Ai “bật đèn xanh” cho việc nuôi hổ tại gia ở Nghệ An?

Thứ Sáu, 26/10/2012, 09:00
Liên tục từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an các tỉnh ở miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã bắt giữ hơn 10 vụ vận chuyển hổ trái phép đi qua địa bàn. Từ hồ sơ của cơ quan Công an, chúng tôi phát hiện, tất cả các đối tượng vận chuyển hổ trái phép đều có hộ khẩu thường trú ở Nghệ An. Vậy số động vật quý giá trên được các đối tượng lấy từ đâu? Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện hầu hết số hổ vận chuyển trái phép được nuôi ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Từ các vụ vận chuyển hổ... đến làng nuôi hổ trái phép

Tại cơ quan Công an Quảng Bình, hai đối tượng Hồ Văn Bảng (41 tuổi), trú xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và Nguyễn Văn Ngôn (39 tuổi), hộ khẩu xã Trường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An vẫn một mực không chịu khai nhận số hổ họ vận chuyển có xuất xứ từ đâu.

Lúc 5h30 ngày 30/7, trên QL1A đoạn qua địa bàn xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, Bảng và Ngôn đã bị Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ khi đang vận chuyển 2 cá thể hổ trái phép. Ngoài việc vận chuyển 2 cá thể hổ, trên xe ôtô của các đối tượng còn cất giữ 7 bộ biển số xe giả của quân đội, và các cơ quan nhà nước.

Trước đó, ngày 14/10, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an phối hợp với Công an Thanh Hóa bắt giữ ôtô mang BKS 37A-041.53 do Phạm Đức Hòa (26 tuổi), trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An điều khiển, đang vận chuyển một cá thể hổ ướp lạnh có trọng lượng gần 100kg.

Ba con hổ đang được nuôi nhốt như nuôi heo ở xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Tiếp đó, Công an Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ xe ôtô Camry mang BKS 1171 (BKS giả) do 2 đối tượng Hồ Sỹ Hạnh (36 tuổi), trú tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu và Bùi Văn Mười (33 tuổi), trú tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đang vận chuyển 4 cá thể hổ còn sống có tổng trọng lượng 21,5kg. Trên xe các đối tượng còn cất giữ 6 bộ BKS giả...

Chắp nối các sự kiện, hồ sơ, hộ khẩu các đối tượng vận chuyển hổ trái phép và nhờ sự giúp đỡ của Trần Đình K, người từng được thuê vận chuyển hổ chúng tôi về xã Đô Thành, huyện Yên Thành, và xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An nơi đang có hàng chục hộ dân chuyên nuôi hổ để cung cấp ra thị trường.

Tại xã Đô Thành hiện có 11 hộ dân đang nuổi hổ. Điều hết sức bất ngờ là người dân nuôi hổ như nuôi lợn. Chuồng nuôi hổ được làm bằng khung sắt chỉ rộng bằng chuồng lợn, nhưng gia đình Nguyễn Văn C đã nuôi 4 con hổ hơn 1 năm nay. Theo C., việc người làng ở Đô Thành nuôi hổ bắt đầu từ đầu năm 2011.

Hổ con được mua từ huyện Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh với giá dao động từ 150-200 triệu đồng mỗi con hổ con có trọng lượng khoảng 5-7kg. Lúc đầu chỉ có nhà C. nuôi hổ, sau khi C bán 1 cặp hổ được gần 2 tỷ đồng, nhiều người làng cũng chung vốn nuôi. Do nguồn vốn hạn hẹp, nên ở đây có khi 2 đến 3 hộ gom tiền nuôi chung 1 con.

Hàng tháng, các hộ lại đóng góp tiền để mua thức ăn nuôi hổ. "Nuôi hổ khó hơn nuôi lợn nhưng dễ hơn nuôi hươu. Lúc hổ dưới 30kg phải chăm bẵm vì sợ hổ chết cụt cả vốn, sau đó cứ trộn thức ăn tăng trọng với thịt, gà... cho hổ ăn, nó lớn nhanh như thổi" C. nói vậy. Sau một thời gian nuôi, khi hổ có trọng lượng khoảng trên 100kg, các hộ nuôi hổ lại bán ra thị trường với giá khoảng 5 triệu đồng/kg.

Mỗi năm có hàng chục hộ bán hổ, nên tại Đô Thành có 2 người chuyên tìm thị trường bán hổ cho người nuôi. Người nuôi cầm tiền, cân hổ khi xuất chuồng, phần còn lại từ vận chuyển, bán, sử dụng... đều do 2 đối tượng thực hiện. Ngoài việc xuất hổ bán đi nơi khác, ở Đô Thành còn có hộ dân bán hổ để nấu cao tại nhà. Chẳng hạn các đại gia cần cao hổ, móng, vuốt hổ chính gốc đến mua hổ tại chuồng. Sau đó thuê chủ nhà nuôi hổ nấu cao luôn.

Để bảo đảm lúc nấu cao không bị lấy mất "xương bánh chè" chủ nhà có lò nấu, và khi nấu thì chủ nhà giao chìa khoá lò cho khách. Mỗi lần thay nước, khách mới mở khóa cho chủ nhà. Quy trình là vậy, nhưng có không ít đại gia đến mua hổ nấu cao cũng bị chủ nhà lừa lấy mất xương cốt hổ lúc nào không hay...

Liệu có sự tiếp tay từ cơ quan chức năng?

Hơn 2 năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tổ chức nuôi hổ trái phép, nhưng chính quyền địa phương ở huyện Yên Thành cũng như lực lượng chức năng liên quan không hề biết là điều hết sức khó hiểu. Dư luận cho rằng, có sự tiếp tay của cơ quan chức năng. Bởi không thể có chuyện một hộ gia đình nuôi 3-4 con hổ mà chính quyền không biết.

Ông Nguyễn Trọng Thực - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành cho rằng: Hàng tuần, hàng tháng kiểm lâm đều tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kiểm lâm cơ động quản lí địa bàn, không dễ để các đối tượng có thể vận chuyển hoặc nuôi nhốt hổ trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi phát hiện sự có mặt của phóng viên báo chí tại địa bàn, hiện một số hộ dân nuôi hổ đang tìm cách tẩu tán số hổ đang nuôi. Nếu cơ quan chức năng ở Nghệ An không vào cuộc quyết liệt thì chắc rằng; những con hổ đang nuôi sẽ sớm biến mất khỏi địa bàn

Dương Sông Lam
.
.
.