Cảnh báo án mạng do mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn, bản
Là tỉnh miền núi, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu xa, KT-XH còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại... đã tác động tiêu cực đến ANTT trên địa bàn, trong đó nổi lên là những mâu thuẫn, tranh chấp ra trong nội bộ nhân dân. Các tranh chấp, mâu thuẫn thường kéo dài, chính quyền cơ sở chưa kịp thời vào cuộc nên đã xảy những vụ án mạng đau lòng.
Vụ án mạng xảy ra tại địa bàn xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ khi chồng của Thào Thị Giả, 43 tuổi, ở bản Hồng Thu Chồ 1, xã Hồng Thu (Sìn Hồ) mất, Giả đã có quan hệ tình ái với Má A Tông (38 tuổi) ở cùng bản, sự việc đã được Trưởng bản giải quyết và hai người cũng đã cam kết chấm dứt "quan hệ".
Công an Lai Châu thực nghiệm điều tra 1 vụ án mạng. |
Nhưng tối 29/3, tại nhà của Giả, vợ Tông là Liều Thị Dê (38 tuổi) đã bắt quả tang chồng đang tâm sự với Giả nên đã lồng lộn đạp cửa vào hỗn chiến làm cả hai cùng đổ máu. Một lần nữa các bên lại đưa nhau đến nhà Trưởng bản để giải quyết, nhưng do đêm khuya Trưởng bản hẹn sáng hôm sau. Tuy nhiên hôm sau Thào Thị Giả lại cùng con trai là Phàng A Vần bỏ sang nhà bố đẻ ở bản Nả Kế 3 (xã Hồng Thu), để mặc cho những người thân của Liều Thị Dê ráo riết tìm Giả và đòi Trưởng bản, Công an viên giải quyết nhanh chóng.
Bức xúc lên đến đỉnh điểm vào 16h ngày 2/4, khi Liều A Ư đi làm từ nương về đến đường mòn gần tỉnh lộ 129 (thuộc bản Nả Kế 3) đã phát hiện Thào Thị Giả liền gọi điện thoại di động báo cho Liều A Tính, Liều A Kỉa, Liều A Chu đến đưa Giả về giải quyết. Giả nhất quyết không về, các đối tượng đã dùng đoạn dây thừng mang theo quàng thít qua cổ Giả để kéo đi. Một lúc sau không thấy Thào Thị Giả động đậy, biết Giả đã chết, các đối tượng đã bê xác Giả ném xuống vực rồi đi về nhà.
Sau gần 1 tuần nỗ lực điều tra, ngày 6/4, Phòng PC45 (Công an tỉnh) đã phối hợp với Công an Sìn Hồ làm rõ vụ án, bắt 4 đối tượng gồm Liều A Kỉa (49 tuổi, là chú ruột của Dê) cùng 2 con trai Liều A Ư (29 tuổi), Liều A Chu (20 tuổi), Liều A Tính (36 tuổi, là em trai ruột của Dê) ở bản Nả Kế 2, xã Hồng Thu để xử lý.
Thực tiễn điều tra cho thấy, những vụ án mạng xảy ra ở Lai Châu thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình TTATXH địa bàn, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, lại có xu hướng tăng theo từng năm. Năm 2011, xảy ra 13 vụ án giết người, đã điều tra làm rõ 100% các vụ án đã xảy ra, bắt xử lý 30 đối tượng. Tuy nhiên chỉ 6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 14 vụ, tước đi 13 mạng người. Qua điều tra xử lý cho thấy có đến 50% vụ án có nguyên nhân từ những mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống thường ngày. Nghiêm trọng hơn là đối tượng đã sử dụng vũ khí nóng gây án khi giải quyết các tranh chấp, làm tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho nhiều người xung quanh.
Ngày 19/6 vừa qua, giữa ông Sùng A Chư (69 tuổi), ở bản Hợp III, xã Dào San (Phong Thổ), ông Giàng A Páo (48 tuổi, ở bản Hờ Mèo, xã Tung Qua Lìn, Phong Thổ) tranh chấp nguồn nước tại khu vực bản Sin Chải, xã Dào San. Trong lúc tranh chấp, 2 người đã giằng co, xô xát nhau, ông Páo đã đánh ông Chư nên người nhà ông Chư gồm: Cháu ngoại Giàng A Khư (19 tuổi) ở bản Sì Phài; con trai Sùng Páo Giàng (40 tuổi), ở bản Hợp III và con rể Thào A De (24 tuổi), trú tại bản Hợp II (xã Dào San, Phong Thổ) đã đến để "giải quyết mâu thuẫn". Sùng Páo Giàng đã dùng súng kíp đe dọa, ông Giàng A Páo giật lại súng đánh vào đầu Sùng Páo Giàng.
Ngay sau đó, Páo Giàng đã rút chốt lựu đạn mang theo làm em rể mình là Thào A De chết tại chỗ, Giàng A Khư, Sùng A Chư và Giàng A Páo bị thương nặng. Sau khi gây án, Sùng Páo Giàng bỏ trốn. Vụ việc trên chưa kịp nguôi ngoai trong dư luận thì 4 ngày sau, tại xã Nậm Hăn (Sìn Hồ) do có mâu thuẫn với nhau trong tranh chấp đất đai và việc vay nợ tiền do đánh bạc, hồi 22h ngày 23/6, đối tượng Tẩn A San, 32 tuổi, trú tại bản Căn Ma, xã Nậm Hăn đã dùng súng kíp vào nhà anh Phùng A Cấu (25 tuổi), trú tại bản Hay, xã Nậm Hăn, bắn vào đầu anh Cấu gây tử vong tại chỗ.
Trong một thời gian ngắn, liên tục xảy ra các vụ án mạng có nguyên nhân do mâu thuẫn, tranh chấp. Ngoài chú trọng công tác điều tra, giải quyết các vụ án đã xảy ra và đưa ra xử lý nghiêm minh đối tượng gây án thì các cấp chính quyền, các ngành chức năng (đặc biệt là ở cấp cơ sở) cần chủ động nắm tình hình, quan tâm giải quyết dứt điểm, thỏa đáng và "hợp tình, hợp lý" các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân nhằm triệt tiêu các nguyên nhân có khả năng làm nảy sinh tội phạm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, không để các vụ án đau lòng như trên xảy ra trong đời sống xã hội