Bắt vụ vận chuyển ma tuý đá lớn nhất từ trước đến nay

Thứ Hai, 24/06/2013, 17:22
Sáng 24/6, Đại tá Trần Thanh Bình-Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, lực lượng Biên phòng của đơn vị vừa phá thành công một chuyên án, bắt giữ số lượng ma tuý đá lớn nhất từ trước đến nay trên đất Quảng Bình.

Xác lập chuyên án

Từ đầu năm 2013, thông qua việc nắm tình hình và các mặt công tác trên tuyến đường 12A, lực lượng phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng Quảng Bình (BPQB) phát hiện một đường dây tội phạm ma tuý lớn do một số đối tượng người Lào và người Việt móc nối với nhau tìm cách đưa ma tuý qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ.

Nhận lệnh của chỉ huy BPQB, hàng chục trinh sát của Phòng phòng chống tội phạm về ma tuý và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối hợp với Sở An ninh tỉnh Khăm Muộn Lào lập tức được tung vào cuộc.

Qua điều tra xác minh, khảo sát địa hình khu vực, xác định đường hướng vận chuyển ma tuý, nhận định, đánh giá tình hình và nắm chắc phương thức thủ đoạn của các đối tượng, Ban chuyên án nhận định, thời điểm đầu đến giữa tháng 6/2013, các đối tượng đã lên hàng, đóng khuôn để đưa "hàng chết" về Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Hàng chục đêm trắng, cán bộ, chiến sĩ PBQB mai phục giữa rừng già nhưng các đối tượng vẫn mất tăm trong đêm vắng. Thỉnh thoảng, các trinh sát lại bắt gặp những đối tượng lầm lũi trong đêm đi xuyên rừng, nhưng khi kiểm tra thì chỉ bắt gặp, đó là các lâm tặc xuyên rừng tìm sản vật rừng, hoặc người đi săn khỉ, săn gà rừng, hay kiếm mật ong rừng...

Hai đối tượng Xốm Sá N và Vi Lay S cùng tang vật vụ án.

Ban chuyên án họp gấp và nhận định: có thể đối tượng cầm đầu trong đường dây vận chuyển ma tuý sử dụng "nghiệp vụ chim lợn" để theo dõi, kiểm tra, đánh lừa lực lượng chức năng. 2h sáng ngày 21/6, Trưởng Ban chuyên án chỉ huy tổ phá án: sử dụng biện pháp nghiệp vụ đánh lừa, che mắt đối tượng để "điệu hổ ly sơn"

Cất vó "sói trắng" giữa rừng già

Sau hơn 20 ngày đêm lăn lộn khắp các địa bàn vùng núi biên giới, mật phục trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, đối tượng lại hết sức xảo quyệt, một số trinh sát có dấu hiệu giảm sút nhanh về sức khoẻ, Ban chuyên án đã phải động viên cho chiến sĩ "nghỉ sức" ngay giữa rừng vì không thể cho về đơn vị vì để đảm báo yếu tố bí mật.

Theo Thượng tá Đinh Văn Lưu-Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma tuý Bộ đội Biên phòng Quảng Bình "Khó khăn nhất đối với lực lượng đánh án là yếu tố đảm bảo bí mật, cơ động di chuyển địa bàn đánh bắt. Các trinh sát cơ động đến vị trí mai phục phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, chỉ được mang theo lương khô và nước uống, luôn luôn phải nằm bất động, căng thẳng để chờ thời cơ. Lực lượng tiếp cận luôn rình rập nguy hiểm bởi nếu bị lộ sẽ bị đối tượng hành động ngay...".

Xác định đối tượng luôn theo dõi để vận chuyển ma tuý trong đêm bất thành, Ban chuyên án đã tập trung rào vòng vây trinh sát tất cả các nẻo đường rừng, đồng thời hàng đêm sử dụng nghiệp vụ để "điệu hổ ly sơn" buộc đối tượng vận chuyển ma tuý vào ban ngày.

Đúng như nhận định của Ban chuyên án, chiều ngày 21/6, cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vẫn tấp nập người qua lại, những chuyến xe hàng nặng nề vẫn lùi lũi lưu thông. Trong số hàng nghìn người qua lại, các trinh sát chỉ để mắt đến hai đối tượng. Thỉnh thoảng 2 đối tượng lại đảo mắt dáo dát, rồi cười nói với nhau như đôi bạn đồng hành tri kỷ. Trừ các trinh sát không một ai biết chiếc túi xách trễ nải trên lưng của đối tượng đang cất dấu một thứ "vũ khí ma mị" có thể giết chết hàng ngàn thanh thiếu niên tuổi trưởng thành.

16h15, hiệu lệnh đanh gọn của chỉ huy Ban chuyên án phát ra, hai đối tượng buộc phải tra tay vào còng đó là Xốm Sá N (42 tuổi) và Vi Lay S (32 tuổi), cùng trú tỉnh Khăm Muộn, Lào. Khám xét khẩn cấp người đối tượng, Ban chuyên án đã thu giữ 3 kg ma tuý tổng hợp dạng đá (số ma tuý này được định giá bán lẻ trên thị trường của giới ma tuý lên đến hơn 5 tỷ đồng, tương đương với 30 bánh hêroin), đây là lượng ma tuý đá Biên phòng Quảng Bình bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng

Dương Sông Lam
.
.
.