An ninh ở bệnh viện

Thứ Ba, 11/03/2014, 11:46
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc đáng lo ngại xảy ra ở một loạt bệnh viện (BV) lớn trong cả nước, khiến dư luận xã hội không thể không quan tâm đến vấn đề an ninh ở BV.
>> Bác sĩ dởm lừa đảo “ngoạn mục” tiền mua máu

Bài 1: "Điểm ngắm" của tội phạm

Mới đây nhất là vụ việc lực lượng bảo vệ BV Bạch Mai bắt quả tang Vũ Quốc Bảo (31 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) giả danh bác sĩ của BV Bạch Mai, vào tận Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV để lừa đảo khám rồi thu tiền của người bệnh. Sau khi điều tra, bước đầu, Công an đã xác định được Bảo đã tiến hành hơn 20 vụ lừa đảo ở nhiều BV. Bảo vờ là thạc sĩ y khoa, lập trang web mang tên "bác sĩ gia đình" rồi hẹn bệnh nhân đến để "khám" ngay tại BV nhằm tạo sự tin tưởng. Với thủ đoạn này, cũng áo blouse, đeo ống nghe, Bảo đã lừa một phụ nữ ở phố Nguyễn Chính lấy 1,7 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau tái khám rồi lặn mất.

Trước đó, tháng 11/2013, Nguyễn Thị Thìn (37 tuổi,  ở Thanh Hóa), kẻ có 3 tiền án về tội lừa đảo, cũng giả danh bác sĩ của BV Bạch Mai để lừa mua giúp thuốc đặc trị cho bệnh nhân với giá rẻ. Mặc áo blouse, Thìn chủ động bắt chuyện với bệnh nhân ở hành lang, nhằm tránh bị camera an ninh ghi hình, rồi tự giới thiệu là bác sĩ, "xem xét" các kết quả xét nghiệm của người bệnh và nói có thể mua được thuốc đặc trị với giá rẻ, lại rút ngắn thời gian điều trị. Với chiêu này, Thìn đã lừa đảo được 6 vụ, mỗi vụ 3-4 triệu đồng. 

Cuối tháng 11/2013, BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã bắt được Thái Thanh Phú (26 tuổi, trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh) giả danh bác sĩ vào xem bệnh án để thực hiện ý đồ xấu. Phú tự làm tấm thẻ mang tên bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Khoa tim mạch BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, rồi mặc áo blouse trắng và nhiều lần tiếp cận hồ sơ của bệnh nhân nhưng không thành. Theo BV Chợ Rẫy, đây là trường hợp giả danh nhân viên y tế lần thứ hai được phát hiện trong năm 2013. Trước đó, đã có một số trường hợp mạo danh Công an, bác sĩ, y tá, nhà sư... trà trộn vào với mục đích xấu. Một vụ gây chấn động dư luận là vụ Trần Tuấn Khương đã "cắt chân" chị gái ruột là Trần Thanh Dung (51 tuổi, trú khu tập thể Thành Công) tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, BV Xanh - Pôn (Hà Nội) vào sáng sớm 2/1.

Một số đối tượng trộm cắp, lừa đảo tại BV Bạch Mai.

Không chỉ lừa tiền bạc, gây tổn thương về sức khỏe người bệnh, một loại tội phạm mới xuất hiện và để lại những hậu quả khôn lường cho cả các bệnh nhân lẫn uy tín của các BV là bắt cóc trẻ em. Chỉ từ năm 2011 đến nay, đã có 4 vụ bắt cóc trẻ tại BV, mà thủ đoạn của tội phạm không quá tinh vi, thậm chí rất đơn giản, đã gióng lên hồi chuông báo động rất lớn về công tác bảo vệ an ninh ở các BV nói chung, khi mà tình trạng buôn bán trẻ em, phụ nữ những năm gần đây ngày càng gia tăng.

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh đầu tiên xảy ra vào tháng 11/2011, tại BV Phụ sản Trung ương đã làm rúng động dư luận cả nước khi Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, ở Bắc Giang) chỉ với thủ đoạn mặc áo blouse trắng để giả danh bác sĩ, rồi vào tận phòng của sản phụ Trần Thị Thơm để bắt cóc bé trai. Vụ việc thiết nghĩ đã đủ cảnh báo cho các BV trong vấn đề bảo vệ an ninh, nhưng chỉ gần 1 năm sau, ngày 26/8/2012, tại BV Phụ sản Thái Bình lại xảy ra một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh cũng với thủ đoạn na ná: Kẻ gian mặc áo blouse, giả nhân viên y tế để "đưa cháu đi tắm". Và rồi, do không thoát được nên tội phạm đã để cháu bé giấu trong túi du lịch vứt ở cầu thang máy tầng 3 của BV. Những tưởng an ninh BV sẽ được siết chặt hơn sau các cú sốc không chỉ với gia đình các nạn nhân, mà với toàn xã hội. Thế nhưng, ngày 9/1/2014, thêm một vụ bắt cóc bé sơ sinh xảy ra. Lần này là tại Khoa sản BV quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Tất cả những vụ việc trên đều phải chuyển lực lượng Công an điều tra. Mỗi vụ án, nhất là các vụ bắt cóc, là hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an phải tham gia nhiều ngày liền cho đến khi tìm được các cháu bé mới chỉ xong một phần việc. Nhưng hãy khoan bàn đến những áp lực cũng như khó khăn, hy sinh đặt lên vai các cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc truy tìm thủ phạm, mà chỉ nói đến tâm lý, tình cảm của các nạn nhân và gia đình họ khi phải trải qua cú sốc rất lớn vì bất ngờ đối mặt với tai ương ở một nơi mà hầu như không mấy ai nghĩ đến để cảnh giác. Dù rằng cả 3 vụ bắt cóc đều tìm được các bé và tìm ra thủ phạm, nhưng chấn thương tâm lý mà các bà mẹ trẻ cũng như xã hội phải chịu chắc chắn còn dai dẳng. Vì thế, những vụ án trên đã thực sự báo động về những lỗ hổng trong công tác bảo vệ an ninh ở các BV.

Không chỉ các bệnh nhân, các thầy thuốc làm việc trong các BV cũng là những người dễ chịu ảnh hưởng của an ninh BV. Vụ việc bác sĩ bị côn đồ đánh ở BV Hải Phòng, BV Thái Bình v.v… là những ví dụ điển hình. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức, những năm gần đây, số vụ tai nạn do đâm, chém, đánh nhau phải vào cấp cứu ngày một nhiều. Đi kèm mỗi nạn nhân còn hàng chục người nhà, bạn bè, trong đó nhiều người thường có thái độ quá khích với các thầy thuốc: chửi bới, sẵn sàng đập phá nhà cửa, đồ đạc v.v… Chỉ nhờ có kinh nghiệm dày dạn trong ứng xử, cũng như lực lượng bảo vệ của BV Việt - Đức khá mạnh, mới ngăn chặn được nhiều tình huống xấu xảy ra để bảo vệ các thầy thuốc.

Ở một nơi coi là đầy niềm hạnh phúc, vì là BV nơi các em bé chào đời, nhưng theo PGS. TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TW, chuyện người nhà bệnh nhân bức xúc vì không hiểu công việc của thầy thuốc, nên đe dọa, mắng chửi thầy thuốc xảy ra như cơm bữa. Đó là còn chưa kể, hoạt động của "cò" BV, trộm cắp v.v… xảy ra phổ biến ở các BV. Đến mức, có tháng, bác sĩ Trưởng phòng khám của BV Phụ sản TW 2 lần mất điện thoại trong lúc khám cho người bệnh.

Trung tá Tô Quốc Đông, Phó trưởng Công an phường Hàng Bông, cho biết: Năm 2013, tại 4 BV lớn là Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Răng - Hàm - Mặt và BV K đã xảy ra 16 vụ trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự; Công an phường đã khám phá 11 vụ, bắt giữ 15 đối tượng, bắt 1 đối tượng truy nã tại BV K. Ngoài ra, Công an phường cũng đã tổ chức quét vét địa bàn, bắt giữ 40 đối tượng có hành vi cò mồi tại BV K, trong đó có nhiều đối tượng tái phạm nhiều lần. Những con số này cho thấy công tác bảo vệ an ninh ở các BV đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ

Thanh Hằng - Vũ Hân
.
.
.