Chọn nhân tài cho đất nước: Cần tham khảo cách làm của người xưa

Thứ Năm, 10/09/2020, 09:50
Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc làm cần kíp.


Hàn lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn có đoạn viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc làm cần kíp. Bởi vì kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào ...".

Trong bất kỳ một chế độ nhà nước nào và vào bất kỳ thời đại nào, để bộ máy nhà nước vận hành tốt, làm tròn bổn phận của mình với xã hội đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố có tính quyết định luôn là con người - những người phục vụ trong bộ máy đó. 

Vì vậy, việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật những người phục vụ trong bộ máy nhà nước có ý nghĩa quyết định đến đời sống nhà nước, xã hội, đến từng cá nhân con người trong xã hội.

Khoa bảng Việt Nam xưa (ảnh tư liệu).

Người tài dưới thời phong kiến Việt Nam thường được chọn theo con đường "tiến cử". Mỗi vị quan lớn của triều đình có quyền tiến cử một người tài cho nhà vua. Và nếu đó là kẻ có thực tài thì người tiến cử được khen thưởng, thăng quan tiến chức. Còn nếu tuyển nhầm người "tài hèn đức mọn" thì kẻ tiến cử sẽ bị khiển trách hoặc bị giáng chức, thậm chí mất chức. 

Con đường "chiêu hiền đãi sĩ" thời ấy rất nghiêm ngặt nên việc tìm người tài giỏi làm quan thanh liêm giúp dân giúp nước thường có độ chính xác rất cao…

Trong lịch sử khoa cử nước nhà, kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) gọi là "Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường" cho tới khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919), nước ta có 2.898 người đỗ Đại khoa. 

Vào thế kỷ thứ X, thời nhà Đinh và thời đầu nhà Lê, phong trào Nho học chưa phổ biến trong các tầng lớp nhân dân lao động. Đạo Phật được coi là "Quốc đạo", vì thế đã xuất hiện nhiều bậc cao tăng có kiến thức uyên bác như Ngô Chân Lưu, Quốc Thuận, Sư Vạn Hạnh... Những vị chức sắc Phật giáo này hầu hết đều được triều đình tiến cử làm cố vấn tối cao cho nhà vua.

Bước sang thế kỷ XI, khi kinh thành nước Việt được chuyển về đất Thăng Long, triều đình nhà Lý đã tổ chức chế độ "khoa cử" để tuyển chọn người tài. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên lấy tên là "Minh Kinh Bác Học". Tại kỳ thi này, nhà vua đã chọn được Thủ khoa Lê Văn Thịnh. Tuy nhiên trong suốt 200 năm thống trị, triều đình nhà Lý cũng chỉ mở được 6 khoa thi về Nho học và một khoa thi về "Tam giáo", gồm Nho giáo, Phật giáo và Lương giáo.

Từ thế kỷ XIII trở đi, nhà Trần kế tục sự nghiệp tuyển chọn nhân tài bằng con đường khoa cử từ các triều đại trước đó. Lúc này luật lệ thi tuyển đã đi vào độ chuẩn mực, nền nếp. Kỳ thi thời đó thường chia ra làm "Tam giáp", người thi phải lần lượt trải qua các giai đoạn Nhất giáp, Nhị giáp rồi Tam giáp. Cứ 7 năm thì mở một khoa thi. Trong suốt hai thế kỷ, nhà Trần đã mở tổng cộng được 11 khoa thi "Thái học sinh", chọn ra được 9 vị Trạng nguyên nổi tiếng như:  Mạc Đĩnh Chi, Đào Sư Tích, Nguyễn Hiền ...

Qua chế độ thi cử, triều đình phong kiến Việt Nam đã phát hiện ngày càng nhiều nhân tài cho đất nước. Nhiều vị Tiến sĩ thời đó đã trở thành trụ cột của đất nước. Trong giai đoạn này các chế độ khoa cử không chuộng "hư văn" sáo rỗng. Trong các bài văn sách dự thi Đình đều có tính thời sự, đề xuất nhiều kế sách hay để chấn hưng đất nước, hướng đến mục đích "Quốc thái dân an", trăm họ no ấm hạnh phúc và góp phần giữ vững bờ cõi biên cương, độc lập của dân tộc.

Bước sang thế kỷ XV, vào thời Hậu Lê, nền văn hiến nước ta ngày càng được mở rộng. Vua Lê Thái Tông định kỳ 3 năm mở khoa thi một lần để tuyển dụng người tài. Ông cho phép các sĩ tử có thể dự thi ở 4 trường khác nhau để kén chọn người tài. Suốt chiều dài lịch sử các triều đại phong kiến mấy trăm năm trước đó, không có thời kỳ nào thịnh vượng bằng thời "Hồng Đức" - "Quang Thuận". Đây chính là 2 niên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460 -1498). 

Vào thời Hậu Lê, nhà vua cho mở tổng cộng 29 kỳ thi Đình và đã tuyển chọn được 20 vị Trạng nguyên. Trong số này nổi tiếng nhất là Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Phạm Đôn Lễ và Vũ Duệ... là những bậc hiền sĩ tài danh được lịch sử ghi chép đến ngày nay.

Đến thế kỷ thứ XVI, nhà Mạc cũng tiếp tục chú trọng đến công việc tuyển chọn người tài và mở các khoa thi đúng kỳ hạn. Cứ 3 năm có một khoa thi, bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng được duy trì thi cử đúng hạn. 

Trong suốt triều đại họ Mạc, nhà vua đã cho mở 21 kỳ thi và chọn được 11 vị Trạng nguyên. Trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Thiên là Cụ tổ của Đại thi hào Nguyễn Du sau này. Ngoài ra thời kỳ này cũng đã xuất hiện các nhân tài như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Phạm Trấn… vang bóng một thời.

Trạng Nguyên ngày xưa là người tài của đất nước (tranh minh họa).

Thời vua Lê Trung Hưng, triều đình cũng chọn nhân tài qua đường khoa cử, nhưng do sự tín nhiệm của người dân bị giảm sút nên nhiều khoa thi chỉ tìm được khoảng 10 người đậu Tiến sĩ. Thậm chí có khoa thi chỉ chọn được một vị Tiến sĩ duy nhất. 

Những năm đầu của triều đại này vẫn còn giữ được nền nếp thi cử, nhưng càng về sau càng tổ chức sơ sài và quy chế thi cử không nghiêm nên nhiều sĩ tử gian lận, mang theo cả bài làm sẵn và tài liệu vào trường thi để sao chép. Từ đó nhân tài cứ lụi tàn dần, vàng thau lẫn lộn. 

Mãi đến năm 1660, triều đình mới chấn chỉnh nội quy thi cử, nhưng lại thiếu triệt để, vì thế vấn nạn gian lận trong thi cử vẫn cứ tồn tại.

Nhận xét về sự nghiệp "khoa trường" thời kỳ này, nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong "Kiến Văn Tiểu Lục" như sau: "Đặt khoa cử, tuy có thi tứ, phú sách, luận, thể thi văn hoa, thể thi chất thực, thể chế khác nhau nhưng tóm lại chỉ là dùng lời nói suông ứng đối lại ...". Ông còn đả kích lối văn "bác cổ" là thứ "trang sức phù phiếm", không quan hệ đến việc nước việc dân... 

Từ năm 1727 trở đi, chế độ quan trường không được công bằng, tệ tham ô hối lộ trong thi cử đã dẫn đến việc tuyển chọn nhiều người thiếu đức, kém tài. Tuy vậy, thời kỳ này lại may mắn xuất hiện những sĩ phu nổi danh như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Phùng Khắc Hoan, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Thiếp, Vũ Huy Tần... 

Sau này một số sĩ phu nói trên đã theo lời hiệu triệu của nhà Tây Sơn tập hợp thành những mưu sĩ đầu quân cho Nguyễn Huệ - Quang Trung đánh đuổi quân ngoại xâm phương Bắc, thồng nhất nước nhà.

Nghĩ lại lời mở đầu trong tác phẩm "Bình Ngô Đại cáo", thi hào Nguyễn Trãi từng viết: "Nước Việt Nam ta từ trước đến nay thời nào cũng có nhân tài, hào kiệt". Tuy vậy do cơ chế tuyển chọn khác nhau, sự tâm huyết đối với dân với nước cũng khác nhau, nên nhân tài nước Việt cũng có lúc thịnh, lúc suy.

Tuy nhiên có thể nói rằng, trong lịch sử dân tộc, tuy không phải là tất cả nhưng phần lớn các nhà khoa bảng đã từng giữ những chức vụ khác nhau trong triều đình của các triều đại và mỗi người trong số họ đã từng là một điểm sáng văn hóa tạo thành giá trị của nền văn hiến vẻ vang mà các thế hệ ngày nay đang kế thừa.

Hướng tới việc tìm kiếm, đề cử người có tài, có đức cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 - 2021 sắp tới, thiết nghĩ với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, không lý gì chúng ta không làm được như người xưa. 

Nhân tài luôn là nguồn lực, là chìa khóa của mọi sự phát triển. Và như cách nói của người xưa, đó là gốc rễ của sự nghiệp chấn hưng đất nước. Muốn có nhân tài giỏi, thì trước hết phải có một nền giáo dục hoàn thiện, một cơ chế tuyển chọn, đề cử có trách nhiệm cao, đặc biệt là tính kỷ cương và tính nhân văn. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ sản sinh ra những "nhân tài giả", những "Tiến sĩ giấy" và những cán bộ chỉ biết vơ vét cá nhân, làm hại cho đất nước.

Nguyễn Tấn Tuấn
.
.
.