Kia
Mobifone

Văn học về đề tài Công an trong dòng chảy đương đại

Thứ Hai, 12/08/2019, 18:12
Sự sáp lại bên nhau giữa văn chương bay bổng và hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống dường như rất khô khan, xơ cứng, lại cho ra một mối lương duyên kỳ thú. Thừa hưởng gia tài khá đồ sộ từ lớp nhà văn đi trước, văn học về đề tài Công an hiện nay đang tiếp tục lớn mạnh, với những vận động, đổi thay đáng kể hòa chung dòng chảy văn học nghệ thuật đương đại.

1. Năm 1960, khi viết ký sự “Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu”, nhà văn Lê Tri Kỷ đã đặt viên gạch đầu tiên trong tòa tháp văn chương về đề tài an ninh - trật tự và hình tượng người chiến sĩ CAND (gọi tắt là văn học về đề tài Công an).

Sau hơn 70 năm, dòng văn học về đề tài này đã có những sáng tác hay, phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu phòng chống tội phạm, khắc họa và tôn vinh hình ảnh ngoan cường, anh dũng của các chiến sĩ Công an.

Sinh viên các trường Công an trong ngày hội sách.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (Chi hội Nhà văn Công an) nhận xét: “Trong thời chiến cũng như thời bình. Đặc biệt là trong thời bình hiện nay, thông qua những sáng tác giàu sức lay động lòng người, dòng văn học này đã góp phần quan trọng để công tác Công an gần người dân hơn. Giá trị thẩm mỹ từ hình tượng người chiến sĩ Công an dũng cảm, mưu lược và nhân văn, gần gũi và chân thật… đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Bởi vì có thấu hiểu, cảm phục, thì mới có sự tin yêu, ủng hộ và tự giác tham gia, đồng hành vào sự nghiệp đấu tranh bài trừ tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống của mỗi người dân. Đó là một lôgic về nhận thức và tâm lý. Ngoài ra, thông qua những nhân vật, câu chuyện đã tạo ra những mẫu hình lý tưởng, có tác dụng để người lính soi vào, noi theo, những chân dung văn học khi đó như ngọn đèn soi đường, dẫn dắt hành động một cách tự nhiên nhất”.

Có thể nói, năng lượng sáng tạo, tài nghệ cùng sức lao động nghệ thuật bền bỉ của các nhà văn thế hệ trước đã làm đầy đặn gia sản văn chương về đề tài Công an, đưa chủ đề văn học này có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của xã hội.

2. Văn học về đề tài Công an hiện nay vẫn đang hừng hực sức sống, với nhiều tác phẩm phản ánh sinh động cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Qua các cuộc thi “Cây bút vàng”, nhất là việc Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam liên tục tổ chức các trại sáng tác văn học với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", số lượng tác phẩm viết về đề tài Công an rất dồi dào, với chất lượng nội dung và nghệ thuật khá cao.

So với giai đoạn trước thì các sáng tác sau này về đề tài Công an đã có sự vận động, thay đổi đáng kể. Có thể nói đó là sự vận động tiếp nối của một đề tài lớn trong văn học Việt Nam. Ở đó vừa có sự kế thừa truyền thống, vừa không ngừng cách tân để phù hợp với bạn đọc đương đại. Đó là minh chứng cho sự đổi mới ý thức nghệ thuật, quan điểm sáng tác và quan niệm về đề tài của các tác giả”.

Bình luận về sự vận động của dòng văn học về đề tài Công an hiện nay, Nhà văn Nguyễn Thế Hùng nói: “Do điều kiện của lịch sử - xã hội và nhiệm vụ chính trị, do quan điểm sáng tác của nhà văn hay ý thức xã hội, trình độ thẩm mỹ văn chương của quảng đại quần chúng… nên trong thời chiến và hậu chiến, văn học về đề tài Công an thường theo mô hình sử thi truyền thống. Thường thì các nhà văn khi sáng tác phải giấu đi cái “bi” để làm nổi trội cái “hùng” lên. Chủ yếu là kể lại những cuộc tấn công tội phạm, mô tả hành động quả cảm, anh hùng, mưu lược của người chiến sĩ Công an, ngợi ca chiến công hay sự hy sinh dũng cảm của họ, chứ chưa đề cập nhiều đến những câu chuyện bên lề sự kiện, phía sau vụ án.

Có thể thấy ở các sáng tác giai đoạn trước, sự thiếu vắng những vấn đề, sự kiện bên lề vụ án, như cuộc đấu tranh tâm lý nội tâm nhân vật, cuộc chiến thiện ác trong từng con người, ở từng nội bộ cơ quan đơn vị…

Mặt trận của người chiến sỹ Công an ngày hôm nay đa dạng hơn, phức tạp hơn và cũng… “công nghệ” hơn. Người cầm bút hôm nay ý thức được đòi hỏi của xã hội và có sự thay đổi trong nhận thức, quan điểm sáng tác, nên biên độ sáng tạo đã mở rộng hơn nhiều so với trước”.

Vẫn theo Nhà văn Nguyễn Thế Hùng, tính đa dạng, phong phú và phân lập là điều có thể nhận diện trong các sáng tác gần đây về chủ đề Công an. Có thể thấy, dòng văn học này đang đi theo 3 khuynh hướng.

Một là, theo mô típ truyền thống, bằng cảm hứng ngợi ca, lấy nhân vật chiến sĩ Công an là trung tâm trong sáng tác, mô tả đậm nét hành vi anh hùng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự xã hội. Tác giả của các sáng tác theo khuynh hướng này, chủ yếu là các nhà văn, cây bút đã có tuổi. Họ có bề dày kinh nghiệm, chất liệu phong phú.

Tôn vinh nhà văn Công an trong sự kiện “70 năm những trang sách vàng Công an nhân dân”.

Hai là, các sáng tác theo khuynh hướng lấy nhân vật trung tâm là con người nạn nhân của tội phạm, hoặc là miêu tả chính số phận của những tên tội phạm bằng cảm hứng bi kịch, hoặc cái nhìn nhân tính. Trên cái nền đó, chuyện sẽ nói về Công an, nhưng như thế Công an ở vai trò thứ yếu, được mô tả không đủ chiều kích về một chủ thể quan trọng bậc nhất trong đề tài này.

Ba là, khuynh hướng mượn cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, để triết lí về thế sự, nhân sinh. Sáng tác theo lối này, nhân vật trung tâm chỉ là con người bình thường, nhưng số phận của họ có liên quan trực tiếp tới các vấn đề đương đại mà tác giả muốn giãi bày, triết thuyết trong sáng tác của mình.

“Mặc dù đi theo các xu hướng khác nhau, nhưng điểm chung có thể thấy đó là chủ thể được mô tả (người chiến sĩ Công an) hiện lên trong các sáng tác gần đây, đã đời hơn, họ không chỉ biết có công việc, khô khan và xơ cứng, mà đã được miêu tả đúng là những con người, với đầy đủ các phẩm chất tâm lý cá nhân tích cực và tiêu cực.

Về bút pháp, bên cạnh cách viết truyền thống, một số tác giả đã tìm được những kĩ thuật viết tiểu thuyết mới, thể hiện ở các phương diện như: tổ chức kết cấu, xây dựng nhân vật, đa dạng hóa phương thức trần thuật, mạnh dạn sử dụng yếu tố huyền thoại hóa.

Sự cách tân có tính đột phá, thể hiện tinh thần dân chủ, ý thức đối thoại với những quan niệm chật hẹp về văn chương Công an, thể hiện ở chỗ có những tác giả đã coi cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm là chất liệu nghệ thuật để hư cấu, để tưởng tượng ra chuyện khác, chứ không bám sát, dựa trên những câu chuyện có thật để xây dựng tác phẩm” - Nhà văn Nguyễn Thế Hùng nhận xét.

3. Bàn về sự thay đổi trong thị hiếu của độc giả tác động như thế nào đến sáng tác văn học hiện nay, Nhà văn Nguyễn Vĩnh Tiến (Phó chủ nhiệm CLB Văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội) nói: “Trong thế giới “phẳng” bởi Internet, điều này tác động đến văn học nói chung và văn học về đề tài Công an nói riêng.

Trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay, con người có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin đa chiều. Trình độ thẩm mỹ nghệ thuật được nâng lên cùng mặt bằng dân trí, xu thế dân chủ xã hội, do quan điểm đa chiều, quyền tự do cá nhân - cái tôi được đề cao, mà độc giả hiện nay không còn dễ tin vào những thứ họ đọc được.

Họ cảnh giác, thậm chí là quay lưng, không mất thời gian cho việc đọc những thứ “văn chương minh họa”, với những thứ “lên gân, lên cốt”, hay “son phấn” cẩu thả chát chít trong những câu chuyện rặt “màu hồng” đậm chất tuyên truyền một chiều, hay thứ văn nhàn nhạt do sợ đụng chạm, bảo toàn né tránh để giữ mình. Đó là điều mà người cầm bút không thể không biết, nếu muốn sáng tác của mình được đón nhận”.

Theo nhà văn Nguyễn Vĩnh Tiến, khi viết về đề tài Công an, nhà văn với tư cách “thư ký của thời đại” phải chuyển tải vào sáng tác của mình những câu chuyện của đời sống đương đại. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, có hàng loạt vấn đề đang đêm ngày tác động đến người chiến sĩ. Hiện tượng đồng tiền lên ngôi, chiếm vị trí cao nhất trên thước đo của thang giá trị.

Cùng với nó là lối sống thực dụng, tối đa hóa lợi ích cá nhân, sự ích kỷ, vô cảm đã trở thành một xu thế ứng xử, sự băng hoại các giá trị đạo đức… hẳn nhiên sẽ tác động đến người lính, bởi không ai có thể nằm ngoài quy luật chi phối, tác động bởi môi trường, hoàn cảnh sống.

Người lính không phải là cái máy, dù mang trên người trọng trách gì, thì họ vẫn là con người bình thường, với đầy đủ các sắc thái tâm lý cá nhân của con người. Việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị cám dỗ để rồi sa ngã, không còn là chuyện hiếm gặp.

Vượt lên được những cám dỗ, thử thách hy sinh… để làm việc công, bảo vệ người dân một cách vô tư, trong sáng, là kết quả của những quá trình tâm lý bên trong - những va đập, dằn vặt, giằng xé trong tư tưởng người lính khi đứng trước sự lựa chọn - phụng công hay tư lợi, trung thực hay giả dối.

Vì thế, viết văn miêu tả họ là chủ thể của cuộc đấu tranh, mà lại thiếu vắng đi những yếu tố quan trọng tạo nên động lực lập công, hay là nguồn cơn của sự sa ngã, sẽ khó thuyết phục được độc giả.

Vì thế, chất liệu cho những sáng tác văn học về đề tài Công an hôm nay, không chỉ có những trận đánh lớn chứa đựng trong đó sự cam go, khốc liệt, tính ác hiểm của thế giới ngầm tội phạm, sự gian khổ hy sinh, tài năng mưu lược của lực lượng Công an.

Các tác giả đã bắt đầu công việc sáng tạo với biên độ tư duy rộng lớn hơn, phản ánh những câu chuyện phía sau vụ án, những điều xảy ra không nhìn thấy bằng mắt thường trong cuộc chiến đấu này.

“Công cuộc “đốt lò” với quan điểm “không có vùng cấm trong xử lý sai phạm” của Đảng thời gian qua, đã giúp loại bỏ khỏi lực lượng những cá nhân tiêu cực, thoái hóa biến chất. Một áng văn đẹp, phải dám nói những chuyện này.

Cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập là tất yếu. Đấu tranh loại bỏ tiêu cực để trong sạch hơn, vững mạnh hơn là điều Đảng ta và lực lượng Công an đang triển khai quyết liệt. Vậy thì văn chương tại sao không thể bám sát, miêu tả sinh động cuộc chiến này? Né tránh nó chỉ làm tác phẩm nghèo nàn, không thuyết phục được ai.

Hiện thực bao giờ cũng là nguồn sống cho văn chương, nghệ thuật. Mặt khác, hiện thực được miêu tả qua bút pháp văn chương sẽ sống động, tạo ra những cá tính văn học, đủ sức hấp dẫn bạn đọc trong tình hình văn hóa đọc đi xuống” – nhà văn Nguyễn Vĩnh Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về bút pháp hiện thực trong sáng tác văn học về đề tài Công an hiện nay, nhà văn Nguyễn Thế Hùng nói: “Tôn trọng hiện thực và dũng cảm phản ánh hiện thực với một động cơ xây dựng, là trách nhiệm của người cầm bút hiện nay khi viết về đề tài Công an.

Ý thức xã hội thông thoáng, cởi mở như hiện nay, môi trường sáng tác tự do, việc tiếp cận các thông tin, tài liệu đơn giản hơn trong kỷ nguyên thông tin... đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhà văn, cây bút tiếp cận công tác Công an, phản ánh sinh động trên tinh thần xây dựng cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm trên tất cả các khía cạnh: đấu tranh với tội phạm, đấu tranh nội tâm, đấu tranh làm trong sạch tổ chức, lực lượng…

Chỉ khi tôn trọng hiện thực, bằng lăng kính hiện thực trong sáng tác, mạnh dạn chuyển tải vào văn chương các vấn đề đương đại xuất hiện trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, mới làm nên sức sống cho các tác phẩm viết về chủ đề Công an hiện nay”.

Nhật Nam

.