Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietinbank:

Ai là bị hại thực sự của Huỳnh Thị Huyền Như?

Thứ Ba, 20/05/2014, 09:36
Ngày  20/5, sau một thời gian hoãn, theo kế hoạch, TAND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đưa vụ án Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu” Kiên cùng đồng phạm ra xét xử trước pháp luật. Trong 9 đối tượng bị đưa ra xét xử lần này, riêng “bầu” Kiên đã bị đưa ra bởi 4 tội danh: “kinh doanh trái phép”; “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”.
>> Xét xử vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị hai án chung thân

Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận vẫn hết sức quan tâm và sẽ được các bị cáo, cũng như các luật sư đưa ra tranh luận trong phiên tòa, đó là phần tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đặc biệt, việc Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank, đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, bị hại của Huyền Như là Vietinbank hay ACB, bởi số tiền bị thiệt hại là cực kỳ lớn…

Trước hết, chúng tôi muốn đưa ra ý kiến của một số người cho rằng, 19 nhân viên của ACB đã chuyển một lượng tiền lớn vào tài khoản của Vietinbank, đồng nghĩa với việc nếu Huyền Như lừa đảo khoản tiền trên là lừa đảo của Vietinbank chứ không phải là của ACB. Theo đó, các bị can của Ngân hàng ACB sẽ phải chịu trách nhiệm “nhẹ nhàng” hơn và Ngân hàng ACB sẽ được Vietinbank trả lại khoản tiền mà mình không phải là bị hại (!).

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại các phiên tòa sơ thẩm.

Vấn đề này nếu phân tích một cách đơn giản theo kiểu “tiền vào ví ông, ông phải chịu trách nhiệm” như trên, xem ra có vẻ có lý. Tuy nhiên, mọi kết luận của các cơ quan tố tụng phải dựa trên việc đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, dựa trên các quy định và pháp luật

Trao đổi với chúng tôi, cơ quan CSĐT-Bộ Công an cho biết, trong gần 719 tỷ đồng của 19 nhân viên ACB gửi vào Vietinbank gồm có: 50 tỷ đồng gửi vào Vietinbank Nhà Bè, bị Như làm giả hồ sơ mở tài khoản và hợp đồng tiền của 2 nhân viên Ngân hàng ACB ngay từ đầu để chiếm đoạt nên Ngân hàng ACB là bị hại. Đối với số tiền 668,908 tỷ đồng của Ngân hàng ACB gửi vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh thông qua 32 hợp đồng tiền gửi được ký giữa Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng, Phó Giám đốc Vietinbank TP Hồ Chí Minh với 17 nhân viên Ngân hàng ACB, có các tài liệu khẳng định số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Vietinbank (có sao kê của Ngân hàng Vietinbank).

Nhưng số tiền này được điều chỉnh bởi Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/12/2002 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế mở, sử dụng tài khoản và Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Theo các quy định trên thì trách nhiệm của chủ tài khoản (nhân viên ACB) phải: “Tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với giấy báo nợ, giấy báo có hoặc giấy báo số dư tài khoản do ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến. Không được cho thuê, cho mượn tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Người gửi tiền lần đầu phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ liên quan, chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán, tiền gửi tiết liệm do lỗi của mình…”.

Còn trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank: “Thực hiện đầy đủ, kịp thời các lệnh thanh toán, các yêu cầu sử dụng tài khoản của khách hàng phù hợp với quy định hoặc thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng. Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại dịch vụ, phương tiện thanh toán cần thiết phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng. Gửi kịp thời, đầy đủ giấy báo nợ, giấy báo có, bản sao số tài khoản, Giấy báo số dư tài khoản theo yêu cầu của người sử dụng tài khoản. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình…”.

Căn cứ trên các quy định này, chúng ta có thể thấy rõ ràng những sai phạm của chủ tài khoản (ACB, 19 nhân viên). Đó là ủy thác cho nhân viên gửi tiền sai Điều 106 Luật các TCTD. Khi mở tài khoản, các nhân viên đã không đến ngân hàng để thực hiện mà đưa cho Như nên bị Như làm giả hồ sơ mở tài khoản (đối với trường hợp gửi vào Vietinbank Nhà Bè). 19 nhân viên của ACB còn không đến Ngân hàng Vietinbank để thực hiện giao dịch mở thẻ tiết kiệm mà để cho một mình Huỳnh Thị Bảo Ngọc giao dịch với Như.

Sau đó, các nhân viên này cũng không đến Vietinbank để nhận thẻ tiết kiệm, cũng không thông báo cho Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh biết việc không lấy thẻ để mặc cho Như lợi dụng làm tài sản đảm bảo làm giả hợp đồng vay tiền và làm giả lệnh chi để chiếm đoạt. Bên cạnh đó, không tổ chức hạch toán, theo dõi số dư tài khoản, không nhận các giấy báo có, giấy báo số dư từ ngân hàng để đối chiếu số dư; cho mượn tài khoản để thực hiện giao dịch bất hợp pháp…

Sai phạm nghiêm trọng nhất của ACB và 19 nhân viên, đó là khi thương thảo hợp đồng, ACB đã chấp nhận để Như đưa vào điều khoản 1.6 cho phép Vietinbank Hồ Chí Minh (mà thực chất chính là Huyền Như), tự ý trích số tiền từ tài khoản của bên A (nhân viên ACB) tại Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh Hồ Chí Minh sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, trả lãi sau. Lợi dụng việc này nên ngay sau khi tiền vào, Như đã lập 80 thẻ tiết kiệm. Rồi từ các thẻ tiết kiệm này, Như đã tất toán một số thẻ hoặc dùng thẻ tiết kiệm đó để làm giả thẻ đảm bảo, lập hợp đồng giả đứng tên các khách hàng là nhân viên của ACB để rút toàn bộ số tiền trong các thẻ trên. Đồng thời, Như cũng khai nhận, tiền của ACB chuyển vào Vietinbank trước khi các nhân viên ACB ký hợp đồng với Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh….

Chuỗi sai phạm này của ACB có thể hình dung giống như kiểu người ta gửi két sắt bên trong có tiền vào một gia đình, rồi lại đưa chìa khóa két cho con nghiện của gia đình đó. Thử hỏi, khi con nghiện ấy lên cơn nghiện, lấy hết tiền, ai sẽ là người phải chấp nhận thiệt hại? Đối với lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, sai phạm là ở chỗ, sau khi ký hợp đồng đã không theo dõi số dư và các giao dịch liên quan đến tài khoản của các nhân viên ACB nên không phát hiện ra Huỳnh Thị Huyền Như làm giả các lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt.

Còn đối với Huyền Như, theo Quyết định số 1073 ngày 12/8/2009 của HĐQT Ngân hàng Vietinbank, quy định về tổ chức phòng giao dịch và các quy định nội bộ của Vietinbank thì Như không được Vietinbank giao hoặc ủy quyền quản lý tiền, tài sản của ngân hàng mà chỉ được giao nhiệm vụ kiểm soát, xét duyệt các giao dịch của khách hàng khi giao dịch viên nơi Như làm Quyền Trưởng phòng thực hiện.

Từ các phân tích trên có thể thấy, việc Như chiếm đoạt được số tiền 718.908 tỷ đồng nêu trên là do lỗi chủ yếu của chủ tài khoản (ACB), những sai sót này là nguyên nhân quan trọng để Như lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt số tiền nêu trên nên ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền mà Như đã chiếm đoạt. Vì vậy, Ngân hàng ACB chính là bị hại. Được biết, các cơ quan tố tụng Trung ương đều đồng quan điểm trên. Trước khi đưa ra việc định tội danh cũng như khẳng định ai là bị hại của Huyền Như, các cơ quan tố tụng Trung ương cũng đã tiến hành hội thảo nhiều lần, phân tích đầy đủ các chứng cứ và lập luận dựa trên các quy định của ngành Ngân hàng và quy chiếu của luật pháp.

Liên quan đến trách nhiệm của Vietinbank đối với số tiền 718,908 tỷ đồng, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đã phải trả giá lớn bằng việc 15 cán bộ Vietinbank Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh bị khởi tố về 2 tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định cho vay. Riêng ông Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc chi nhánh đã có hành vi thiếu trách nhiệm, lãnh đạo liên ngành đã có chủ trương quyết định tách vụ án để điều tra, xử lý sau

Nhóm PV
.
.
.