Chống khủng bố khó giúp Donald Trump thắng cử

Thứ Hai, 27/06/2016, 14:40
Mặc dù trong bài phát biểu chống chủ nghĩa khủng bố đưa ra chỉ một ngày sau vụ xả súng, ông Trump cố chứng minh cho nhiều người thấy ở ông hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhưng chỉ sau vài câu, vị tỉ phú này lại một lần nữa gây tranh cãi khi kêu gọi cấm người nhập cư đến từ những nước có liên quan tới Hồi giáo cực đoan.

Có thể nói, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ (gần như chắc chắn) của đảng Dân chủ và Cộng hòa bà Clinton lẫn ông Trump đã thành công trong nỗ lực giành được số phiếu cần thiết để trở thành người đại diện cho đảng của mình trong cuộc tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, càng đến thời điểm gần diễn ra đại hội toàn quốc của mỗi đảng vào tháng 7 tới, tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên này có chiều hướng thay đổi, đặc biệt sau khi nước Mỹ trải qua một trong những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử, khiến dư luận quan tâm đến giải pháp của mỗi bên nhằm giải quyết vấn đề.

Ngày 12/6, một kẻ thề trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tấn công một hộp đêm của người đồng tính ở Orlando, bang Florida, làm 49 người chết và 53 người bị thương. Chính vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử này đã trở thành vấn đề mới để hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ và Cộng hòa công kích nhau trong trên mọi diễn đàn nhằm tăng tỷ lệ cử tri còn đang lưỡng lự.

Donald Trump, người gần như chắc chắn là ứng cử viên Tổng thống đề cử của đảng Cộng hòa, đã có phát biểu mạnh mẽ về chống chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công ở Florida. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tuyên bố "hùng hồn" này không giúp ông tiến vào Nhà Trắng.

Ông Trump đã không chần chừ thể hiện quan điểm cứng rắn về chống khủng bố trong bối cảnh người Mỹ đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán để bảo vệ đất nước an toàn. Thế nhưng cùng với phát biểu này, ông cũng kêu gọi chặn đứng dòng người di cư đến từ những nước có liên quan đến khủng bố, một tuyên bố gây tranh cãi ở quốc gia được hình thành bởi người nhập cư.

Tỉ phú người Mỹ đã tạo ra sự phấn khích đối với những thành viên bình thường của đảng Cộng hòa theo một cách thức mà đảng này chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỉ qua; thế nhưng tỉ lệ phản đối ông Trump vẫn ở mức rất cao. Nói cách khác, nhiều người rất ghét kiểu chứng tỏ uy quyền bằng những tuyên bố mạnh miệng và họ cũng dị ứng với cách nói năng chẳng giống với một vị tổng thống chút nào của ông Trump.

Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Brookings, ông Darrell West đã nhận xét rằng: "Trong khi nói về khủng bố, Trump đã quá sa đà vào việc khơi lại ý tưởng cấm cửa người Hồi giáo. Điều này chỉ củng cố thêm quan điểm chính trị cực đoan của ông ấy".

Mặc dù trong bài phát biểu chống chủ nghĩa khủng bố đưa ra chỉ một ngày sau vụ xả súng, ông Trump cố chứng minh cho nhiều người thấy ở ông hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhưng chỉ sau vài câu, vị tỉ phú này lại một lần nữa gây tranh cãi khi kêu gọi cấm người nhập cư đến từ những nước có liên quan tới Hồi giáo cực đoan.

Có thể quan điểm này được đám đông những người ủng hộ tán thưởng, thế nhưng những cử tri độc lập chắc hẳn sẽ bỏ ngoài tai chính sách mà nhiều người cho rằng gây bất công đối với người nhập cư chẳng có liên quan gì đến chủ nghĩa khủng bố. Theo giới phân tích, những tuyên bố kiểu như vậy không giúp giảm tỉ lệ phản đối ông Trump hiện ở ngưỡng 70% - mức cao nhất đối với một ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa từ trước đến nay.

Ông Donald Trump thể hiện quan điểm khác hẳn ông Obama và bà Clinton sau vụ xả súng ở Orlando.

Cách tiếp cận như của ông Trump sẽ khiến cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ - mà đa phần là người ôn hòa, thành công, không quan tâm sâu đến chính trị, bị cô lập. Nó cũng có thể sẽ nuôi dưỡng thêm sự cảm thông đối với những ý tưởng cực đoan. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, quan điểm cứng rắn về khủng bố có lẽ không giúp ông Trump thu hẹp tỉ lệ phản đối, mà còn làm giảm thêm tỉ lệ ủng hộ. Nhẽ ra phải nắm lấy thời khắc để chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo tốt, Trump lại khiến người ta nghi ngờ ông không có khả năng lãnh đạo trên cương vị  "Tổng tư lệnh".

Hơn nữa, nhiều người Mỹ nhìn nhận vụ sả súng dưới góc độ kiểm soát súng đạn, chứ không phải là vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Dù thủ phạm Omar Mateen từng tuyên bố trung thành với  IS, nhưng ứng cử viên tổng thống mà đảng Dân chủ đề cử, bà Hillary Clinton, lại nhấn mạnh đến yếu tố cần phải có luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Cùng một vụ việc giờ xuất hiện hai cách lý giải - một bên xem các điều luật lỏng lẻo về kiểm soát súng là nguyên nhân, bên kia đổ lỗi cho tư tưởng Hồi giáo cực đoan được phát tán trên mạng Internet. Theo các nhà phân tích, những diễn biến mới nhất này rõ ràng đang gây bất lợi cho ông trùm bất động sản. Bằng chứng là hôm 20/6, ông Trump đã phải sa thải người quản lý chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski nhằm tìm kiếm một lực đẩy mới trong cuộc chiến với bà Clinton, người rõ ràng đang có một chiến dịch vận động chiếm ưu thế hơn, xét cả về mặt tài chính và tổ chức. Tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò mới đây đang ngày càng đi xuống, và các lãnh đạo đảng Cộng hòa đang tiếp tục bày tỏ mâu thuẫn xung quanh việc để ông làm người đại diện tranh cử tổng thống.    

Có vẻ như mây đen sắp bao trùm đại hội đảng Cộng hòa khi khoảng 400 trong tổng số 2.472 nghị sĩ đảng này, những người chính thức bầu chọn ứng cử viên tổng thống, đã bày tỏ sự ủng hộ một động thái ngăn chặn ông Trump trở thành ứng viên chính thức của Cộng hòa.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.