Kia
Mobifone

Công an xã ở Sóc Trăng: Dân vận khéo trong vùng đồng bào Khmer

Thứ Sáu, 15/09/2023, 06:09

Gần dân, hiểu dân, tận tuỵ với dân là những tiêu chí hàng đầu của các cán bộ Công an xã ở Sóc Trăng, tỉnh có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất trong cả nước. Đặc biệt, những cán bộ Công an là người Khmer ở đây luôn phấn đấu học tập, lao động, là tấm gương để bà con noi theo, dần bỏ những suy nghĩ, nếp sống chưa phù hợp, ra sức làm ăn, hợp lực với các dân tộc khác để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

1. Cứ chiều chiều, Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ, Trưởng Công an xã Thới An Hội, huyện Kế Sách lại cùng đồng đội đi xe máy đến địa bàn để hỏi thăm tình hình cuộc sống của bà con cũng như nắm bắt các vấn đề an ninh trật tự.

aaaaanh_1-1686453341334.jpg -0
Một buổi họp của các thành viên mô hình "Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm" tại chùa Pô Thi ThLâng, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách.

Hôm nay, anh cùng Trung uý Trần Hoàng Giang tới thăm nhà ông Huỳnh Minh Hoàng (SN 1970). Sau thời gian chấp hành án và cải tạo tốt, trở về địa phương và được sự giúp đỡ, bảo lãnh của chính quyền cùng Công an xã, ông Hoàng đã nhận được khoản vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách. Sau một thời gian làm ruộng và đi làm thuê, ông quyết định đầu tư trồng cây ăn quả như ổi, thanh long, bưởi. Đến nay, mỗi năm ông đều thu về hơn 100 triệu đồng từ các loại quả này.

"Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. May mà gia đình chúng tôi luôn nhận được sự động viên, hướng dẫn của chính quyền và Công an xã. Quanh nhà tôi cũng nhiều hộ khó khăn nhưng không ai vi phạm pháp luật nữa. Chúng tôi chỉ lo làm ăn, cải thiện cuộc sống thôi", ông Huỳnh Minh Hoàng tâm sự.

Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ cho biết: "Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, việc chuyển hóa địa bàn của huyện Kế Sách nói chung và xã Thới An Hội nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, giúp những người từng lầm lỡ không tái phạm, tuyên truyền để người dân nhận thức tốt hơn về việc chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, kích động. Đồng thời, tôi còn yêu cầu các cán bộ Công an xã phải thường xuyên xuống địa bàn, giải quyết nhanh, kịp thời các vụ việc phát sinh để tạo lòng tin và sự đồng tình, ủng hộ của người dân".

Từ năm 2020, Công an huyện Kế Sách mà nòng cốt là Công an xã Thới An Hội đã phối hợp với chùa Thiên Thới (xã Thới An Hội) ra mắt mô hình "Phật tử tham gia phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự" trong phạm vi chùa Thiên Thới. Ban điều hành mô hình được thành lập do đại diện UBND xã Thới An Hội làm Trưởng ban và 1 tổ trực thuộc gồm 11 thành viên là phật tử của chùa Thiên Thới.

Công an xã ở Sóc Trăng: Dân vận khéo  trong vùng dân tộc Khmer -0
 Thường vào buổi chiều, Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ lại cùng cán bộ Công an xã chạy xe máy tới thăm nhà dân ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. 

Mô hình nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động bà con Phật tử tuân thủ các quy định của pháp gia, tích cực tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác; kịp thời cung cấp cho cơ quan Công an các thông tin liên quan đến an ninh trật tự ở địa phương cũng như trong khu vực chùa; không lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đạt hiệu quả cao trong công tác chuyển hóa địa bàn.

2. Cùng chung quan điểm với Trung tá Nguyễn Thanh Thuỳ, Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng Công an xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề khẳng định: "Nếu không gần dân, sát dân thì không thể nắm bắt kịp thời thông tin và ngăn chặn những chiêu trò lừa đảo mà kẻ xấu nhằm vào dân, nhất là những người nghèo. Thời gian qua, Công an xã chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân về hàng loạt các chiêu thức lừa đảo mới, nhất là tín dụng đen; phân tích cho người dân thấy tác hại cụ thể, lâu dài của hình thức vi phạm pháp luật này.

Dẫn chúng tôi tới nhà gia đình vợ chồng anh Trần Út Em (SN 1987) ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Thiếu tá Thạch Quốc Thi kể, nhiều năm trước, anh trai của Út Em bị bệnh nặng phải truyền máu. Bán xe và các vật dụng khác trong gia đình không đủ tiền trị bệnh cho anh, Út Em nghe lời kẻ xấu đã đi trộm cắp tài sản và bị chủ nhà phát hiện.

"Khi đó anh Thi là Đội phó đội thi hành án của Công an huyện. Anh ấy đã giúp tôi rất nhiều. Năm 2016, khi tôi ra tù, anh bảo lãnh cho tôi đi làm cao su ở Bình Phước, Đồng Nai rồi làm cho các đầm tôm trong huyện. Khó khăn đến mấy vợ chồng tôi cũng chịu được, chỉ mong sao cuộc sống gia đình khấm khá hơn, 3 con lớn lên ngoan ngoãn, không mắc sai lầm như tôi", anh Trần Út Em tâm sự.

z4675036342284_32b710bd87cdf59eff9914c1fc05fdb0.jpg -1
Thiếu tá Thạch Quốc Thi trò chuyện với vợ chồng anh Trần Út Em.

Anh cũng kể rằng, tiết kiệm mãi rồi vợ chồng anh cũng xây được căn nhà mái bằng một tầng. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình. Anh không còn làm ở đầm tôm nữa vì người chủ cũng đang gặp khó khăn. Hiện giờ anh làm thợ hồ nhưng công việc lúc có lúc không. Lần này, vợ chồng anh lại đang nhờ Thiếu tá Thi hỗ trợ để được vay vốn mở hàng tạp hóa nho nhỏ ngay tại ngôi nhà mới xây năm 2020.

"Có nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay nhanh nhưng tôi không gọi. Tôi nhớ lời anh Thi dặn là khó khăn gì cứ báo chính quyền, Công an xã. Địa phương luôn có các chính sách hỗ trợ, chỉ cần người dân đề xuất và chứng minh được nhu cầu vay chính đáng của mình là sẽ xem xét và cho vay. Chẳng tội gì mà đi nghe những lời ngon ngọt của kẻ xấu. Vì thế, mỗi khi rảnh, tôi lại đề xuất anh Thi cho mình được tham gia các buổi nói chuyện, tuyên truyền với bà con trong xã về việc nâng cao cảnh giác và chấp hành nghiêm pháp luật. Tôi muốn dùng bài học của mình cảnh tỉnh mọi người. Đây cũng là cách mà tôi có thể bày tỏ được lòng biết ơn của mình trước sự hỗ trợ của chính quyền và Công an xã - những người đã giúp tôi và gia đình có cuộc sống mới đàng hoàng hơn", anh Trần Út Em chia sẻ.

3. Với lợi thế là người Khmer, Trung tá Lý Sà Rinh, Trưởng Công an xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên dễ dàng giao tiếp, tạo thiện cảm với bà con ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Anh thường xuống địa bàn lắng nghe, chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân. Với phương châm "trọng dân, gần dân" và do am hiểu văn hóa, tiếng nói cũng như sinh hoạt của người Khmer nên Trung tá Rinh thuận lợi hỗ trợ bà con khi cần.

Công an xã ở Sóc Trăng: Dân vận khéo  trong vùng dân tộc Khmer -2
Trung tá Lý Sà Rinh, Trưởng Công an xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đang tuyên truyền với bà con trong xã về chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

"Thường thì hàng tháng hoặc các ngày lễ, tết của đồng bào Khmer, chúng tôi sẽ triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các điểm chùa, các điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân tộc Khmer… để bà con nắm được âm mưu của các thế lực thù địch, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa. Chúng tôi cũng  thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc người có uy tín để kịp thời nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và thông tin cho họ những vấn đề mang tính thời sự. Tín hiệu mừng là thời gian qua đã có nhiều người dân tộc Khmer tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương", Trung tá Rinh nói.

Đáng chú ý, Trung tá Lý Sà Rinh còn khuyên nhủ người dân, nhất là đồng bào Khmer lo cho con cái học hành, lấy cái chữ để cải thiện cuộc sống. Anh còn lấy trường hợp của mình ra làm ví dụ để bà con thấy có ăn có học, cuộc sống sẽ tốt hơn. Hộ nào không có tiền mua sách vở, đóng học phí, anh hướng dẫn làm hồ sơ để được hưởng các chính sách của Chính phủ. "Mưa dầm thấm lâu", nỗ lực vận động học sinh đến trường của người cán bộ Công an đã tạo đà cho ước mơ của nhiều trẻ em người dân tộc Khmer bay cao.

Sông Thương

.