị Nguyễn Thị Oanh, chủ nhà nghỉ Trường Oanh 13 triệu đồng. Chị Oanh yêu cầu phải trả tiền và không cho ở nữa. Không còn cách nào khác, Mạnh đã về nhà lấy xe máy của vợ đem đến cắm cho chị Oanh.

Không có tiền trả nợ, không có phí để trang trải cho tình yêu, Lê Huy Mạnh đã nghĩ ra cách dùng hòm thư điện tử để gửi email đến một số công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam đe dọa làm nhiễm độc thực phẩm để cưỡng đoạt tài sản của các công ty trên. 

Nghĩ được cách trên, Mạnh nhắn tin cho Cảnh bàn bạc cùng thực hiện. Dù có phần sợ hãi và biết hành vi của Mạnh là vi phạm pháp luật nhưng Cảnh vẫn đồng ý và giúp Mạnh thực hiện. 

Mạnh lên kế hoạch chi tiết các bước thực hiện hành vi gửi email đe dọa, tống tiền vào một cuốn sổ tay để thực hiện cho bài bản. Cảnh gợi ý cho Mạnh lập hòm thư điện tử rio.lacloi@gmail... dùng để tống tiền. Hai đứa lên mạng internet tìm địa chỉ hòm thư điện tử của các công ty kinh doanh, sản xuất thực phẩm lớn. Sau nhiều lần tìm kiếm, Mạnh đã lọc ra 3 công ty có uy tín để thực hiện hành vi gửi email đe dọa, tống tiền.

Theo đó, Mạnh gửi mail vào Công ty sữa V, tự xưng là một “tổ chức ngầm”, rồi đe dọa: Hiện tại, chúng tôi đang cần gấp 300 triệu đồng, cần sự giúp đỡ của giám đốc và công ty…

Chúng tôi đang có 1 xe sản phẩm của công ty sản xuất và đã được chúng tôi tiêm hóa chất độc hại (đảm bảo người tiêu dùng chỉ cần nếm qua cũng đủ khiến giám đốc và công ty trở nên nổi tiếng). Chúng tôi sẽ phân phát cho các đại lí và cửa hàng khắp nơi trên các tỉnh, thành mỗi nơi một ít…”. Sau khi đe dọa, Mạnh yêu cầu trong vòng 48 giờ phải trả lời, nếu không “trò chơi sẽ bắt đầu”. 

Tiếp đó, Mạnh tiếp tục gửi 2 thư đe dọa đến giám đốc. Nhận được thư, Công ty  sữa V đã lo lắng, liên hệ với Mạnh, chuyển khoản cho đối tượng này 20 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn với số tiền trên, Mạnh liên tục gọi điện, đe dọa, yêu cầu phải gửi thêm tiền cho anh ta. Không còn cách nào khác, công ty trên đã báo cáo với cơ quan Công an.

Ngoài Công ty sữa V, Mạnh gửi mail đến Công ty thực phẩm V và Công ty thực phẩm Đ để đòi tiền. Hai công ty trên thấy việc đòi tiền của Mạnh là vô lí nên đã báo cáo với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50).

Đến sự trả giá bằng pháp luật

Quá trình xác minh, Cục C50 phát hiện đối tượng ở Thanh Hóa nên đã đề nghị Công an Thanh Hóa phối hợp điều tra. Xác định vụ án không chỉ đơn thuần là cưỡng đoạt tài sản mà đối tượng còn có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, kinh doanh của các công ty cũng như gây phức tạp về ANTT. Qua rà soát hàng trăm đối tượng, lực lượng chức năng đã xác định được kẻ gửi thư có mặt ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nên đi sâu xác minh tại địa bàn này.

Nhận định rằng, đối tượng vẫn đe dọa Công ty sữa V để đòi tiền tiếp, chắc chắn sẽ rút ngay khi tiền được chuyển vào tài khoản nên Phòng Cảnh sát kinh tế đã thành lập 4 tổ công tác do Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm chủ công cùng với cán bộ C50 phục tại các cây ATM tại các ngân hàng ở huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành và một số địa bàn lân cận. 

Sau nhiều ngày rà soát địa bàn, tổ công tác “ém” tại cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc phát hiện một đối tượng nghi vấn đang tiến hành giao dịch, qua trinh sát cho kết quả đúng tài khoản nhóm đối tượng “tổ chức ngầm” sử dụng để tống tiền, lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính, tạm giữ đối tượng đấu tranh khai thác nhanh.

Đối tượng bị tạm giữ là Lê Huy Mạnh. Lúc đầu, Mạnh quanh co, không nhận hành vi của mình, nhưng trước những chứng cứ xác thực do cơ quan Công an thu thập được, Mạnh đã nhận tội và khai đồng bọn là Trương Thị Cảnh. Lập tức, một tổ công tác đã tổ chức bắt giữ Cảnh. 

Tại cơ quan Công an, Mạnh và Cảnh khai nhận, sau khi bàn bạc, thống nhất, Mạnh lập mail để gửi thư tống tiền, còn Cảnh dùng CMND của mình mở tài khoản ngân hàng nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Khi Công ty sữa V chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản của Cảnh, hai đứa đã rút ra 19,9 triệu, đem trả cho chủ nhà nghỉ Trường Oanh 13,4 triệu, số còn lại tiếp tục thuê nhà nghỉ để ở cùng nhau. 

Hết tiền, Mạnh tiếp tục gửi thư thúc ép Công ty sữa V phải chuyển thêm tiền thì hắn mới tiêu hủy hết số sản phẩm đã tiêm hóa chất. Mạnh cứ nghĩ rằng, Công ty sữa V có trụ sở tận TP Hồ Chí Minh, chúng ở Thanh Hóa, lại dùng mạng internet để gửi thư, dùng tài khoản ngân hàng của người khác để rút tiền thì không ai có thể phát hiện được.

P. Thủy
.
.
.