Kia
Mobifone

“Văn hóa đọc” của giới trẻ

Thứ Năm, 22/04/2021, 13:40
Những ngày qua, đã có nhiều hoạt động chào mừng ngày 21 tháng 4 (“Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”) và ngày 23 tháng 4 (“Ngày Sách và Bản quyền thế giới”). Không chỉ tại thời điểm này mà từ nhiều năm nay, trên các diễn đàn, vẫn nóng lên một vấn đề nhức nhối: “Văn hoá đọc” của giới trẻ hiện nay.


Sự thực, có phải người trẻ lười đọc? Trong khi có vô số những cuốn sách vẫn được đều đặn in và bán ra thị trường. Vậy nếu như không đọc thì những cuốn sách đấy đi đâu? Ai là người đã mua chúng? Và mua để làm gì? Thực trạng hiện nay, người ta thường đọc cái gì, ở đâu?

Nếu không đọc thì những cuốn sách đấy đi về đâu?

“Sách cũ, giấy đen, không còn đọc được nhưng nó lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời. Nó là kỷ niệm, là nhắc nhớ, là những cuốn sách không phải để đọc mà để nghĩ ngợi, để suy tư, để ngẩn ngơ cùng năm tháng đời người. Bán chúng làm chi. Vì giữ chúng thì chật nhà nhưng không có chúng, cuộc đời ta bỗng hoá ra buồn tênh, trống rỗng...” - Đọc những dòng chia sẻ về sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi lại nhớ về một thời chưa xa, khi đấy nằm trên căn gác nhỏ, dưới ánh đèn điện tù mù, dòng điện không ổn định của thời bao cấp, bên cái quạt tai voi, muốn đọc sách phải chờ sau 10h tối, ánh đèn điện mới có thể sáng lên. Từng con chữ in trên trang giấy màu đen nhỏ xíu và cũ xỉn nhưng lại có sức hấp dẫn đến kì lạ. Đó là những quyển sách “ma thuật” và sức thôi miên thì khủng khiếp. 

Giới trẻ ngày nay đọc gì?

Đã có nhiều câu chuyện về những nghiên cứu sinh, khi về nước, trong va li của họ chỉ có sách và sách. Đúng như ai đó đã nói: “Sách hay cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa, chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều”. Đã có một thời, những thế hệ có những cuốn sách được gối đầu giường. Đó là lý tưởng sống, hay những câu chuyện tình ngọt ngào, thơ mộng. 

Ngày nay, trong thời đại mới, cuộc sống vội vàng và hối hả hơn, lượng thông tin cũng ngập tràn, căng cứng, cái gì rộng quá thì lại không sâu. Người ta mải lướt facebook, hay những tìm kiếm thông tin trên những trang báo mạng. Muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể gõ google. 

Thời đại mới, đọc truyện cũng chỉ cần bật lên nghe nếu bạn kích chuột vào phần nghe kể chuyện. Những cuốn tiểu thuyết hàng mấy trăm trang một thời lừng danh, hiện diện là một tác phẩm văn học đích thực đã làm thổn thức biết bao thế hệ độc giả thì nay được tóm gọn trong vài chục trang và được kể bằng một câu chuyện tranh, văn chương bị biên tập, cắt gọn đi rất nhiều đến độ méo mó, dị hợm. 

Lý giải cho vấn đề này, người ta bảo giới trẻ ngày nay không thích đọc nhiều, chúng thích vắn tắt và vì mỗi thời mỗi khác. Sự thực là do không có thời gian hay còn những lý do nào khác? Hãy cùng các nhà nghiên cứu để đi tìm hiểu thực hư của vấn đề: “Văn hoá đọc hiện nay ra sao?”.

Đọc trên mạng có nhiều thuận lợi - Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

- Vài năm trở lại đây người ta bàn nhiều về sự “tấn công” của internet và các loại hình giải trí khác nên “văn hoá đọc” trở nên xa lạ với nhiều người, nhất là giới trẻ. Chính vì vậy mà tại kì họp Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Thư viện quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”.

+ Ồ! Chúng ta đang bàn đến tầm quan trọng, làm gì để cuộc sống con người trở nên hữu ích và có ý nghĩa? Có một thứ mà chúng ta không thể không định lượng, đó là về thời gian. Thời gian là cái hữu hạn, có thể với người này sống rất thọ, và người kia sống ngắn ngủi. Vậy thì sử dụng thời gian là việc cực kì quan trọng. Giới trẻ, người trưởng thành, người già có những nhu cầu về thời gian rất khác nhau. Và “văn hoá đọc” chúng ta đang đề cập đến là “văn hoá đọc sách”. Vấn đề đặt ra là, với khối lượng thời gian ấy thì cách đọc như thế nào để phát huy được hiệu ứng của việc đọc.

- Thời xưa người ta thường hay nói đến sách gối đầu giường, nhưng thời nay gối đầu giường của đại đa số bạn trẻ lại là cái Smartphone ...

+ “Văn hoá đọc sách” là nhu cầu tự thân của con người do sở thích, ý muốn, nhu cầu xã hội. Có thể nói, những cuốn sách hay là vào thời kì đất nước có những bước chuyển rất lớn trong giai đoạn lịch sử. 

Đã có một thời kì, cuốn “Trai nước Nam làm gì?” của Hoàng Đạo Thuý là sách gối đầu giường của cả thế hệ thanh niên nước Nam. Đó là vì cuốn sách được viết vào thời kì cả nước hướng đến tinh thần yêu nước, và lúc đấy, nhiều người hoạt động trong phong trào thanh niên, trong đó có phong trào Hướng đạo sinh. Và quyển sách đấy đã đánh đúng tâm thức giới trẻ. 

Thời trẻ của chúng tôi cực kì thích nhân vật Pavel Korchagin trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, văn học Nga, ảnh hưởng cực kì sâu sắc. Những cuốn sách đánh động vào tâm hồn, vào lúc người ta đang khao khát một cái gì đó. Thời kì nào cũng cần có những cuốn sách gối đầu giường. Đây là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

- Quan sát việc đọc ngày nay, ông thấy có đáng báo động không?

+ Tôi thấy thế này, đọc trên mạng cũng gọi là đọc, chứ không phải là bắt buộc phải cầm quyển sách trên tay mới gọi là đọc. Chúng ta phải định nghĩa về “đọc” đã. Bạn nghe một người đọc thơ thì đấy cũng là “văn hoá đọc”. Đọc có nhiều hình thức khác nhau. Đọc quyển sách in trên giấy, đọc trên màn hình, nghe đọc cũng là “văn hoá đọc”. 

Đọc sách đôi khi đọc từ đầu đến cuối hoặc là chỉ đọc những gì mình quan tâm. Như tôi đã nói, thời gian là thứ quý báu, nên với nhiều người chỉ đọc những gì có lượng thông tin hữu ích với người đó. Sách giá thành quá cao, nhiều bạn trẻ còn đang trưởng thành, tiêu thời gian và tiêu đồng tiền như thế nào? Cái khó nhất của giới trẻ hiện nay là không có tiền. Thư viện thì ngại đến. Tốt nhất là đọc trên mạng. 

Đọc ở trên mạng có nhiều thuận lợi là có thể đọc ở bất kì đâu, bất cứ khi nào, và cái gì không cần đọc thì bỏ qua nhưng hiệu ứng nó thế nào thì còn phải bàn. Bởi vì cuốn sách in vẫn có phương thức tiếp cận riêng, và bản thân cuốn sách có giá trị riêng. Nên tôi cho việc đánh giá nhìn nhận lại làm sao phải thật khách quan, chứ đừng nói rằng giới trẻ không chịu đọc.

Bảo con đọc sách, nhưng bố mẹ suốt ngày chỉ nói chuyện tiền - Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

- Là một người từng ở chiến trường và sống trong nhiều giai đoạn lịch sử, ông thấy “văn hoá” đọc hiện nay ra sao?

+ Chưa có lúc nào mà sách lại được in ấn nhiều và đẹp như hiện nay. Số lượng sách hằng năm vẫn bán ra đều đều, nếu không bán được thì các công ty tư nhân họ không xuất bản sách để làm gì. Điều đáng nói là anh mua sách với mục đích gì? Tôi biết có rất nhiều anh, từ quan chức cho đến doanh nhân, nhà có nguyên một phòng đọc sách. Tủ sách chăng kín phòng. Đua nhau làm tủ sách cao từ dưới đất lên đến tận trần, bằng đủ các loại gỗ quý, kiểu dáng sang trọng. Đấy là thời thượng, anh làm ra vẻ giống trí thức, nhưng sách đấy là để trưng bày, để làm cảnh, chứ không phải để đọc.

- Ồ, nghe có vẻ rất tiêu cực, nhưng hiện thực này không phải không có?

+ Bây giờ người ta cứ nhắc nhiều đến “văn hoá đọc”, thử làm thống kê xem ở cơ quan có bao nhiêu lãnh đạo, thủ trưởng chịu đọc sách. Liệu một tháng, một năm, một đời đọc được bao nhiêu cuốn? Lãnh đạo, thủ trưởng đã vậy thì làm sao nói được nhân viên.

Ngay như ở nhà, bố mẹ cứ than phiền là con nó ham chơi không chịu đọc sách. Thử hỏi lại: Bố mẹ có đọc sách không? Câu trả lời là không. Nhà nào mà bố mẹ không yêu sách, không đọc sách, đừng mong con đọc sách. Nếu ngược lại thì tỷ lệ ấy cực thấp và đứa con phải có thiên tư rất kinh khủng thì mới khác với bố mẹ. 

Thứ hai là ở nhà, bố mẹ có sử dụng tivi, cho con chơi Ipad thả cửa thì làm sao đứa trẻ còn thích sách nữa. Những đứa trẻ thích xem tivi, thích xem điện thoại, nó sẽ không thích sách, hoặc có thích thì rất ít. Vậy cách làm để cho trẻ thích sách, rất đơn giản là hãy dẹp bớt tivi và phương tiện nghe - nhìn trong nhà. Vì các phương tiện nghe - nhìn với trẻ con là phương tiện giải trí. 

Khi con đọc sách, bố mẹ cũng phải cầm sách lên mà đọc, để thấy bố mẹ thật sự trân trọng tri thức. Hoặc là bố bảo con: “Con đọc sách đi”, trong khi bố mẹ thì suốt ngày chỉ nói chuyện về tiền, chả bao giờ thấy động đến cuốn sách. Trẻ con quan sát người lớn rất kĩ, cho nên bố mẹ không yêu sách, không trân trọng sách, không trân trọng những người làm ra sách thì đứa con vô thức bị tiêm nhiễm môi trường văn hoá đó.

- Theo quan sát của ông, ông thấy độc giả hiện nay thích đọc cái gì?

+ Bây giờ người ta hay đọc cái gì à? Ra hiệu sách thì thấy người ta tìm đến cuốn dạy làm giàu, vì cả thời đại mà ai cũng mong ngóng để giàu, nên đổ xô đi mua sách dạy làm giàu, kiểu như cuốn sách có cái tít như: “Khát vọng tỷ phú” hay “Tham vọng đổi đời”. Bật mạng lên là đủ các thứ tội ác, từ lừa đảo, giết người, cưỡng dâm, rồi đến ngôi sao mới nổi ăn gì, ở đâu, yêu ai… Đủ các thứ giật tít câu like. 

Văn học - nghệ thuật hiện nay đã bỏ quên yêu cầu là nâng đỡ tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên như trong thời chiến tranh, mà ngược lại, đang bình thường hoá tội ác và những điều tầm thường. Trong cuộc sống, điều tốt đẹp vẫn phải nhiều hơn, người tốt vẫn rất nhiều. Tại sao các tác phẩm lại cứ phải đi vào cái xấu, cái tiêu cực? Tạo dựng cho thế hệ trẻ một môi trường văn hoá lành mạnh là cách giáo dục tốt nhất.

Cán bộ thư viện phải là người hướng dẫn cho người đọc sách - Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Quốc Vương

- Hỏi về “văn hoá đọc” thì thật là không ai thích hợp hơn anh, một người khá nổi trong những diễn đàn gần đây, người ta gọi anh là “Người truyền cảm hứng văn hoá đọc”. Là một nhà nghiên cứu văn hoá từ Nhật Bản về Việt Nam, đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, anh thấy “văn hoá đọc” của người Việt và người Nhật có điểm gì khác biệt?

+ Số liệu mới nhất Tổng điều tra dân số Nhật Bản với đối tượng từ 16 tuổi trở lên (hết độ tuổi trẻ em) thì có 53% dân số Nhật trả lời trong vòng 1 tháng qua có đọc 1 cuốn sách. Và người Nhật kết luận là so với thập niên 90, người Nhật đang xa rời “văn hoá đọc”. Nước mình, chỉ cần có 50% trong số đó đã là mơ ước, nhưng đối với nước Nhật lại là báo động. Trước đó, những năm 90, trung bình 1 người Nhật đọc 40 cuốn sách/năm. Bây giờ là 10 đến 12 cuốn/năm. Lý do người Nhật và người Việt giống nhau là sự “tấn công” của các phương tiện nghe nhìn, trong đó có internet.

Nước Nhật không có Luật Xuất bản, chỉ có Luật Bản quyền. Do vậy, cá nhân tác giả và nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm với ấn phẩm. Họ có thể in tất cả mọi thứ nhưng bị giới hạn vào luật gọi là Xuất bản phẩm có hại cho thanh thiếu niên. Sách nào có hại thì không cấm nhưng bị giới hạn chỗ bán và giới hạn độc giả. Ví dụ như sách 18+ có hại thì không bao giờ đưa vào thư viện trường học. Và ai mua ấn phẩm đó thì chấp nhận bị ghi hình bằng camera, nếu xảy ra vấn đề gì phải tự chịu trách nhiệm.

- Là người truyền cảm hứng cho việc đọc, anh có lời khuyên gì cho những người muốn gần gũi với sách.

+ Đọc sách phải bằng hoặc nhiều hơn việc ăn, ngủ. Ta phải sống với sách như ta đang hít thở ôxi vậy. Bất kì chỗ nào đọc được thì chúng ta cũng đều phải đọc chứ đừng đợi có bộ bàn ghế mới ngồi đọc, hoặc nằm trên giường đắp chăn đến ngang ngực mới đọc sách. Đọc sách trong tư thế đấy là tư thế sẵn sàng cho việc ngủ. Tôi đọc sách là đọc ở xe buýt, nơi mà tôi chán nhất, nên làm mình phải tập trung chú ý vào câu chữ. Đọc ở bất kì chỗ nào, đợi bạn ở quán café: Giở sách ra đọc; đợi người yêu: ngồi đọc sách; đợi đón con tan trường: đọc. Đọc bất cứ khi nào ta có thời gian 10 phút, 5 phút, kể cả ở nhà ga, phòng khám, phòng chờ hộ chiếu.

Nếu chỉ đọc không thôi thì sẽ chán như nói chuyện, gặp gỡ mãi với một người giỏi mấy cũng sẽ chán. Đọc phải đọc trong hệ sinh thái: Nói, đọc, viết, suy tưởng, suy ngẫm, vận dụng và hành động. Đọc xong, phải nói cho người khác, chúng ta có Facebook, blog, nhật kí.

- Nhiều người nói “Đọc sách nhiều chỉ thành mọt sách thôi”.

+ Tôi khẳng định ở Việt Nam hiện nay không có ai là mọt sách, mà ông nào là mọt sách thì ông ấy là vĩ nhân. Nguyễn Trãi có phải là mọt sách không? Lê Quý Đôn có phải là mọt sách không? Nguyễn Bỉnh Khiêm có phải là mọt sách không? Phan Chu Trinh có phải là mọt sách không? Toàn những vĩ nhân cả. Hoạ chăng trong đời sống hiện nay, cái người đang được gọi là “mọt sách” thực ra anh ta là một anh học gạo chứ không phải là “mọt sách”. Mọt sách là thấy sách phải đọc, mà đọc ngay lập tức, chứ chỉ đọc sách luyện thi thì làm gì gọi là mọt sách. 12 tháng đọc 12 cuốn. Mỗi năm đại học đọc được 5 cuốn giáo trình. 

Tôi dạy đại học tôi biết, sinh viên 4 năm đọc 20 cuốn. Đọc sách như gạch, đá, cát, sỏi ta để trong não nhớ làm gì, nhưng khi cần giải quyết vấn đề, bộ não sẽ tự phân định, giác quan sẽ dò tìm, cũng như là anh nhà thơ, không phải là ngồi vào bàn mà viết ra thơ. Nhà toán học Ngô Bảo Châu bảo: bài toán giải mãi không giải được, đến một giây nào đó lại giải được. Các nhà khoa học đều trải qua giây phút ấy. Đọc sách chưa quen sẽ đóng tất cả các giác quan. 

Hiện trạng hiện nay ở trường học, không phải người trẻ nào cũng không chịu đọc. Có những bạn đọc rất nhiều, nhưng toàn đọc Conan và Đôremon thôi. Thực ra truyện tranh cũng không xấu. Truyện tranh là một thể loại truyện rất là rộng, truyện tranh dành cho trẻ em, truyện tranh học tập. Truyện tranh học tập như đọc để hiểu lịch sử thế giới.

- Theo anh, để “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam” trở nên có ý nghĩa thiết thực, có nên chăng việc đọc sách này nên đưa vào tiết học chính thức, bắt buộc, hoặc các buổi học ngoại khoá mang tính chất cổ vũ ở nhà trường?

+ Trường học chúng ta chưa hấp dẫn vì thư viện chưa hấp dẫn. Ở nước ngoài, người ta nói thư viện là trái tim của trường học. Thư viện là trái tim của thành phố. Thư viện quốc gia là trái tim của đất nước. Thành phố nào, đất nước nào, nơi nào đẹp nhất là của thư viện, người cán bộ oách nhất là của thư viện thì đất nước ấy phát triển được. 

Tôi đi tìm trường cho con tôi, từ giáo viên đến Hiệu trưởng khoe tất cả các ưu điểm của trường, nhưng có thứ đáng nhẽ phải khoe với tôi thì lại không khoe được, đó là thư viện. Cả thư viện của một trường tiểu học chất lượng cao, sách chỉ bằng 1/3 số sách của con tôi sở hữu ở nhà chứ chưa nói đến sách của tôi. 

Tôi mới hỏi cô thủ thư: “Trường cô có biện pháp gì để hấp dẫn học sinh?”, thì cô ú ớ không trả lời được. Mà tôi xem sách, vẫn là những cuốn sách rất cũ từ lâu rồi. Bây giờ trẻ con không đọc sách đó nữa. Đọc nó không vào.

- Vâng, thư viện chính là nơi lưu giữ vùng trời tri thức, là nơi mà người ta có thể khám phá những bí ẩn của vũ trụ, của tâm hồn con người thông qua những trang sách...

+ Bao giờ lãnh đạo các cấp, các ngành coi người cán bộ thư viện là linh hồn của tổ chức mình thì lúc đấy “văn hoá đọc” mới thật sự được coi trọng. Ở mình, cán bộ thư viện trong các cơ quan khi họp bao giờ cũng ngồi ở hàng ghế cuối cùng, mặt buồn xo và không dám phát biểu gì. Cán bộ thư viện toàn làm những việc vặt, lon ton. Lãnh đạo bảo: “Đi lấy cho tôi chén nước” là cán bộ thư viện cun cút đi lấy. 

Thư viện lẽ ra phải có 3 chức năng: Trung tâm thông tin; trung tâm đọc sách và trung tâm học tập. Người thủ thư của thư viện không phải là người chỉ lấy sách cho mượn, quản lý sách. Cán bộ thư viện còn phải là người khai sáng văn hoá vùng đó, phải là người hướng dẫn cho người đọc sách. 

Ở nước Nhật có hai loại người thủ thư. Thủ thư trường học là người được huấn luyện nghiệp vụ thư viện và người thứ hai là thủ thư giáo viên, có nghĩa là phải có bằng hành nghề giáo viên xong, sau đó học thêm một lớp đặc biệt để trở thành thủ thư. Người đó cùng với thủ thư trường học sẽ giúp cho giáo viên. Họ sẽ đưa ra lời tư vấn: Dạy môn này nên đọc sách gì. Hay học sinh bảo: “Em làm bài tập thấy khó” họ sẽ khuyên học sinh đọc tác giả nào. Thư viện nào thu hút được bạn đọc, thư viện ấy sẽ có sức mạnh nền cực lớn.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)

.