Kia
Mobifone

Hứa với dân thì phải làm...

Thứ Năm, 20/05/2021, 09:53
Ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng 4 ứng viên Đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Thanh Hóa.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Khóa tới, chúng tôi với cương vị của mình, trước hết nói một làm mười, hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông, không chỉ làm tròn trọng trách của mình mà còn góp phần vào quyết sách lớn của Quốc hội"…

Sau buổi tiếp xúc, nhiều cử tri thể hiện sự tin tưởng các ứng viên trúng cử sẽ làm tròn trọng trách người đại biểu của dân và thực hiện tốt những lời hứa, cam kết trong chương trình hành động.

Từ những hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử của các kỳ Quốc hội gần đây cho thấy, nhiều nơi, cử tri đến chật sân đình, nhà văn hoá, trụ sở của chính quyền địa phương… Cử tri đến, mang theo niềm tin vào người mà họ bầu ra làm đại diện cho mình, nên họ rất nhớ những gì mà người đại biểu nói và hứa. Tuy nhiên tình trạng cán bộ hứa mà không làm không phải là ít.

Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết, trở thành “món nợ” đối với cử tri khi tiếp tục chuyển sang Quốc hội khoá XV sắp tới.

Nhiều vấn đề bức xúc của dân như về dạy thêm và học thêm; về chất lượng sách giáo khoa; tỷ lệ sinh viên mới ra trường thất nghiệp; Vấn đề cải cách tiền lương; về đạo đức của lương y; về giá thuốc tân dược; về thái độ phân biệt đối xử giữa bệnh nhân khám dịch vụ tự nguyện với bệnh nhân khám theo thẻ bảo hiểm y tế; việc tắc đường, ngập úng tại các đô thị, cũng như việc ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân... Và những "người chủ" là nhân dân vẫn đang bị các "công bộc, đầy tớ" sách nhiễu. Khi có việc phải đến chốn công đường, người dân nói chung, các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang ở vị thế “người dưới”, "người đi xin", còn các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước ở vị thế “kẻ trên”, "kẻ có quyền cho".

Theo dõi nhiều cuộc chất vấn về những vấn đề bức xúc của người dân tại nghị trường Quốc hội, thì đa phần các thành viên trong Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành tỏ ra rất nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của dân, thậm chí còn thể hiện sự "dằn vặt, buồn lòng" trước tình trạng người dân và các doanh nghiệp bị hành, những vấn đề quốc kế dân sinh mà người dân quan tâm chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Trên diễn đàn đối thoại, nhiều vị đã xin hứa: “Nhanh chóng tháo gỡ”; “Đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm”; “Giải quyết dứt điểm"; “Kiên quyết xử lý”… nhưng "lời nói gió bay", họp xong, hứa rồi, mọi việc trong thực tế vẫn không hề thay đổi. Tới kỳ họp sau không thấy nhắc đến việc lần trước ai đã hứa mà chưa làm, lý do tại sao? Hứa suông đã được sử dụng một cách triệt để nhằm làm "hạ nhiệt" nghị trường và dư luận.

“Hứa suông” cũng lý giải vì sao trong Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Quốc hội vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết, trở thành “món nợ” đối với cử tri khi tiếp tục chuyển sang Quốc hội khoá XV sắp tới.

Hứa thì dễ, hứa cho vừa lòng cũng không quá khó. Chỉ mỗi hiện thực hóa lời hứa mới là thách thức. Vấn đề là làm thế nào để lời hứa được thực thi trọn vẹn, hoặc ít nhất cũng được vài phần trong đó. Đấy là câu chuyện tất nhiên không phải của một ngày.

Vẫn biết để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan, nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người hứa. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu những bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của người dân và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của người dân.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV sắp tới, cử tri mong rằng, các vị đại biểu hiểu rõ trách nhiệm của mình và khi được nhân dân tin tưởng bầu ra sẽ không làm cử tri thất vọng.

Người dân không bắt các ứng viên phải hứa, nhưng lại luôn có quyền đòi hỏi người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình phải thực hiện lời hứa. Các ứng cử viên luôn phải tâm niệm lời hứa trước cử tri là bản khế ước và là sự cam kết đầy lương tâm và trách nhiệm.

Có những lời hứa cần được công bố rộng rãi để mọi người theo dõi và kiểm chứng, nhưng cũng có lời hứa không nhất thiết phải nói ra, đó là khi các đại biểu dân cử tự hứa với lòng mình “hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông”. Suy cho cùng, dù là lời hứa vô tình thốt ra, hay lời hứa với tràn đầy sự chân thành, thì đó vẫn là một sự cam kết thực hiện đến cùng và qua đó lòng tin của nhân dân vào những lời hứa mới thực sự ý nghĩa.

Cù Tất Dũng

.