Cuộc chạy trốn dài 32 năm của tên cướp, giết chủ tiệm vàng
- Hung thủ chém, cướp vàng của mẹ đẻ chính là 'nghịch tử nghiện game'
- Về thăm nhà, cướp vàng mẹ vợ rồi bỏ trốn
- Gây án rồi trốn sang Trung Quốc làm nghề chăm sóc người già
- Sát hại vợ rồi lấy tiền của bố bỏ trốn
Trưa 25-5-1983, ông Trần Văn B (chủ tiệm vàng K.T, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chết tại bếp của nhà Toàn với tư thế ngồi dựa vào vách nhà, hai tay bị trói lại, miệng bị nhét khăn… Chiếc xe Honda ông B. sử dụng cùng nhẫn vàng và một số tiền mặt biến mất. Quá trình điều tra, cơ quan Công an bắt giữ 2 em ruột của Toàn là Trần Bảo Hiền và Trần Bảo Thành. Hiền và Thành khai: Cuối tháng 4-1983, Toàn biết ông B có tài sản nên lên kế hoạch cướp.
Anh em Toàn nhiều lần phục bắt cóc nạn nhân không thành. Tối 24-5-1983, Toàn nghe tiếng xe Honda của ông B, liền nói với 2 em trai chuẩn bị và bước ra ngoài chặn đường. Ông B bị Thành kẹp cổ, Hiền kéo chân vào nhà. Nạn nhân tri hô thì bị Toàn khống chế, Hiền lấy dao đe dọa. Cả 3 lấy dây trói nạn nhân, nhét khăn vào miệng và cột phía sau bếp, tháo nhẫn vàng, lấy tiền mặt và cướp xe Honda. Tài sản cướp được, cả 3 mang lên TP Hồ Chí Minh bán, chia nhau tiêu xài và bỏ trốn. Kết quả giám định, ông B bị dị vật trám chặt vào miệng, mũi, 2 tay bị trói chéo sau lưng, khí quản bị chèn ép do dây buộc ở cổ, phổi bị chèn ép dẫn đến tử vong.
Trung tá Lê Văn Tám, cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đồng Tháp, người trực tiếp tham gia truy bắt Toàn cho biết: Thời điểm xảy ra vụ án, Toàn đã hơn 20 tuổi nhưng chưa làm giấy CMND nên không có hình ảnh, dấu vân tay. Toàn có tên khác là Trần Văn Đức. Gia đình Toàn từ nơi khác chuyển đến Lấp Vò sinh sống chưa được bao lâu thì gây án. Việc nhận dạng Toàn, chủ yếu dựa trên giọng nói, hình ảnh chắp vá qua miêu tả của người dân.
Nhiều năm ròng rã, các trinh sát phối hợp với Công an các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước… để xác minh nhưng không có kết quả. Sau khi gây án, gia đình Toàn chuyển về TP Hồ Chí Minh nhưng không rõ địa chỉ. Tìm đến căn nhà Toàn từng sống tại quận Bình Thạnh cũng không có thông tin, hình ảnh đối tượng. Các trinh sát tập trung vào cha ruột của Toàn nhưng người này có tới 4 vợ và 20 người con đều ngụ các tỉnh, thành khác nhau.
Trần Bảo Toàn khi bị bắt giữ. |
Có thông tin, 2 người vợ sau của cha Toàn sống ở Trà Vinh và Bến Tre, đều có người tên Toàn ở đó. Nhưng khi tìm đến, các trinh sát phát hiện, cha Toàn có nhiều dòng con nên đặt tên các dòng na ná với nhau. Người thân của Toàn cho biết, Toàn cắt đứt toàn bộ liên lạc. Ngày mất của các thành viên gia đình, kể cả mẹ ruột, Toàn không về dự. Quá trình truy tìm, các trinh sát phải sàng lọc hàng chục cái tên, có đặc điểm nghi vấn giống Toàn. Năm 2002, có thông tin, Toàn xuất hiện tại nhà người mẹ khác cha ở TP Hồ Chí Minh. Còn cha ruột sinh sống tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), nhưng tìm đến, Toàn vẫn biệt tăm.
Thời gian càng trôi, đối tượng cần truy bắt càng thay đổi vóc dáng, tiếng nói nên việc nhận diện càng khó khăn. Có lúc tưởng như chuyên án đi vào bế tắc nhưng các trinh sát không hề nản lòng, quyết tâm phải đưa Toàn về quy án. Bằng sự nỗ lực kiên trì, giữa năm 2015, các trinh sát nhận được tin, người đàn ông được mô tả giống Toàn đang làm thuê tại trang trại cao su ở tỉnh Bình Phước.
Một tổ công tác do Trung tá Tám chỉ huy, tìm đến nơi xác minh nhưng người đàn ông này đã đi khỏi. Nhiều ngày truy tìm, các trinh sát mừng rỡ khi phát hiện người này xin vào làm tại một nông trại khác, cách đó chừng 10 cây số, với tên là Sơn Oanh Tha (quê quán tỉnh Cửu Long cũ).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định Sơn Oanh Tha chính là Trần Bảo Toàn. Trung tá Tám cùng đồng đội phối hợp với Công an địa phương tới nông trường ở ấp 5 (xã Minh Lập, huyện Chơn Thành), nơi Toàn đang làm việc mời về trụ sở Công an.
“Toàn rất ranh mãnh, bình thản trả lời các câu hỏi bằng tiếng dân tộc và chìa ra giấy CMND mang tên người khác. Sau một giờ làm việc, với các chứng cứ không thể chối cãi, Toàn mới thừa nhận tên họ thật của mình, còn giấy CMND đang sử dụng, Toàn khai lượm được rồi dán hình lên đó để che giấu thân phận”, Trung tá Tám nói.
Toàn khai, khi 2 người em trai bị bắt, gã tìm mọi cách để trốn và làm các công việc, như: đạp xích lô, chạy xe ôm, làm thuê mướn. Toàn chung sống với một người phụ nữ ở Long An và có 4 mặt con. Năm 2000, Toàn đến huyện Tân Uyên (Bình Dương) làm thuê lái máy cày và chăm sóc vườn cây ăn trái. Làm được 7-8 năm, Toàn đến xã Minh Lập (huyện Chơn Thành, Bình Phước) làm thuê và liên tục thay đổi chỗ.
“Hơn 30 năm, cuối cùng kẻ thủ ác phải tra tay vào còng, trả giá cho những gì mình gây ra”, con trai nạn nhân xúc động nói. Cuối tháng 11-2015 vừa qua, Viện KSND tỉnh Đồng Tháp đã hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Bảo Toàn về hành vi giết người và cướp tài sản. Trong đó, Toàn là người trực tiếp và có vai trò chủ mưu.