Cựu điệp viên Nga bị đầu độc đang bị bắt làm con tin?

Thứ Hai, 18/06/2018, 17:13
Truyền thông quốc tế đưa tin, kể từ khi xuất viện sau điều trị “đầu độc” tại Salisbury, hai cha con cựu điệp viên Nga Skripal gần như biến mất khỏi công chúng, không đưa ra lời bình luận hay cáo buộc nào đối với nước Nga như giới chức và truyền thông Anh làm ầm ĩ cách đây hơn 3 tháng. Dường như tất cả mọi phát biểu của hai cha con ông Skripal đều không phải do họ tự nói ra.

Hai cha con ông Skripal đã không mất mạng như lời tuyên bố như đinh đóng cột của các chuyên gia Anh. Yulia hồi phục nhanh hơn, xuất viện vào ngày 11-4. Còn ông Skripal chậm hơn, nhưng đến ngày 18-5 cũng xuất viện sau khi đã hoàn toàn khỏi hẳn. 

Điều này khiến cho sự thật về chuyện cha con ông Skripal bị “đầu độc” bởi cái gọi là chất độc thần kinh novichok và lời cáo buộc của London rằng “nước Nga đứng sau vụ đầu độc” bị phơi bày. Chính vì vậy, sau khi xuất viện, cha con ông Skripal rất hạn chế tiếp xúc và phát biểu với báo chí.

Cha con ông Skripal trước khi bị đầu độc.

Dư luận hiện đặt câu hỏi: Cha con ông Skripal hiện đang ở đâu? Tình trạng của họ ra sao? Một số trang blog cá nhân không đồng quan điểm với chính phủ Anh, như Stephen Lendman đặt vấn đề nghi vấn “phải chăng cha con ông Skripal đang bị chính quyền Anh giữ làm con tin?”.

Trước tiên, sự mất hút của cha con ông Skripal trong sự “phớt lờ” của nước Anh đối với vấn đề “Nga đầu độc cựu điệp viên” là vấn đề đáng quan tâm nhất. Hãng thông tấn Reuters là một trong số ít cơ quan báo chí Anh được phép tiếp cận, phỏng vấn và ghi hình cha con ông Skripal. Trong một lần trò chuyện có ghi hình hồi tháng 5-2018, Reuters đã công bố nội dung phỏng vấn Yulia bằng phiên bản tiếng Anh được dịch từ tiếng Nga. Một trong những câu trả lời của Yulia được Reuters dịch sang tiếng Anh là “tôi không muốn để cho họ phục vụ mình”, cùng nhiều câu khác không mang âm hưởng tiếng Nga mà giống tiếng Anh hơn.

Sau khi nghiên cứu kỹ bài phỏng vấn do Reuters công bố, cựu Đại sứ Anh Craig Murray khẳng định phát biểu của Yulia trước ống kính ghi hình của Reuters đã được soạn thảo sẵn bởi các quan chức Anh và sau đó được dịch sang tiếng Nga để cô đọc theo ý họ. Cựu đại sứ Murray phân tích thêm, người soạn thảo bài phát biểu của Yulia phải là người bản xứ nói tiếng Anh vì các câu tiếng Anh rất hoàn hảo, còn các câu tiếng Nga thì lại mắc một số lỗi ngôn ngữ. Murray cũng phân tích thêm rằng, Reuters đã không tự mình dịch câu nói của Yulia để đặt làm tiểu tít mà trích hẳn câu tiếng Anh đã được thảo sẵn. Hơn nữa, câu nói “tôi không muốn để cho họ phục vụ mình” dường như đã một lần xuất hiện trong video ghi hình Yulia mà cảnh sát Anh công bố trước đó không lâu.

Từ đó, Murray cho rằng rất có thể cha con ông Skripal hiện đang bị chính quyền Anh giữ ở đâu đó. Minh chứng thêm cho nhận định này, Murray dẫn ra việc kể từ khi bình phục và xuất viện, Yulia chưa một lần liên lạc với gia đình ở Nga. Chỉ một lần duy nhất Yulia được phép trả lời điện thoại người em họ tên Victoria trong đó cô trấn an rằng “mọi chuyện vẫn ổn” chứ không nhắc gì đến chuyện bị đầu độc (và những người thân gia đình Skripal ở Nga cũng không hay biết gì về vụ đầu độc này). “Sự thiếu tiếp xúc với người thân là dấu hiệu đáng lo ngại rằng cha con ông Skripal có thể đang bị cách ly với thế giới bên ngoài” – Murray nói.

Theo báo chí Anh, giới chức Anh giải thích việc cha con ông Skripal không xuất hiện trước báo chí, không tiếp xúc với người bên ngoài, kể cả Đại sứ quán Nga tại Anh là vì lý do “an toàn cho chính họ”. Tuy nhiên, cách giải thích này không mấy thuyết phục. Người Anh đã tiến hành một loạt động thái nhằm hạn chế thông tin trung thực nhất của báo chí về vụ việc này. 

Ngày 7-3, tức ba ngày sau khi xảy ra vụ đầu độc, chính phủ Anh ban hành một “Thông báo D”, tức Thông báo khuyến cáo truyền thông về quốc phòng và an ninh, gửi cho các cơ quan truyền thông yêu cầu họ không được nhắc đến Pablo Miller, cựu điệp viên MI-6 và là liên lạc viên của Skripal khi ông này mới sang Anh và hợp tác làm việc với tình báo Anh. 

Một tuần sau, một “Thông báo D” thứ hai được ban hành với yêu cầu tương tự. Vì thế, báo chí Anh vốn ồn ào, nhưng trong vụ Skripal lại tỏ ra rất kín kẽ, dè dặt.

Ông Murray phân tích thêm, Miller chính là người đã cộng tác chặt chẽ với công ty Orbis Intelligence của cựu điệp viên MI-6 Christopher Steele trong việc thực hiện hồ sơ về ông Trump từng gây ồn ào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Miller sống ở gần nơi Skripal cư trú ở Salisbury và là liên lạc viên của ông này, vì vậy Murray cho rằng rất có thể Skripal cũng có hợp tác với Miller trong vụ hồ sơ về ông Trump. 

Tuy nhiên, khi vụ việc bị đổ bể, Skripal bỗng dưng trở thành mắt xích yếu nhất trong toàn bộ đường dây, vì thế rất có thể Orbis hoặc MI-6 hoặc CIA hoặc kể cả cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ có dính líu trong vụ này (ám chỉ bà Hillary Clinton) muốn “bịt đầu mối”, họ muốn Skripal im lặng mãi mãi, tức là muốn trừ khử ông, để tránh những hệ lụy về sau. Khi vụ đầu độc được báo chí đưa tin, phản ứng của Anh, Mỹ rất dữ dội, có thể nói là trên mức bình thường nhắm vào nước Nga, đổ vấy tất cả lên nước Nga, trong khi không đưa ra bằng chứng.

Hiện tại, dư luận cũng như Đại sứ quán Nga tại Anh không biết rõ Yulia đang ở đâu, còn ông Skripal thì kể từ khi xuất viện đã được đưa thẳng về một “căn nhà an toàn” của cơ quan tình báo MI-5 và được canh giữ 24/24 giờ. Vì lo lắng cho sức khỏe của công dân Nga, Đại sứ quán Nga đã từng đề nghị vào thăm Yulia khi cô hồi phục trong bệnh viện nhưng bị từ chối. 

Rồi sau khi Yulia xuất viện, Đại sứ quán Nga lại để nghị tiếp xúc để thăm hỏi và tìm hiểu tình hình, nhưng vẫn bị phía Anh từ chối. Lần này họ đưa ra video ghi hình Yulia trong đó có câu nói “tôi không muốn để cho họ phục vụ mình”.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.
.