Kia
Mobifone

Sau cơn mưa, trời lại sáng

Chủ Nhật, 23/05/2021, 12:24
Hơn một thập niên gắn bó, CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) cuối cùng cũng chia tay Ngân hàng Bắc Á trong êm đẹp, chấm dứt mối nghiệt duyên kỳ lạ nhất lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa một đơn vị tài trợ và một CLB. Sau “đêm đen”, đội bóng xứ Nghệ bắt đầu thấy “ánh sáng của bình minh”, cho dù đó có thể là một “bầu trời mới” đầy tranh cãi.


Mối lương duyên từ “đêm đen”

Số phận trêu ngươi, con tạo xoay vần, hẳn vẫn nhiều người còn nhớ SLNA khốn khổ ra sao khi V-League bắt đầu lên chuyên nghiệp. Vốn là đội mạnh nhờ lò đào tạo chất lượng nhưng SLNA thi đấu lẹt đẹt trong những năm đầu thế kỷ 21. Phải đến năm 2004, SLNA mới chính thức nhận tài trợ từ Công ty Cp Bảo hiểm PJICO, qua đó bớt phụ thuộc vào “bầu sữa” từ Sở Thể dục - Thể thao Nghệ An.

Sự ra đi của Lê Công Vinh mở ra thời kỳ mới cho CLB Sông Lam Nghệ An.

Tuy vậy, nguồn lực tài chính của PJICO không thể giúp SLNA thoát khỏi khủng hoảng trong bối cảnh một loạt đại gia khác nổi lên mạnh mẽ, từ các tân binh như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An cho đến Becamex Bình Dương. Chỉ sau 2 năm, PJICO xin rút lui. Năm 2007, SLNA nhận tài trợ từ Công ty Tài chính dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Giống như thời PJICO, đội bóng xứ Nghệ cũng buộc phải đổi tên theo nhà tài trợ, chuyển thành CLB Bóng đá Tài chính dầu khí Sông Lam Nghệ An.

Kịch bản cũ lặp lại. Cho dù tên tuổi nhà tài trợ cực kỳ hứa hẹn nhưng SLNA không thể bứt lên trong môi trường V-League cực kỳ khốc liệt. Ở thời điểm đó, V-League được xem là giải đấu hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á, thu hút các ngôi sao hàng đầu từ Thái Lan và có dàn ngoại binh chất lượng đến từ châu Phi, châu Mỹ.

Năm 2008 đánh dấu bước ngoặt lớn với SLNA, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dừng tài trợ. Cùng thời điểm, hai ngôi sao hàng đầu của CLB - thủ môn Dương Hồng Sơn và tiền đạo Lê Công Vinh khăn gói ra Hà Nội, gia nhập đội bóng của bầu Hiển với mức phí lót tay kỷ lục.

Tháng 10-2009, Công ty Cp Bóng đá Sông Lam Nghệ An được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Ngân hàng Bắc Á làm chủ. Mô hình này từng thành công ở Đà Nẵng với SHB và được chờ đợi sẽ giúp SLNA thoát khỏi đêm đen của gần một thập niên sống với bóng đá chuyên nghiệp.

Ngân hàng Bắc Á và CLB Sông Lam Nghệ An đã đạt đỉnh từ... 10 năm trước, với chức vô địch V-League 2011.

Trong thực tế, Ngân hàng Bắc Á và SLNA đã có “tuần trăng mật” đẹp như mơ. Với các nước đi chính xác ở thời điểm đó, bao gồm việc mời “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh làm Chủ tịch và bổ nhiệm Nguyễn Hữu Thắng làm HLV trưởng, SLNA đã giành chức vô địch Cúp Quốc gia 2010 - danh hiệu chính thức đầu tiên của họ kể từ Siêu cúp Quốc gia 2002.

Một năm sau đó, SLNA bước lên đỉnh cao. Đúng một thập niên từ ngày vô địch V-League thời sơ khai, đội bóng thành Vinh lại đăng quang một lần nữa. Mọi chuyện càng tuyệt vời hơn cho SLNA khi lên ngôi sau trận hòa 1-1 với Hà Nội T&T. Điều đáng tiếc duy nhất của SLNA trong năm 2011 là thất bại tan nát trước Navibank Sài Gòn trong trận chung kết Cúp Quốc gia trên sân Thống Nhất. Tuy nhiên, ít ai ngờ đó lại là dấu hiệu cho một thời kỳ buồn tẻ khác của bóng đá xứ Nghệ.

Nghiệt duyên

Sau 2 năm đầu tiên “mặn nồng”, SLNA và Ngân hàng Bắc Á tiến thêm một bước. Từ mùa giải 2012, logo “Bắc Á Bank” xuất hiện trên áo đấu của SLNA. Ngân hàng này cũng trực tiếp phê duyệt các đề án phát triển đội bóng, rót tiền giữ chân và mua cầu thủ.

Sự thay đổi này vô hình trung kìm hãm sức mạnh của SLNA. Từ vị thế đội bóng mạnh nhất Việt Nam, SLNA dần dần tụt lại. Thứ hạng của họ giảm dần theo từng năm. Sau 2 lần liên tiếp về đích ở V-Leauge 2012 và 2013, SLNA rơi xuống hạng 5 vào năm 2014, hạng 7 vào năm 2015 và chạm đáy ở hạng 9 vào năm 2016.

Năm 2014, HLV Nguyễn Hữu Thắng ra đi, nhường chỗ cho HLV Ngô Quang Trường nhưng tình hình không được cải thiện. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Bắc Á vẫn rót tiền cho SLNA đầu tư lực lượng. Trước mùa giải năm 2016, SLNA đã ký hợp đồng 2 năm với thủ môn Nguyên Mạnh cùng mức lót tay 2 tỷ/1 mùa - kỷ lục của CLB thời bấy giờ. Ngoài ra, họ cũng bạo chi chiêu mộ 2 ngoại binh khủng Odah và Baba, những người hưởng lương đến 8.000 USD/tháng.

Tuy vậy, thành tích của đội ngày càng đi xuống. Kết quả tồi tệ ở mùa giải 2016 khiến ban lãnh đạo SLNA vội vã thay đổi, mời HLV Nguyễn Đức Thắng về thay HLV Ngô Quang Trường. Sự thay đổi này lập tức mang lại kết quả. Thế nhưng, chức vô địch Cúp Quốc gia năm 2017 giống như phút giây lóe sáng cuối cùng của sao băng SLNA trước khi tắt ngúm, bởi lẽ ở V-League cùng mùa, đội bóng này cũng chỉ về đích thứ 8. Rồi những năm sau đó, SLNA lại đi vào vòng luẩn quẩn của chính họ.

CLB Sông Lam Nghệ An chuẩn bị có hàng loạt hợp đồng tiền tỉ dưới thời Tân Long.

Năm 2019, HLV Nguyễn Đức Thắng ngậm ngùi rời sân Vinh sau khi SLNA kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7 - kém 3 bậc so với một năm trước đó. Lần này, người thay thế Đức Thắng lại là HLV Ngô Quang Trường.

Cũng trong giai đoạn này, người hâm mộ xứ Nghệ mới vỡ lỡ ra Ngân hàng Bắc Á vốn không phải là nhà tài trợ của SLNA. Thay vào đó, số tiền mà ngân hàng này rót vào CLB được tính là tiền cho Công ty Cp Bóng đá... vay nợ. Khoản nợ sau đó lên đến 450 tỷ đồng và cũng là một trong những yếu tố chính khiến đội bóng thành Vinh rơi lại vào cuộc khủng hoảng mà họ đã cố trốn chạy cách đó hơn 10 năm. Trong khi đó, số tiền 25 tỷ đầu tư cho đội trẻ vốn là hỗ trợ từ UBND tỉnh Nghệ An.

Đầu năm 2019, Ngân hàng Bắc Á đã muốn rút khỏi SLNA nhưng không thành công. Trong một thời gian dài, SLNA không thể tìm kiếm nhà tài trợ nào có thể gánh khoản nợ của công ty chủ quản CLB. Đây là giai đoạn đội bóng xứ Nghệ chịu thêm một đợt chảy máu tài năng nghiêm trọng, đáng kể nhất là mất đội trưởng Quế Ngọc Hải vào tay Viettel FC. Phải đến năm nay - sau 2 năm đàm phán liên tục giữa Ngân hàng Bắc Á và CLB, khi SLNA đứng trước nguy cơ xuống hạng, ngân hàng này mới đồng ý xóa nợ cho CLB dễ bề chuyển giao cho đơn vị tài trợ mới.

Sau cơn mưa, trời lại sáng

Cách đây một tuần, SLNA vẫn là một mớ bòng bong đúng nghĩa. Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh và HLV Ngô Quang Trường lần lượt phải từ chức vì kết quả kém chưa từng thấy của đội bóng. Lần đầu tiên trong lịch sử V-League, SLNA có nguy cơ xuống hạng trông thấy.

Thực tế chỉ ra rằng, việc Chủ tịch Hồng Thanh và HLV Quang Trường lùi lại hậu trường chỉ giúp thỏa mãn cơn giận dữ của đám đông người hâm mộ SLNA. Sự kiện này hoàn toàn không có tác động đủ lớn để thay đổi thành tích thi đấu của CLB. Dưới thời HLV tạm quyền Huy Hoàng, SLNA tiếp tục thất bại và chết dí ở vị trí bét bảng.

Các tài năng trẻ Sông Lam Nghệ An sẽ có điều kiện tốt nhất để phát triển trong những năm tới.

“Ánh sáng bình minh” của hy vọng chỉ đến với SLNA khi Tập đoàn Tân Long xuất hiện cùng khoản tài trợ hứa hẹn lên đến 100 tỷ đồng/mùa. Nhằm thể hiện sự cam kết với CLB, tập đoàn này lập tức chi tiền cho SLNA giữ chân Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh với đề nghị lót tay lên đến 9 tỷ đồng cho 3 mùa giải. Con số này tương đương số tiền Quế Ngọc Hải nhận được khi rời sân Vinh và chỉ kém Công Vinh, Như Thành trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, Tân Long sẽ có những động thái mạnh mẽ nhằm cải tổ triệt để các vấn đề gốc rễ của SLNA. Anh em nhà Văn Sỹ Sơn sẽ ngồi vào ghế giám đốc, khép lại 2 thập niên điều hành đầy tai tiếng của Hồ Chiêm và Hồng Thanh. Sân Vinh bắt đầu được cải tạo, bắt đầu từ những thứ bình thường nhất như cổng ra vào. Lứa trẻ đầy tiềm năng của SLNA cũng được Tân Long bao nuôi thay vì lấy kinh phí của tỉnh. Chỉ sau một đêm, SLNA từ chỗ không thấy tương lai bỗng chốc trở thành một đại gia mới của V-League.

Cuộc chuyển giao của SLNA lẽ ra cực kỳ hoàn hảo nếu như Tập đoàn Tân Long không liên quan đến... bầu Hiển. Người hâm mộ SLNA từng kịch liệt phản đối các nhà tài trợ nằm trong hệ sinh thái bóng đá của ông bầu này trong quá khứ. Nhưng, hiện tại, họ không có lựa chọn nào khác. Nếu không có gì bất ngờ, SLNA sẽ gia nhập vào hội “những thằng gầy” ở V-League như lời bầu Đức từng nói. Câu chuyện về mối quan hệ thực sự giữa CLB này sẽ là đề tài tranh cãi không bao giờ kết thúc và người hâm mộ xứ Nghệ cũng cần phải dần làm quen với nó.

Ngược lại, Tân Long không có gì phải lo lắng về những phản ứng có phần tiêu cực của người hâm mộ bản địa. Những bước đi đầu tiên của Tân Long quá tốt, hứa hẹn sẽ đưa SLNA trở lại đúng vị trí mà họ xứng đáng, bắt đầu bằng nhiệm vụ trụ hạng ở mùa này.

SLNA sẽ tiếp tục được giữ tên truyền thống của CLB. Lò đào tạo trẻ lừng danh của họ chịu nhiều bất cập, liên tục chảy máu tài năng trong những năm qua sẽ được tái thiết toàn diện. Tân Long sẽ xây dựng lại tất cả dựa trên nền tảng lòng tự hào, tự tôn của địa phương. Khi ấy, các kết quả cụ thể sẽ thay họ chứng minh và thuyết phục đám đông. Chuyện gầy, béo không còn thực sự quan trọng.

An Khánh

.
.