Hết thời… dự án ma!

Thứ Năm, 20/02/2020, 20:04
Trước và sau Tết Nguyên đán 2020, trên các tuyến đường chính ở khu vực vùng ven, ngoại thành TP Hồ Chí Minh vắng hẳn nhân viên bán hàng mặc đồng phục phát tờ rơi bán đất nền dự án. Người đi đường giờ cũng thờ ơ, lắc đầu khi ai đó tiếp thị "đất nền giá rẻ". Ngay cả trên các mạng xã hội, tin nhắn, cuộc gọi qua điện thoại di động về quảng cáo bán đất nền giờ cũng thưa dần.

Các "đại gia" kinh doanh bất động sản lọc lừa cũng không còn "nổ như bắp rang" trong những lúc "trà dư tửu hậu". Những kẻ đã trót "nhúng tràm" đang nơm nớp lo sợ không biết khi nào cơ quan điều tra "gọi đến tên mình".

Âu cũng là cái giá phải trả cho kiểu làm ăn chụp giật, dối lừa; một kết cục có hậu để trả lại sự lành mạnh, "trong sáng" cho thị trường bất động sản vốn nóng như lửa trong suốt hơn thập niên qua do bị thổi phồng bởi những kẻ lừa đảo, đầu cơ…

Hậu "bóng ma" Alibaba…

Bước ngoặt của thực trạng trên có lẽ bắt đầu từ lúc Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vạch trần thủ đoạn mua bán đất "dự án ma" của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực nắm quyền điều hành. Trước đó, chính Alibaba đã làm khuynh đảo thị trường bất động sản với hàng chục "dự án ma" mua bán ào ạt khắp các tỉnh, thành phía Nam mà chẳng bị hề hấn gì.

Dự án khu dân cư Long Trường Diamond được vẽ ra với 37 nền đất, sinh lợi hấp dẫn.

Điều này đã tạo ra một sự ngộ nhận cho người mua đất nền rằng, mua "dự án ma" cũng chẳng có sao vì nếu có sao thì Alibaba đã không tồn tại suốt nhiều năm liền? Còn các công ty địa ốc hoạt động bằng hình thức "mượn đầu heo nấu cháo" thì lấy địa ốc Alibaba làm "chuẩn", theo kiểu, "cơ quan chức năng không xử lý được Alibaba thì không thể kết tội mình" nên đua nhau lập "dự án ma", chiếm đoạt tiền tỷ.

Vài năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh tồn tại rất nhiều "dự án ma" theo kiểu "phân lô hộ lẻ". Các công ty lừa đảo tìm các khu đất có diện tích từ một đến vài ngàn mét vuông (theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc "mua" đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công, đất quy hoạch làm đường, đất cây xanh…) rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi khá "kêu", sau đó cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán nền.

Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu pháp lý của dự án, biết khu đất chỉ là bãi đất hoang, chưa có cơ sở hạ tầng… nhưng do hám rẻ (phần lớn giá bán thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực) đã không ngần ngại đổ tiền vào đầu tư nhằm sinh lợi cao.

Người mua nền đất "dự án ma" phần lớn là những người đầu cơ nên họ cũng chẳng cần quan tâm lắm đến hiện trạng của dự án thế nào mà cốt yếu là mang rao bán lại kiếm tiền lời rồi tháo chạy.

Trước khi công ty Alibaba bị lộ tẩy, các nạn nhân của nhiều công ty lừa khác vẫn chưa tố cáo đến cơ quan công an dù biết mình có khả năng bị lừa. Đến khi cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng chủ chốt và xác định công ty Alibaba đã lừa 6.700 nạn nhân với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng thì việc tố cáo mới bắt đầu dậy sóng… Và cũng kể từ đó, những công ty hoạt động theo kiểu của Alibaba lần lượt bị điều tra, xử lý.

Đó là Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Angel Lina (Trụ sở đường Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) lập nhiều dự án trên giấy tại địa bàn quận 9, quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh… rồi kêu gọi khách hàng đầu tư với những lời hứa hẹn "có cánh", sinh lãi "khủng".

Tuy nhiên khi đến thời hạn giao kết trên hợp đồng, công ty này im hơi lặng tiếng, nhiều khách hàng làm đơn tố giác, giám đốc công ty này là Phạm Thị Tuyết Nhung (34 tuổi, ngụ quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã bị bắt vào ngày 2/11/2019. Kết quả điều tra ban đầu cho biết, công ty Angel Lina lập 9 "dự án ma", lừa đảo hơn 285 tỷ đồng.

Tiếp đến ngày 20/11/2019, giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land là Trần Thị Hồng Hạnh cũng bị tra tay vào còng.

Bà Hạnh dùng pháp nhân công ty, ký hợp đồng chuyển nhượng nền đất cho rất nhiều khách hàng, thu hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên những dự án Hoàng Kim Land không có thật. Các khu đất chưa được cơ quan chức năng cấp phép lập dự án bởi đó là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích hoặc nằm trong quy hoạch các công trình.

Ngày 19/12/2019 đến lượt Nguyễn Hữu Kha, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Thịnh Phát (Trụ sở tại đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) lập hơn 10 "dự án ma" thu tiền người mua rồi chiếm đoạt y như công ty Địa ốc Alibaba cũng đã bị bắt.

Ngoài các công ty trên, hiện cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh còn đang thụ lý điều tra nhiều công ty khác có dấu hiệu lừa đảo tương tự.  Đó là Công ty CP King Home Land (57, đường số 7, KDC City Land Center Hill, quận Gò Vấp) với dự án "King Home 4" tọa lạc tại phường Long Trường, quận 9.

Theo đơn tố cáo của nhiều nạn nhân, họ đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty trên để mua các lô đất thuộc thửa 528, tờ bản đồ 21, phường Long Trường với cam kết sẽ bàn giao đất nền sau 6 tháng kể từ khi ký hợp đồng. Đến nay đã quá thời gian giao kết nhưng khách hàng vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía công ty. Hiện công ty King Home Land đã đóng cửa không còn hoạt động tại địa chỉ nêu trên mà không có bất kỳ thông báo nào đến khách hàng.

Khi người mua liên hệ với UBND phường để xác nhận thông tin về dự án thì được biết, trên địa bàn phường không hề tồn tại dự án nào tên là "King Home 4".

Còn thửa đất được cho là dự án nói trên được xác định có diện tích hơn 1.000m2 của chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (ngụ quận Bình Tân). Bà Lan ủy quyền cho ông Đặng Tiến Trường (sinh năm 1992, Tổng giám đốc Công  ty King Home Land) được thay mình tách thửa, phân lô và chuyển nhượng cho người khác. Ông Tường sau đó "nặn" ra dự án "King Home 4" rồi "ẵm" tiền của khách hàng nhưng không thấy lập thủ tục phân lô, tách thửa.

Cũng trên địa bàn phường Long Trường còn có Công ty CP Đầu tư Xây dựng Địa ốc Thương Tín Real bị tố cáo bán "dự án ma" khu dân cư Long Trường Diamond. Theo đó, một người tố cáo tên H. cho biết, bà đã mua lô đất diện tích 55.31m² với giá gần 2,2 tỷ đồng, đã đặt cọc 60% giá trị.

Đến nay đã gần 1 năm nhưng dự án khu dân cư Long Trường Diamond vẫn là một khu đất trống, cỏ mọc um tùm, chưa có cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, địa bàn phường không có dự án nào được cơ quan thẩm quyền phê duyệt tên gọi là khu dân cư Long Trường Diamond. Còn thửa đất trên hợp đồng mua bán  được cho là dự án Long Trường Diamond có diện tích hơn 4.000m² do một cá nhân đứng tên quyền sử dụng.

Tương tự là "dự án ma" do Công ty cổ phần đầu tư Tiên Phong Land lập nên trên các thửa đất số 692, 695, 701 tờ bản đồ số 6 và thửa 437, tờ bản đồ số 3, phường Phú Hữu, quận 9. Mặc dù ông Vũ Tiến Hường, đại diện pháp luật của công ty Tiên Phong Land chỉ mới có hợp đồng đặt cọc mua khu đất lại là đất nông nghiệp nhưng công ty Tiên Phong Land đã tự đặt tên dự án "khu dân mới Gò Cát" rồi phân lô bán nền cho gần 30 người, thu hàng chục tỷ đồng…

Một "dự án ma" khác có tên là Long Phụng 1 nằm trên mặt tiền đường Lò Lu thuộc phường Trường Thạnh, quận 9. Khu đất này thuộc thửa đất số 559, 560, tờ bản đồ số 17, phường Trường Thạnh được cấp quyền sử dụng đất cho một cá nhân.

Người này khẳng định không có ủy quyền hay cam kết gì cho Công ty CP Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real được sử dụng phần đất của mình hay phân phối nền đất cả. Nhưng không hiểu vì sao công ty Đại Phúc lại tự ý phân lô rồi rao bán nền rầm rộ trên mạng. Theo quy hoạch, 2 thửa đất này là đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản…

Đừng để tiếc nuối thì đã muộn…

Bị mất một số tiền lớn, đôi khi dành dụm hàng chục năm trời mới có được thì ai cũng tiếc nuối. Càng tiếc nuối hơn khi chứng kiến kẻ lừa dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để sống trong nhung lụa trong suốt một thời gian dài trước khi bị bắt. Những Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Hữu Kha, Trần Thị Hồng Hạnh, Phạm Thị Tuyết Dung thời hoàng kim đi siêu xe, mặc đồ hiệu, ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng đẳng cấp… đơn giản vì đồng tiền mà họ có được dễ như trở bàn tay.

Chính quyền địa phương dựng biển cảnh báo để người dân tránh bị lừa.

Mặt khác phải tạo một vỏ bọc hào nhoáng như vậy thì mới dễ lừa nạn nhân. Minh chứng là khi chúng tôi hỏi các nạn nhân vì sao dễ tin người thì hầu hết đều cho biết do thấy giám đốc khá đẳng cấp, đi xe giá trị cả chục tỷ chẳng lẽ lại đi lừa? Đó cũng là một trong những lý do, nhưng có một lý do quan trọng là các tay giám đốc dạng này rất giỏi đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư.

Để dụ nạn nhân vào tròng, các công ty thường xuyên tổ chức cho khách hàng đi xem đất dự án. Tùy theo quy mô "dự án", công ty sẽ thuê hàng chục, hàng trăm người đi kèm với số ít người đi xem thật để tăng thêm phần kích thích.

Bên cạnh đó còn có khá đông lực lượng làm nhiệm vụ "chim mồi" của công ty. Họ được "tập huấn" khá bài bản để ru ngủ nạn nhân bằng cách tâng bốc công ty làm ăn uy tín, tự nhận đã từng trúng đậm nhờ góp vốn với công ty… Khi đến "dự án ma", nếu khách hàng thật đang ngắm nghía vị trí lô đất nào thì lập tức nhóm "chim mồi" giả đò tranh giành mua khiến khách hàng thật sợ mất cơ hội, nhanh chóng đặt cọc giữ vị trí và sau đó tiến hành làm hợp đồng góp vốn.

"Vì người mua trực tiếp ký kết hợp đồng với các công ty "chủ đầu tư", công ty môi giới nên chúng tôi không thể biết được. Đến lúc nạn nhân gửi đơn tố cáo đến UBND phường thì chúng tôi mới hay trên địa bàn có những dự án nhà ở không có thật với tên gọi như vậy. Nếu trước khi đặt bút ký hợp đồng, người mua liên hệ đến UBND phường để hỏi rõ thì có lẽ đã tránh được bị lừa"- Ông Nguyễn Hoàng Vũ, chủ tịch UBND phường Long Trường (quận 9) cho biết.

Để cảnh báo người dân, hiện nay UBND các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, dựng pano tại khu đất có nguy cơ thành "dự án ma", treo băng rôn trên các tuyến đường…

Theo quy định tại quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND TP Hồ Chí Minh, trường hợp khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì UBND quận, huyện sẽ rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực.

Nếu không thông qua bước này thì sẽ không được phân lô, tách thửa và tất nhiên là không thể có dự án như lời quảng cáo của các công ty.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2019, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ có hơn 30 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện để góp vốn. Trong khi đó chỉ cần "rảo" trên mạng mọi người dễ dàng tìm ra hàng chục, hàng trăm dự án được rao bán với lời cam kết chắc nịch được cấp sổ hồng riêng, nên người mua nhất định phải xem kỹ giấy tờ pháp lý của dự án trước khi đặt bút ký hợp đồng…

Mã Hải
.
.
.