Hội nghị Thượng đỉnh G20: Cơ hội và thách thức

Thứ Tư, 07/09/2016, 16:20
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 11 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, với kế hoạch hành động nghị trình phát triển bền vững đến năm 2030 nhằm giải quyết vấn đề thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa ra phương án mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.

Mặc dù cơ hội cho kế hoạch này được đánh giá khá lớn, song liệu Trung Quốc có thực hiện được mục tiêu này trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với quá nhiều khó khăn hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nếu có thể đưa ra một đáp án làm hài lòng thế giới, chắc chắn cũng không hề đơn giản.

G20 - Cơ hội mới cho kinh tế toàn cầu?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc, sự thay đổi trong việc quản lý toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển hướng quan trọng. Giới phân tích cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, rất có thể sẽ là cơ hội mới cho sự thay đổi quản lý toàn cầu. Với việc có sẵn “thiên thời” và “địa lợi”, Hội nghị G20 có hy vọng thực hiện “nhân hòa” hơn nữa, tập trung sự đồng thuận và sức mạnh của các nước, xây dựng cơ chế ổn định kinh tế toàn cầu kiểu mới “1+1+20” để hỗ trợ sự phục hồi, đứng vững của nền kinh tế thế giới.

Thiên thời: Sự ổn định trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm nhất trong nền kinh tế thế giới hiện nay. G20 là một cơ chế quan trọng để quản lý kinh tế toàn cầu, được giao trọng trách đối phó với các rủi ro, giữ ổn định cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới, củng cố sự phục hồi kinh tế thế giới cũng là một chủ đề chính của hội nghị lần này. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, căn bệnh trầm kha của nền kinh tế ngày càng nặng hơn.

Nguồn lực ổn định của toàn cầu gần như cạn kiệt trên ba phương diện, đặt ra những thách thức lớn đối với G20.

Địa lợi: Trung Quốc có hy vọng trở thành “cỗ máy ổn định” của nền kinh tế toàn cầu. Trong môi trường chính trị và kinh tế hiện nay, ổn định đã trở thành một ưu tiên trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu, cần các nước lớn phải tích cực tham gia quản lý toàn cầu, cung cấp nguồn lực ổn định hiện đang khan hiếm cho G-20 và thế giới. Là nước chủ nhà của Hội nghị G20 năm nay, Trung Quốc với năng lực đầy đủ, vị thế quan trọng và mong muốn tích cực, sẽ trở thành “cỗ máy ổn định” đáng tin cậy của nền kinh tế thế giới.

Nhân hòa: G20 Hàng Châu hứa hẹn đưa ra cơ chế ổn định kinh tế toàn cầu kiểu mới. Thời cuộc hỗn loạn, toàn cầu bất ổn, sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải không nhân cơ hội này theo đuổi địa vị “mẫu quốc”, càng sẽ không đặt lợi ích của mình lên trên nước khác.

Ngược lại, với tư cách nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Trung Quốc cùng các nước trên thế giới hình thành một cộng đồng lợi ích, cộng đồng trách nhiệm và cộng đồng chung vận mệnh, thông qua cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu bình đẳng, công bằng và hiệu quả để tăng cường vai trò “cỗ máy ổn định” của Trung Quốc. Do đó, G20 Hàng Châu hứa hẹn hình thành một cơ chế ổn định kinh tế toàn cầu mới “1 + 1 + 20”.

Các đại biểu tham dự G20 chụp ảnh lưu niệm.

Mục tiêu lớn, mâu thuẫn nhiều!

Với mong muốn chấn hưng nền kinh tế toàn cầu nhằm tìm ra những giải pháp, động lực mới, sớm đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng, chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 11 đã đạt được một số kết quả được xem là khá hài lòng như: Tăng cường điều phối chính sách, sáng tạo phương thức tăng trưởng mới; tìm kiếm cơ chế quản lý kinh tế tài chính toàn cầu hiệu quả hơn; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và thương mại toàn cầu; tìm kiếm phương thức phát triển bao dung và liên kết; đầu tư và hạ tầng cơ sở, kết cấu tài chính quốc tế...

Ngoài ra, với nỗ lực của các bên, hội nghị cũng đã nhất trí thúc đẩy xây dựng “Lộ trình sáng tạo tăng trưởng G20”, ban hành “Nguyên tắc chỉ đạo đầu tư toàn cầu G20” và “Chiến lược tăng trưởng thương mại toàn cầu G20”.  Cũng trong dịp này Trung Quốc và Mỹ đã cùng nộp văn kiện phê chuẩn “Hiệp định Paris” về chống biến đổi khí hậu, tham gia kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO2 đến trước năm 2030.

Với tư cách nước chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có hàng loạt cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Obama; Tổng thống Nga Putin; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm.

Song, dư luận cho rằng, những mục tiêu trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu như các nước không xử lý tốt những mâu thuẫn trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống với ứng cử viên Donald Trump gây nhiều tranh cãi, đồng thời Liên minh châu Âu (EU) đang mất đi một trụ cột kinh tế khi Anh quyết định rời khỏi khối này, cuộc khủng hoảng người tị nạn từ hậu quả xung đột triền miên, các vụ tấn công khủng bố, kinh tế nhiều nước ở Mỹ Latinh sụt giảm, thậm chí suy thoái làm thế lực “cánh hữu” phục hồi, tranh chấp lãnh thổ làm gia tăng căng thẳng tại nhiều khu vực ảnh hưởng tới sự hợp tác kinh tế… Tất cả đang làm gia tăng sự phân cực trong chính trị, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, thị trường hướng nội, cảm giác bất ổn, không an toàn, mâu thuẫn và xung đột về lợi ích.

Đó là chưa kể, gần 8 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những tác động từ cuộc khủng hoảng vẫn còn hết sức nặng nề. Nền kinh tế phục hồi kém, các hoạt động trao đổi xuyên biên giới về thương mại, đầu tư, kỹ thuật,… giảm mạnh; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân túy và xu hướng chống người di cư tăng lên.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm 2,4% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với con số 4,8% của năm 2011. Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục đón nhận những thông tin kém khả quan và đối mặt với nhiều rủi ro khi các nền kinh tế chủ chốt tiếp tục cho thấy những bất ổn. Hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Liên Hiệp Quốc dự báo kinh tế thế giới năm 2016 chỉ tăng trưởng 2,4%. Rõ ràng với những thách thức lớn, việc tìm được tiếng nói chung và nhất trí được giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không phải là bài toán dễ.

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G20, Trung Quốc ngoài việc phải thể hiện sự tín nhiệm cao, vừa phải thể hiện thành ý đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp, hiện tượng tài chính quốc tế hỗn loạn xuất hiện, toàn cầu hóa thoái trào, sự phát triển toàn cầu đối mặt với nhiều bế tắc, chắc chắn trách nhiệm của G20 Hàng Châu sẽ còn rất nặng nề.

Nếu không phát huy tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực, xây dựng kinh tế thế giới thực sự “sáng tạo, năng động, kết nối, bao dung”, dùng hai bánh xe “cải cách cơ cấu” và “phát triển sáng tạo” với hai động cơ thương mại và đầu tư nhằm truyền động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, việc thực hiện bất kỳ mục tiêu nào cũng đều trở nên khó khăn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.