Tai nạn do bom mìn: Nỗi đau thời hậu chiến

Thứ Sáu, 01/04/2016, 14:35
Cho đến hôm nay, người dân cả nước vẫn như chưa hết bàng hoàng về vụ nổ bom xảy ra mới đây ở Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội). Hậu quả của vụ nổ là hết sức kinh hoàng, với nhiều người chết và gần như cả một dãy phố phải chịu cảnh tan hoang, đổ nát. Vụ nổ đầu đạn nhặt được mới đây xảy ra vào ngày 26-3 tại huyện Đăk Song (tỉnh Đắk Nông) làm một thanh niên thiệt mạng.

Các vụ nổ này thêm một lời cảnh tỉnh, để tất cả chúng ta phải giật mình nhìn lại thực trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh…

Trong bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến thực trạng bom mìn ở Quảng Trị và thân phận của những con người vẫn đang từng ngày mưu sinh bằng cách tìm kiếm và kinh doanh bom đạn còn sót lại sau chiến tranh.

Có thể nói rằng, Quảng Trị, mảnh đất nhỏ bé nằm ở miền Trung của Tổ quốc, là nơi chịu nhiều đau thương khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Một thời người ta đã ví Quảng Trị như một cái túi đựng bom khổng lồ. Chỉ với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông ở thành cổ, trong 81 ngày đêm bi tráng của chiến tranh, giặc đã trút xuống mảnh đất này số lượng đạn bom có sức công phá lớn hơn gấp 8 lần sức công phá của hai quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima và Nagasaki hồi Thế chiến 2. Chiến tranh đã thực sự kết thúc hơn 40 năm, nhưng những di hại của nó vẫn còn âm ỉ đeo bám cuộc sống nhọc nhằn của người dân Quảng Trị.

Nhiều năm qua, trên hành trình đi làm nghề viết báo của mình, tôi vẫn thường bắt gặp đâu đó ở Quảng Trị hay một địa phương nào đó nằm giữa khúc ruột miền Trung Việt Nam, từng đoàn người đủ mọi lứa tuổi, ngày ngày họ lặng lẽ ra đi từ phía ruộng đồng, từ phía có những lũy tre xanh để tìm đến những vùng đồi, những cánh rừng mà trước đây là điểm nóng chiến sự.

Đội ngũ đi rà tìm phế liệu của chiến tranh này ở Quảng Trị kết thành từng nhóm, có nhóm năm, bảy người, có nhóm đến cả chục người, cũng có những nhóm chỉ toàn là anh em, họ hàng cật ruột với nhau... Khi mà cả ruộng đồng, sông bãi không còn nơi để rà tìm nữa thì họ dắt díu nhau đến những Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đầu Mầu, Sân bay Tà Cơn, Căn cứ Phullơ, Đồi 241, hàng rào điện tử Macnamara...

Thời gian đầu, những nhóm người này thường đi theo hành trình ngắn, có nghĩa là sáng sớm ra đi, chiều tối lại về. Công việc thường nhật của họ là đi dò tìm, nhặt nhạnh từng chiếc vỏ lon, những tấm nilon, các loại đồ dùng được sản xuất bằng chất liệu nhôm, nhựa, gỗ ván phế thải, sắt thép... Chiều chiều, họ gồng gánh đến những trung tâm của các thị xã, thị trấn, ở đó có những chủ vựa buôn bán phế liệu chờ họ đến thu gom. Trung bình, mỗi ngày họ cũng kiếm được dăm ba chục nghìn đồng, đôi khi “trúng mánh” thì thu nhập đột biến hơn.

Dần dà những nơi quanh phố thị không còn thứ gì để nhặt nữa, họ phải tìm đến những nơi thật xa, những lần đi xa như thế có khi đến cả nửa tháng hay hai mươi ngày họ mới quay về với gia đình. Họ đi có tổ chức, và bao giờ trước lúc lên đường họ cũng góp tiền cùng nhau làm một lễ cúng vái giữa trời đất, họ nguyện cầu những đấng siêu linh nào đó phù hộ độ trì cho họ gặp những điều may mắn trên hành trình kiếm sống đầy ắp sự rủi may...

Cách đây chưa lâu, trong một chuyến khảo sát thực tế về nạn nhân chất độc da cam ở một số huyện thuộc vùng trung du và miền núi của tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân ở vùng Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa... tay xách, nách mang những chiếc máy dò tìm phế liệu của chiến tranh.

Họ bảo rằng, vùng đất họ đang sinh sống vốn xưa kia là địa bàn trọng điểm của những trận giao tranh đã đi vào sử sách nên dưới lòng đất ấy còn sót lại cơ man là bom đạn... Những triền đồi đất đỏ ba zan khô khát ấy, không mang lại cho họ những mùa màng với cây xanh, trái ngọt, vì vậy mà dẫu biết rất hiểm nguy nhưng họ vẫn phải dấn thân với cái nghề kiếm tìm phế liệu chiến tranh luôn cập kề cái chết này.

Nhiều người dân vẫn chọn nghề rà tìm phế liệu để mưu sinh.

Ông Phạm Xuân Dũng, hiện sinh sống tại Tân Lâm, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) nói với chúng tôi rằng: Những người mưu sinh bằng nghề tìm kiếm phế liệu chiến tranh này có một cuộc sống vô cùng khó nhọc. Ngày trước, họ làm nghề này vào những thời điểm nông nhàn để cải thiện đời sống, lần hồi họ chọn nghề này như một công việc chính để mưu sinh. Đất Quảng Trị xưa chiến tranh tàn khốc đến bao nhiêu thì bây giờ những tiếng nổ xé toang sự bình yên cũng ghê rợn như thế. Có những người chỉ mới vác máy rà phế liệu ra khỏi nhà chưa đầy 30 phút, sau một tiếng nổ kinh người là cả làng đã í ới gọi nhau đi nhặt xác tử thi...

Ông Dũng nói tiếp, nguy hiểm đến như vậy nhưng có thời kỳ thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ có đến 90% người dân làm nghề rà tìm phế liệu. Có thời điểm, người ta gọi thôn Tân Hiệp bằng cái tên rất ấn tượng là “làng cưa bom”, vì thế mỗi khi nhắc đến bom mìn thì hầu hết những người dân trong làng đều nói chuyện một cách đầy ám ảnh.

Xin đơn cử một vài trường hợp thương tâm vì hậu quả của bom mìn trong thời hậu chiến, đó là câu chuyện của hai chàng thanh niên ở xã Triệu Giang, Triệu Phong (Quảng Trị) trong khi dùng cưa, đục để tháo gỡ quả đạn 175 ly, đạn phát nổ làm cả hai người chết tan xác, bỏ lại trên đời hai người vợ trẻ và những đứa con thơ ngây.

Cũng ở địa phương này, một thanh niên khác khi tháo đầu đạn 105 ly, do không hiểu biết đã làm đạn nổ, anh ta chết ngay tại chỗ cùng với 3 người hàng xóm hiếu kỳ khác. Đau xót hơn, có những gia đình chịu nỗi đau mất mát do bom đạn chưa nguôi ngoai thì đã phải chít thêm những dải khăn sô cho người thân xấu số khác. Một ngày cuối mùa đông năm ngoái, sau cái chết của người cha vì đạn nổ khi xăm tìm phế liệu, em Nguyễn Xuân Anh cùng người chú ruột của mình lại đến căn cứ Cồn Tiên để rà tìm, không may gặp mìn, chú ruột của em chết, còn em bị mù hai mắt và quanh mình nhằng nhịt vết thương.

Ông Phan Mạnh Hùng, trú tại thị trấn Gio Linh (Quảng Trị), cũng là một người có thâm niên trong nghề rà tìm phế liệu của chiến tranh tâm sự với chúng tôi rằng: “Làm nghề này thì cầm chắc mười mươi cái chết, nhưng ngoảnh lại sau lưng mình là vợ con, là cơm, áo, gạo, tiền... nên cũng đành phó mặc rủi, may cho trời đất...”.

Còn nhiều những cảnh đời oan nghiệt khác đang sống những ngày cuối cùng của đời mình ở đâu đó trong những làng quê Quảng Trị, như trường hợp bà Trần Thị Lan (trú tại thôn 9, Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị), cứ mỗi khi trở trời là bệnh tật lại hành hạ tấm thân khốn khổ của bà với 42 mảnh đạn trong thân thể chưa có điều kiện để lấy ra.

Hay trường hợp của cháu Phạm Hữu Luận (ở thôn Mỹ Lộc, Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị), cháu bị tai nạn do bom bi nổ cùng với hai người bạn khác khi đang đi chăn trâu ở bãi hoang gần nhà, nay hoàn toàn tàn phế. Em Hồ Dũng (ở Trà Liên, Triệu Phong, Quảng Trị), khi đi chăn bò ở sân bay Ái Tử, giẫm phải mìn làm em cụt tay, mù mắt, vậy là mơ ước đến trường của em đã bị khép lại với một tấm thân tật nguyền. Em Nguyễn Thế Nghĩa cùng các em học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Vĩnh Quang, Vĩnh Linh (Quảng Trị) khi đang lao động dọn vệ sinh trong sân trường thì vấp phải bom bi phát nổ, Nghĩa bị mù hai mắt còn các bạn khác bị thương rất nặng.

Hay trường hợp 5 công nhân trên công trình nâng cấp và cải tạo đường 9 xuyên Á, khi đang nén đất, bom bi phát nổ làm 2 người chết, những người khác bị thương và mất hoàn toàn khả năng lao động...

Đội rà phá bom mìn di động tỉnh Quảng Trị đang xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Mới đây, người dân Quảng Trị lại bàng hoàng trước cái chết của 2 anh em ruột người dân tộc Vân Kiều là Hồ Li Va và Hồ Văn Na trú ở bản Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Để kiếm sống bằng nghề tìm phế liệu, 2 anh em Va và Na đã đánh đường sang tận Bản May, thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào) để hành nghề. Sau khi tìm được 1 trái bom, 2 anh em đã cùng với 2 người Lào ngồi cưa để lấy kim loại bán, đang cưa thì bom phát nổ, cả 2 anh em Va và Na chết ngay tại chỗ, còn 2 người Lào bị trọng thương.

Gần đây nhất là cái chết của anh Lê Hữu Hà ở thôn Bình Tiến, xã Gio Bình, huyện Gio Linh (Quảng Trị), anh Hà chết khi đang cưa bom để bán phế liệu, quả bom nổ có sức công phá quá lớn làm người dân thôn Bình Tiến phải mất gần 20 tiếng đồng hồ mới đi nhặt nhạnh những phần cơ thể của anh. Đau đớn nhất là anh Hà mất đi để lại trên cõi đời này người vợ cùng với 3 đứa con thơ...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay những người bị nạn do bom mìn ở Quảng Trị là 7.024 người (chiếm 1,2% dân số Quảng Trị), trong đó có 2.618 người chết (31% nạn nhân tử vong là trẻ em). Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay đã có hơn 30 người chết vì bom đạn, trong đó có 14 trẻ em… Quảng Trị được đánh giá là mảnh đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đứng đầu cả nước.

Hiện nay, 83,8% diện tích đất (đa phần là đất nông nghiệp) ở tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm bom, mìn. Trong đó, huyện Đakrông có tỷ lệ bom, mìn sót lại sau chiến tranh cao nhất nước, 97% diện tích đất. Có những xã như xã Hải Thái của huyện Gio Linh từ 1975 đến nay đã có 100 người chết và 32 người bị thương vì tai nạn bom mìn. Cả nước ta từ 1975 đến nay có 38.000 người chết và hơn 100.000 người bị thương vì bom mìn sót lại sau chiến tranh...

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Hiện nay Việt Nam còn 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh, chủ yếu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Với năng lực hiện tại, mỗi năm rà phá, dọn dẹp, làm sạch được 20.000 ha đất. Như vậy, theo tính toán phải mất 300 năm nữa cộng với khoản kinh phí khoảng 10 tỷ USD mới giải quyết xong vấn nạn ô nhiễm bom mìn.

Trong nỗ lực hàn gắn những nỗi đau do chiến tranh để lại, lần lượt các tổ chức như: Pcace trees (tổ chức phi chính phủ Mỹ); tổ chức “Những người bạn Mỹ”; tổ chức Oxpam Hồng Kông; tổ chức Sodi/Gerbera; Dự án “khôi phục môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh” (Restore the Evironment and Neutralize the Effects of War – RENEW) do Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tài trợ; Quỹ liên kết Nhật Bản – ASEAN; Tổ chức Trauma care Foundation/TCF/TMC (Na Uy)... và những nhóm cố vấn về bom mìn đã có mặt tại Đông Hà (Quảng Trị) để tháo gỡ bom mìn và trợ giúp về mặt kỹ thuật...

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về mối nguy hiểm khi tháo gỡ bom mìn và rà tìm phế liệu chiến tranh một cách bừa bãi. Nhiều cơ quan hữu trách cũng đã lên tiếng ngăn chặn, răn đe. Nhiều vụ buôn bán trái phép chất nổ (thuốc bom) đã bị đưa ra xét xử rất nghiêm khắc, vậy mà kết quả vẫn luôn là chuyện phải bàn.

Không ai trong số chúng ta có thể đoán biết được rằng, hiện tại còn bao nhiêu tấn đạn bom đang lặng yên giấu mình trong lòng mảnh đất nhỏ bé này. Và tất nhiên cũng không có người nào dám quả quyết rằng sẽ không còn những cái chết “bất đắc kỳ tử” xảy ra. Một khi mà những đoàn người đi rà tìm phế liệu vẫn ngày ngày kéo nhau tìm đến những cánh rừng, những quả đồi vùng nhiệt đới. Nói về vấn nạn này chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự đói nghèo, khốn khó, mà cũng cần lưu tâm một cách sâu sắc đến ý thức nhân mạng của con người…

Xin được kết thúc bài viết này bằng một thông tin đã được đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị thông báo: Ngày 16/3/2016, đơn vị này vừa xử lý xong một “bãi đạn pháo” với số lượng lên đến hơn một ngàn quả và nằm lẫn ngay trong khu tập kết rác thải sinh hoạt của khu dân cư tại khu vực thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Sau khi kiểm đếm, “bãi đạn pháo” này có 1.067 quả các loại, gồm rocket 70 mm, pháo 122 mm, đạn cối 120 mm, đạn M79... Toàn bộ số đầu đạn này đều chưa nổ và thuộc các chủng loại có khả năng sát thương cao. Nhận định ban đầu, rất có thể số đạn pháo này là do các chủ vựa phế liệu do không tiêu thụ được nên đã lén vứt ra bãi rác cộng đồng thuộc khu vực Cổng Trời, thuộc khóm Trung Chính, thị trấn Lao Bảo...

Bảo Thy
.
.
.