Bắt nguyên Phó Chủ tịch phường Phú Thượng (Hà Nội)
Chiều 11/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Hy Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, hiện là chuyên viên Phòng Kinh tế thuộc UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
>> Khởi tố 7 đối tượng liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây
Từ ngày 25/3/2008 đến ngày 14/1/2009, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can gồm: Công Phương Toàn, nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; Nguyễn Văn Hiển, cán bộ địa chính phường Phú Thượng; Trần Mạnh Cường, nguyên Phó phòng Tài chính - vật giá quận Tây Hồ, Ủy viên Thường trực Hội đồng đền bù; Trần Bá Siêu, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật Hồ Tây; Nguyễn Sơn Hà, nguyên Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây; Công Phương Quế, chủ khu vực ao ải phường Phú Thượng; Công Văn Hạnh, xã viên hợp tác xã nông nghiệp Việt - Mông; Nguyễn Hồng Hải, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, các đối tượng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với một số đối tượng để phục vụ cho công tác điều tra.
Đối với Hy Việt Hùng tuy đã nắm rõ chủ trương thu hồi đất giải phóng mặt bằng các khu đất trên địa bàn phường Phú Thượng nói chung, khu ao ải nói riêng, từ năm 1997 khu vực này đã được bàn giao sang UBND phường quản lý vào thời điểm dự án đã được công khai có quyết định thu hồi đất, có quyết định thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng các dự án nêu trên yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng, không được thay đổi mục đích sử dụng, nhưng ngày 1/3/2002, ông Hùng vẫn ký hợp đồng cho Công Phương Quế sử dụng ao ải là 32.000m2, trong đó có dự án đền bù quyền sử dụng đất và dự án khu đô thị Thăng Long, thuộc quận Tây Hồ.
Ngày 18/3/2003, ông Hùng lại ký văn bản đồng ý cho phép Công Phương Quế cải tạo diện tích ao ải nói trên thành vườn. Cả hai văn bản do ông Hùng ký là trái pháp luật. Từ đó, Công Phương Quế xây dựng vườn đào khống và các vật kiến trúc trên đất khống dẫn đến quyết định trả tiền đền bù cho Công Phương Quế gây thiệt hại cho Nhà nước 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thống nhất với Viện KSND tối cao về việc hàng chục hộ dân đã được đền bù trái pháp luật phải nộp lại số tiền đã thụ hưởng trong vòng 15 ngày sau khi nhận được thông báo, nếu không chấp hành sẽ bị xử lý hình sự theo qui định của pháp luật