Gian nan hòa giải Vùng Vịnh

Thứ Hai, 11/01/2021, 15:22
Nhóm họp tại thành phố Al-Ula của Saudi Arabia, 6 quốc gia sản xuất dầu thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã ký một thỏa thuận “đoàn kết và ổn định”, tối 5-1, Riyadh thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia đã tẩy chay nước này trong suốt 3 năm rưỡi qua: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Ai Cập.


Sau hơn 3 năm bị tẩy chay, Qatar đang được các thành viên còn lại trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh mở rộng vòng tay. Tuy nhiên, sau nhiều đắng cay, Qatar liệu có dễ bỏ qua mọi việc?

Khi tiếp đón lãnh đạo của 6 nước quân chủ dầu mỏ Vùng Vịnh tại Al-Ula, Thái tử Saudi Arabia Mohammed ben Salman ngày 5-1 tuyên bố: “Hôm nay chúng ta cần nhanh chóng đoàn kết các nỗ lực của mình để đối đầu với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Iran và các kế hoạch phá hoại và hủy diệt của Tehran”.

Trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh giữa các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, ông Mohammed ben Salman đã ra tận máy bay để đón Tiểu vương Qatar Tamim al-Thani. Đây là lần đầu tiên ông Tamim al-Thani đến thăm Saudi Arabia kể từ năm 2017. Điều này minh chứng cho mong muốn hòa giải của Riyadh sau 3 năm rưỡi quan hệ đổ vỡ vì Qatar bị Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Ai Cập cô lập với cáo buộc nước này ủng hộ các phong trào Hồi giáo và “quá gần gũi với Iran”.

Thái tử Mohammed bin Salman (bên phải) ra sân bay đón Tiểu vương Qatar.

Cử chỉ hòa hoãn của chính quyền Saudi Arabia được cho là bị ảnh hưởng ít nhiều bởi công cuộc chuyển giao quyền lực hiện nay tại Mỹ. Đây vừa là một lời cảm ơn chia tay với chính quyền ông Trump, người rất muốn quá trình hòa giải này diễn ra nhưng đồng thời cũng là món quà chào mừng chính quyền mới của nước Mỹ. Người Saudi Arabia đang nhận ra rằng họ phải nhượng bộ một điều gì đó. Và vấn đề Qatar là hồ sơ mà họ phải nhượng bộ ít nhất.

Đối với họ, vấn đề về Yemen quan trọng hơn nhiều vì Yemen nằm ở biên giới phía nam của họ, có phong trào Houthi có quan hệ mật thiết với Iran và với Saudi Araiba thì đây là một vấn đề tồn tại. Vì vậy, ngay cả khi bị chỉ trích về Yemen, Saudi Arabia không muốn nhượng bộ chủ đề này. Cuối cùng, Qatar là một vấn đề mà họ có thể nhượng bộ mà không phải trả giá đắt, bởi vì đó là chuyện chung của các tiểu vương quốc hơn là của Saudi Arabia.

Vì vậy, đây là tín hiệu thiện chí mà Riyadh muốn gửi cho chính quyền ông Biden, cho thấy rằng họ có thể nhượng bộ điều gì đó. Và sau đó, Arab Saudi cũng có thể coi việc nhượng bộ này là một cách để cảm ơn ông Trump, người là đồng minh trung thành của họ trong 4 năm qua. Trong vụ này, Saudi Arabia thực sự đang bắn một mũi tên trúng hai con chim.

“Nếu quyết định chấm dứt lệnh lệnh phong tỏa ngoại giao với Qatar đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc giải quyết các cuộc xung đột thì con đường dẫn đến hòa giải hoàn toàn rất xa vời”, hãng tin Associated Press (AP) nhận định. Sự chia rẽ giữa Abu Dhabi và Doha là rất sâu sắc.

Mối lo ngại lớn nhất của Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh là mối quan hệ thân thiết của Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nếu Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất coi sự ủng hộ của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo là một mối đe dọa an ninh và coi nhóm này là một tổ chức khủng bố thì Saudi Arabia và Bahrain chủ yếu lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ của Qatar với đối thủ của họ trong khu vực là Iran.

Vụ tẩy chay Qatar là kết quả của mối quan hệ hợp tác chưa từng có giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Vào năm 2015, hai quốc gia này đã thiết lập một loại hiệp ước an ninh cực kỳ chặt chẽ. Năm 2017, chính UAE đã lôi kéo Saudi Arabia vào cuộc tẩy chay Qatar. Nếu không có sáng kiến của UAE, họ đã làm điều đó. Chính nhờ điều này mà mối quan hệ giữa Riyadh và Abu Dhabi có vẻ “dễ thở” hơn so với UAE. Đây cũng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Saudi Arabia với UAE, đặc biệt được thể hiện trong vấn đề ở Yemen, nơi Tiểu vương quốc rút lui khỏi liên minh chống Houthi trong khi Saudi Arabia ở lại.

Ngoài ra cũng có những căng thẳng về các vấn đề khác và do đó ngày nay có một cuộc khủng hoảng giữa Saudi Arabia và UAE, một cuộc khủng hoảng không tên. Saudi Arabia đang muốn UAE đưa ra quyết định là theo họ để hòa giải với Qatar hoặc không. Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải nhưng có thể thấy rằng đằng sau tất cả những điều này, có một cuộc khủng hoảng giữa Saudi Arabia và UAE và chính kết quả của cuộc khủng hoảng này sẽ quyết định quan điểm cao nhất của UAE.

Hiện tại vẫn chưa biết liệu Qatar có nhượng bộ gì không vì trong suốt hơn 3 năm qua họ luôn từ chối yêu cầu của các nước láng giềng, chẳng hạn như yêu cầu đóng cửa Al-Jazeera, đài truyền hình Qatar vốn là công cụ gây ảnh hưởng của tiểu vương quốc này trong thế giới Arab. “Rõ ràng Qatar đã không nhượng bộ. Qatar đã xoay xở trong suốt 3 năm rưỡi qua để thay thế những gì đã mất bằng cách xây dựng các mối quan hệ mới với các quốc gia như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Qatar đã chiến thắng”, nhà nghiên cứu Stéphane Lacroix, thuộc CERI-Sciences Po phân tích.

“Có thể Qatar sẽ tiếp tục theo chiều hướng quan hệ trong hơn 3 năm qua nhưng tôi không tin họ sẽ tiến xa hơn. Có nghĩa là cuộc khủng hoảng này sẽ không được giải quyết triệt để”, Stéphane Lacroix nhận định và cho biết thêm rằng Qatar và Saudi Arabia đang hướng tới một nền hòa bình “lạnh”. Một nền hòa bình “lạnh” là kết quả tốt nhất cho cả hai nước. “Tôi không tin rằng quan hệ hai quốc gia sẽ trở lại bình thường trong vài tháng nữa”, Lacroix kết luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.