Bi kịch của những cuộc hôn nhân không giá thú

Thứ Hai, 05/01/2009, 14:40
Mỗi người trong số họ đều từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân… Khi tự nguyện "góp gạo thổi cơm chung", họ đều mong mỏi tìm được một nửa của mình, để có được một mái ấm gia đình, giúp xoa dịu đi nỗi đau và những vết sẹo của cuộc hôn nhân trước. Nhưng hai mảnh vỡ ấy rồi cũng không tìm được tiếng nói chung, để rồi cuộc "hôn nhân không giá thú" trở thành bi kịch. Một người về cõi vĩnh hằng, người khác thì chịu sự phán xét nghiêm minh của pháp luật.

Giá mà…

Tôi còn nhớ lần gặp phạm nhân Trần Thị Bẩy hơn 2 năm về trước. Đó là một buổi chiều muộn, khi mặt trời đã khuất lưng núi, bóng chiều chạng vạng đổ xuống khu trại tạm giam phủ một màu đỏ ối. Bẩy ngồi trước mặt tôi, đôi mắt ngấn lệ...

Nước mắt không thể xóa đi tội tình của người đàn bà ấy nhưng lúc đó là liều thuốc duy nhất giúp Bẩy vơi đi nỗi đau tinh thần và cảm giác hối hận.

Lúc ấy, ngắm nhìn Bẩy, tôi trộm nghĩ vì sao người đàn bà có khuôn mặt đầy đặn, ẩn đằng sau đó là sự chân chất mộc mạc ấy, có thể là đối tượng chủ mưu của một vụ giết người bằng rượu độc với người đàn ông đã từng có với mình hai đứa con chung. Tôi tự đặt ra câu hỏi rồi lại chẳng tìm được câu trả lời cho mình.

Hơn 2 năm trong trại cải tạo, Bẩy có vẻ già đi, từng trải hơn. Những ngày qua, nỗi đau đớn, ân hận lớn nhất cứ dày vò tâm hồn của người đàn bà ấy chính là đã vô tình đẩy đứa con trai nhỏ của mình vào con đường phạm tội.

Một ngày đầu tháng 12/2008, khi biết tin Cường mới bị bắt truy nã, chị lặng đi. Trong trại cải tạo, Bẩy có thời gian để suy ngẫm lại tất cả.

Trước khi "góp gạo thổi cơm chung" với Lê Hữu Bỉnh, 49 tuổi, trú tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng và sinh sống với nhau như vợ chồng, Trần Thị Bẩy, 51 tuổi, đã có một cậu con trai riêng. Những tưởng cuộc hôn nhân lần này sẽ trở thành bước ngoặt trong cuộc đời của người phụ nữ kém may mắn về tình duyên nhưng nào ngờ...

Hai đứa con liên tiếp chào đời, cuộc sống kinh tế của Bẩy và Bỉnh chủ yếu phụ thuộc vào việc buôn bán lặt vặt nên không được mấy dư dả. Hơn nữa, Bỉnh thường hay có thói quen uống rượu nên giữa họ thường xuyên xảy ra những trận cãi vã kịch liệt.

Sau những trận khẩu chiến, Bỉnh và Bẩy đã ly thân với nhau... Bỉnh chuyển ra khu phố 3, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) thuê nhà ở và hằng ngày kiếm sống bằng việc  bốc vác và kéo hàng thuê.

Khi đã không còn tình cảm, Bỉnh và Bẩy trở nên đố kỵ với nhau. Mâu thuẫn giữa Bỉnh và Bẩy lúc đó chính là số tài sản mà hai người đã cùng chung sức có được, trong những ngày còn "hương lửa mặn nồng". Sau những trận cãi vã căng thẳng, Bỉnh đã có lần bị đánh gây thương tích nặng.

Sau nhiều lần giải quyết không thành, Bỉnh có đơn khởi kiện đòi chia tài sản. TAND huyện Bảo Thắng đã xử cho Bỉnh được hưởng phần đất ngay sát cạnh căn nhà mà Bẩy đang ở, còn Bẩy được ở tại căn nhà cũ nhưng phải trả khoản tiền vay ngân hàng hơn 110 triệu đồng. 4 tuần cứ trôi đi nhanh chóng, nỗi lo phải trả lãi hằng tháng cứ thôi thúc Bẩy trong khi chị ta lại chẳng có thu nhập gì hơn, ngoài việc trông chờ ở quán Internet.

Từ đó, Bẩy nuôi trong lòng sự thù ghét với Bỉnh dẫn đến mất hết tính người. Bẩy luôn nghĩ rằng chỉ có Bỉnh chết đi thì mẹ con chị ta mới thoát được khoản nợ đó. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi Bẩy ra ngân hàng trả lãi và được thông báo nếu không trả đầy đủ sẽ bị niêm phong nhà cửa...

Nghĩ đến cảnh nợ nần chồng chất và nguy cơ 3 mẹ con sẽ phải ra ngoài đường ở, Bẩy không làm chủ được suy nghĩ của mình và thôi thúc ý nghĩ phải sát hại Bỉnh. Bẩy đã tìm gặp Bùi Anh Tuấn, 41 tuổi, trú tại khu 3, xã Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai để nhờ tên này giúp đỡ thực hiện ý định phạm tội.

Một bữa cơm thịnh soạn được Bẩy mở ra để mời người chồng cũ về ăn. Bẩy thừa biết, món khoái khẩu của Bỉnh là rượu nên chị ta đã bí mật pha loại thuốc độc vào rượu. Không ngờ đến âm mưu thâm độc của người đàn bà đã từng "nâng khăn, sửa túi", Bỉnh cứ uống hết chén này đến chén khác… cho đến khi thấy lưỡi cứng lại và anh ta cũng chẳng bao giờ có cơ hội được nói lần nữa. 

Nước mắt đàn ông 

Những người có mặt tại phiên tòa xét xử Trần Văn Thiện, 49 tuổi, trú tại đội 3, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai, hôm ấy đều ngậm ngùi trước những giọt nước mắt của Thiện… Vì có lẽ, nước mắt của người đàn ông luôn khiến người khác phải mủi lòng.

Trước tòa, Thiện không một lời bào chữa, nguyện vọng duy nhất của Thiện trước khi nhận bản án tù chung thân là được thắp nén hương lên mộ người đàn bà mà anh ta đã sát hại. Vợ không may qua đời, để lại cho Thiện 2 đứa con… cảnh "gà trống nuôi con" thật vô cùng cơ cực.

Trong những lúc tắt lửa tối đèn, người đàn ông đang ở độ tuổi sung sức ấy luôn khao khát một mái ấm gia đình, một vòng tay chăm sóc yêu thương của  người đàn bà. Rồi Thiện đến sống với chị Lê Thị Liên, ban đầu cả hai đã tìm thấy ở nhau một sự đồng cảm để sẻ chia.

Những tưởng qua mất mát, người ta phải biết nâng niu trân trọng những gì mình đã có, nào ngờ. Người đàn bà thiệt phận như chị Liên có lẽ không bao giờ muốn cuộc đời của mình thêm một lần lỡ dở.

Nhưng mâu thuẫn giữa chị Liên và Thiện cứ như căn bệnh nan y, nó gặm nhấm rồi ăn mòn khiến tình yêu trong chị dần nguội lạnh. Không có tấm giấy hôn thú, cách giải quyết dễ nhất là chị Liên đuổi Thiện ra khỏi nhà…

Chính chị Liên đâu có ngờ rằng người đàn ông mà chị từng có thời say đắm lại ấp ủ trong lòng một ý nghĩ cay độc. Khi chị Liên càng khước từ thì Thiện lại càng có cái khao khát muốn được chiếm giữ.

Những đêm trăn trở, Thiện luôn quay cuồng với ý nghĩ phải giữ chị Liên bằng mọi cách, thậm chí phải giết Liên để chị chỉ là của riêng anh ta. Hôm đó, khi trời đã xế chiều, Thiện chủ động gặp chị Liên để xin về ở chung, nhưng cũng như lần trước, chị Liên kiên quyết từ chối…

Như một kẻ điên, Thiện lấy con dao chuẩn bị trước đó đâm vào người chị Liên. Nhát dao oan nghiệt đã cướp đi sinh mạng của chị.

Lẽ thường ở đời, "sống một ngày với nhau cũng nên nghĩa". Cái điều tưởng chừng giản dị ấy nhưng chính những người trong cuộc cũng không biết trân trọng để rồi có những bi kịch buồn…

Xuân Mai
.
.
.