HDBank
Mobifone

Trách nhiệm, sự dấn thân của nhà báo trong kỷ nguyên số

Thứ Sáu, 11/04/2025, 08:22

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2025, giữa hàng trăm tác phẩm xuất sắc, phóng sự ngắn “Đường nhập lậu tiếp tục tàn phá thị trường trong nước” của nhóm tác giả Nguyễn Nhung và ê-kip Truyền hình CAND (ANTV) đã xuất sắc giành giải Vàng. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp ê-kip này chinh phục vị trí cao nhất ở thể loại Phóng sự ngắn.

Phía sau ánh hào quang của giải thưởng là những tháng ngày vất vả, thậm chí đối mặt với nguy hiểm khi nhóm phóng viên “đột kích” vào các điểm nóng buôn lậu đường dọc biên giới. Họ không chỉ ghi hình mà còn thu thập bằng chứng về những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu. Đó là những chuyến đi xuyên đêm, những cuộc truy đuổi đầy căng thẳng, và cả những lần đối diện với hiểm nguy. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò truyện ngắn với Nhà báo Nguyễn Nhung, đại diện ê-kip thực hiện ngay sau lễ trao giải.

anh so 1.jpg -0
Tác phẩm “Đường nhập lậu tiếp tục tàn phá thị trường trong nước” đoạt giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 42.

- Đầu tiên, xin chúc mừng chị và ê-kip Truyền hình CAND đã xuất sắc, vinh dự đoạt giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42, năm 2025. Là lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải Vàng ở thể loại Phóng sự ngắn, cảm xúc của chị lúc này là như thế nào?

Được vinh danh tại một sân chơi lớn như Liên hoan Truyền hình toàn quốc luôn là niềm tự hào và hạnh phúc với tôi và ê-kip. Đây không chỉ là sự công nhận từ Hội đồng Ban Giám khảo mà còn là động lực để chúng tôi tiếp tục dấn thân, khai thác những đề tài gai góc, hấp dẫn khán giả. Dù lễ trao giải đã khép lại, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa hết xúc động khi nhớ về hành trình thực hiện tác phẩm này. Những ngày dài “lăn lộn” tại hiện trường, những đêm thức trắng để ghi hình, những phút giây căng thẳng khi đối diện với các đối tượng buôn lậu - tất cả những điều đó đã đọng lại thành một kỷ niệm khó quên. Hai lần liên tiếp giành giải Vàng là một vinh dự lớn, nhưng cũng là áp lực để chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo trong mỗi tác phẩm.

- Sau khi phóng sự được phát sóng đã được đông đảo khán giả và các cơ quan chức năng quan tâm, và nhiều người cho rằng đây được coi là “cú hick” trong giải quyết triệt để “nạn đường lậu”, vậy xuất phát từ ý tưởng nào để chị và ê-kip triển khai đề tài này?

Chúng tôi đã theo đuổi chủ đề chống buôn lậu đường suốt nhiều năm, bởi đây là một vấn đề nhức nhối nhưng chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Mỗi lần quay trở lại, chúng tôi lại phát hiện ra những thủ đoạn mới, tinh vi hơn của các đối tượng. Vào giữa năm 2024, từ nhiều nguồn tin, chúng tôi nắm được rằng hoạt động buôn lậu đường tại biên giới đang “nóng” trở lại, thậm chí còn phức tạp hơn trước. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời. Chính vì vậy, ê-kip quyết định thực hiện phóng sự này, với mong muốn phản ánh một cách chân thực nhất những góc khuất của vấn nạn buôn lậu đường.

- Một phóng sự điều tra chưa đầy 4 phút nhưng đã truyền đầy đủ những thông điệp hẳn là quá trình thực hiện không hề dễ dàng?

Với thể loại Phóng sự ngắn, mỗi giây trên sóng đều quý giá. Điều quan trọng nhất là chọn lọc những chi tiết đắt giá, có sức nặng. Trong hàng trăm phút quay, ê-kip  đã phải cân nhắc, chắt lọc để chỉ còn lại 3 phút 30 giây súc tích và ấn tượng nhất. Khó khăn lớn nhất chính là quá trình tác nghiệp tại biên giới. Các đối tượng buôn lậu hoạt động chủ yếu vào ban đêm, trong địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Chúng không chỉ có kinh nghiệm đối phó với lực lượng chức năng mà còn sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện.

Ê-kíp phải hết sức thận trọng trong từng bước di chuyển, nhiều lúc phải cải trang, theo dõi từ xa để ghi lại những cảnh quay chân thực nhất. Đã có những khoảnh khắc căng thẳng tột độ, khi nhóm phóng viên bị nghi ngờ và bám đuổi. Nhưng với kinh nghiệm và sự phối hợp chặt chẽ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo an toàn.

- Hai lần đoạt giải Vàng ở thể loại Phóng sự ngắn - mảng điều tra, vậy thông điệp mà chị cũng như những người thực hiện các tác phẩm muốn gửi gắm đó là gì?

Bất kỳ tác phẩm nào cũng có một mục tiêu chung: phản ánh những thực tế bất cập để cơ quan chức năng vào cuộc, điều chỉnh chính sách, mang lại sự công bằng cho xã hội. Với phóng sự này, chúng tôi muốn gửi đến các đơn vị làm nhiệm vụ tại biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Lao Bảo - nơi được xem là điểm nóng của buôn lậu đường - một lời cảnh báo mạnh mẽ. Việc kiểm soát lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho đường nhập lậu tràn vào thị trường, gây tổn thất nặng nề cho ngành sản xuất trong nước. Hệ quả là hàng triệu nông dân trồng mía đang rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí mất kế sinh nhai. Chúng tôi hy vọng phóng sự này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy hành động quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng để bảo vệ ngành đường nội địa.

- Trong kỷ nguyên số, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), vậy nhà báo cần phải có những bước “chuyển mình” như thế nào để đáp ứng được thị hiếu của khán giả?

anh so 4.jpg -1
Ê-kíp thực hiện của Truyền hình CAND (ANTV) trong quá trình tác nghiệp tại biên giới.

Trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ, đặc biệt là thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), những người làm báo chí và truyền hình như chúng tôi đang đối mặt với không ít thách thức. Đây thực sự là một áp lực không nhỏ.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu một tác phẩm truyền hình không mang dấu ấn cá nhân, không phản ánh những hình ảnh chân thực từ hiện trường hay không thể hiện sự dấn thân, cống hiến của những phóng viên điều tra, thì khó có thể tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, cũng như đạt được những thành tích cao trong nghề nghiệp.

Dù công nghệ có phát triển đến đâu, giá trị cốt lõi của báo chí vẫn nằm ở tính chân thực, sự nhạy bén và tâm huyết của những người làm nghề. Chính những điều này mới tạo nên sức hút và giá trị lâu dài cho mỗi tác phẩm truyền hình.

- Có rất nhiều bạn trẻ, sinh viên báo chí đang ấp ủ trở thành những nhà báo điều tra, vậy chị có lời khuyên gì cho họ trước khi bước chân vào nghề?

Tôi không dám nhận mình là người đủ kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên, nhưng theo tôi, để theo đuổi nghề báo, điều quan trọng nhất là phải có đam mê và sự kiên trì. Nghề này không dành cho những ai dễ nản lòng. Bên cạnh đó, việc trau dồi kiến thức, cập nhật xu hướng công nghệ cũng rất quan trọng. Nhưng trên hết, hãy giữ vững đạo đức nghề nghiệp và không ngừng rèn luyện bản lĩnh.

- Trong năm 2025 này, chị và ê-kip của mình đã có những dự định nào mới cho thời gian tới hay chưa và đó là những dự định gì?

Với mỗi một năm thì những người làm nghề chúng tôi đều có những dự định, có những kế hoạch để có những sản phẩm chất lượng, có tính thuyết phục, phục vụ khán giả truyền hình. Đặc biệt với chúng tôi, những nhà báo công tác trong lực lượng CAND thì những đòi hỏi, áp lực nghề nghiệp, nhiệm vụ lại cao hơn. Năm nay thì tôi cũng như ê-kip của mình cũng đang “nung nấu” một số đề tài và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Trong năm 2025 này và những năm tiếp theo tôi cũng mong muốn các tác phẩm của mình khi thực hiện cũng có sự đồng hành, vào cuộc của lực lượng Công an để kịp thời kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm; thậm chí nếu nghiêm trọng hơn có thể khởi tố để đây sẽ là hồi chuông cảnh báo đối với những mảng, lĩnh vực mà mình phản ánh.

- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ đầy tâm huyết! 

Nhà báo Nguyễn Nhung (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Nhung) hiện đang công tác tại Ban Chuyên đề - Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), ngoài tác phẩm đoạt giải Vàng thể loại phóng sự ngắn “Đường nhập lậu tiếp tục tàn phá thị trường trong nước” (tác giả Hồng Nhung, Thu Phương, Đỗ Danh Bắc, Trần Huy Tuấn), chị và ê-kip cũng đoạt thêm một giải Bạc thể loại phóng sự “Vô hiệu một chủ trương lớn” (nhóm tác giả Mai Thao, Mai Thắng, Hồng Nhung, Thu Phương, Cao Thiên, Quang Minh, Minh Tú). Năm 2023, ở kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41, Nguyễn Nhung và ê-kip cũng đoạt giải Vàng ở thể loại phóng sự ngắn với tác phẩm “Làm giả giấy khám thai”.

Cao Thiên (thực hiện)

.
.