Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

Thứ Ba, 06/12/2016, 14:32
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Tân An và các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, tỉnh Long An, xảy ra nhiều vụ đối tượng sử dụng điện thoại gọi đến các thuê bao cố định tại nhà riêng hoặc điện thoại đi động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số người dân mất cảnh giác đã chuyển tiền cho bọn chúng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Với thủ đoạn, đối tượng gọi đến thường có hai người (một nam, một nữ) hoặc một người nói giọng miền Bắc, tự xưng là cán bộ hoặc Trưởng một đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, thành phố. Số điện thoại đối tượng sử dụng thường là sim rác có đầu số  là "00" hoặc "+15"...

Đối tượng thường gọi vào số điện thoại cố định (điện thoại để bàn) vào thời điểm có ít người ở nhà (giờ làm việc). Đối tượng thông báo là đang điều tra vụ án liên quan đến nhân viên Ngân hàng chiếm dụng tiền của khách hàng đã gửi để buôn bán ma túy, rửa tiền...Sau đó, hỏi số CMND của nạn nhân, liên tục gọi, dùng nhiều lời lẽ đe dọa, gây hoang man cho nạn nhân như: bắt tạm giam, ảnh hưởng con cháu...

Cuối cùng, đối tượng yêu cầu và hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng ... ở các tỉnh phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội...). Đối tượng còn dọa nếu không thực hiện sẽ bị bắt và không được báo cho bất cứ ai kể cả Cơ quan Công an để không gây cản trở quá trình điều tra.

Sau khi chuyển tiền xong thì các số điện thoại trên thường không liên lạc được. Lúc này người dân mới biết đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trình báo cơ quan Công an. Số tiền lừa đảo được các đối tượng nhanh chóng rút bằng tiền mặt, chuyển khoản cho các tài khoản khác hoặc chia nhỏ số tiền đến nhiều tài khoản khác. 

Cơ quan chức năng làm việc với bà Trinh.

Cụ thể, vào lúc khoảng 9h, ngày 3-11-2016, có một người phụ nữ nói giọng miền Bắc điện thoại vào số máy điện thoại bàn tại nhà riêng của bà Huỳnh Kim Chi, 64 tuổi,  ngụ đường Cao Văn Lầu, phường 5, thành phố Tân An tự xưng là Công an Lào Cai vừa bắt được 4 đối tượng ăn cắp tài khoản Ngân hàng. Đồng thời, mở tài khoản Ngân hàng đứng tên Huỳnh Kim Chi với số tiền trong tài khoản là 3 tỷ đồng và hù doạ có liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý. Sau đó, đối tượng này cúp máy.

Đến khoảng 10h cùng ngày, có một người đàn ông nói giọng miền Bắc tiếp tục điện thoại vào số máy điện thoại bàn của bà Chi tự xưng là Thượng tá Công an. Người này yêu cầu bà Chi hợp tác điều tra, giữ bí mật không được tiết lộ cho bất kỳ người nào biết. Nếu không nghe lời bọn chúng, sẽ bị bắt giam sau 1h và con cháu bà sẽ gặp nguy hiểm.

Sau đó, người đàn ông này yêu cầu bà Chi cung cấp số điện thoại di động để liên lạc. Đến khoảng 10h20, người đàn ông này điện thoại vào số ĐTDĐ của bà Chi, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của 1 đối tượng ở tỉnh Lào Cai, sau khi điều tra, đến 15h30 cùng ngày sẽ trả lại.

Do tin lời người đàn ông này nên bà Chi đã đến Ngân hàng rút hết số tiền tiết kiệm 55.000.000đ và gửi vào tài khoản đối tượng ở tỉnh Lào Cai.

Đến khoảng 11h30, bà Chi điện thoại đến các số mà người đàn ông đã điện thoại cho bà thì không liên lạc được. Lúc này, bà Chi biết đã bị lừa đảo nên đến trình báo Cơ quan điều tra.

Tiếp đó, khoảng 9h, ngày 4-11-2016, có một người đàn ông tự xưng tên Vinh nói giọng miền Bắc điện thoại vào số máy điện thoại của bà Lê Ngọc H, 69 tuổi, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, thành phốTân An tự xưng là người của Bộ Công an đang điều tra chuyên án rửa tiền và ma túy. 

Qua đó, đã bắt 2 đối tượng khai ra tài khoản của bà Huệ tại Ngân hàng. Đồng thời, đối tượng Vinh yêu cầu bà H chuyển tiền vào tài khoản của Vinh, sau khi điều tra xong sẽ trả lại. Từ 10h đến 11h, đối tượng Vinh liên tục gọi điện thoại hăm doạ nên bà H đem số tiền 296.000.000đ ra Ngân hàng chuyển vào tài khoản của 1 đối tượng mở tại Ngân hàng ở Hà Nội.

Sau khi chuyển tiền, đối tượng Vinh tiếp tục điện thoại cho bà H nói rằng ngày 5-11-2016 là thứ 7 nên Ngân hàng không làm việc và hẹn bà H ngày khác trả lại tiền. Sau khi nghe thông tin trên, biết đã bị lừa nên bà H đến trình báo Cơ quan Công an.

Vào lúc khoảng 8h, ngày 18-11-2016, có một người đàn ông nói giọng miền Bắc điện thoại vào số máy điện thoại bàn của bà Văn Ngọc T, 62 tuổi, ngụ đường Trần Trung Tam, phường 3,  thành phốTân An tự xưng là Cảnh sát kinh tế đang điều tra vụ án ma tuý và rửa tiền nhưng có liên quan đến tài khoản mang tên bà T với số tiền trong tài khoản là 3 tỷ đồng và hù doạ có liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý. Đối tượng này yêu cầu bà T hợp tác nếu không sẽ có người đến bắt tạm giam và yêu cầu bà T rút tiền chuyển vào tài khoản của 1 đối tượng tên Lò Văn Tuyến.

Đến khoảng 9h cùng ngày, người đàn ông này tiếp tục điện thoại vào số máy điện thoại di động của bà T( do bà T cung cấp theo yêu cầu của người đàn ông này) yêu cầu hợp tác điều tra đồng thời yêu cầu bà T giữ bí mật không được tiết lộ cho bất kỳ người nào biết, yêu cầu bà T chuyển tiền vào tài khoản đã cung cấp, khi nào kiểm tra xong sẽ trả lại. Do tin lời người đàn ông này nên bà T đến Ngân hàng rút số tiền tiết kiệm 360.000.000 đ gửi vào tài khoản của Lò Văn Tuyến.

Do biết bà T còn 1 sổ tiết kiệm 100 triệu đồng nữa nên khoảng 13h30 cùng ngày, người đàn ông này tiếp tục điện thoại yêu cầu bà T rút tiếp 100.000.000 đ chuyển vào tài khoản mang tên Hoàng Văn Đường mở tại 1 Ngân hàng ở tỉnh Bắc Ninh. Sau khi chuyển tiền xong, bà T điện thoại thì không liên lạc được nên đến trình báo Công an.

Đây là thủ đoạn mới của bọn Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác. Khi gặp trường hợp như trên, cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu của chúng. Đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.

Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Đồng thời, không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng. Trong trường hợp đã chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

T. Phượng
.
.
.