Kia
Mobifone

Trái phiếu vĩnh viễn - lối thoát cho nền tài chính EU?

Thứ Ba, 08/12/2020, 08:07
Liên minh châu Âu (EU) hiện không thể nhất trí về các điều khoản về điều kiện giải ngân ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi EU. Các điều khoản này đã được đa số các quốc gia thành viên đồng ý, ngoại trừ hai quốc gia là Hungary và Ba Lan.

Cách EU đối phó với sự phản đối của Hungary và Ba Lan sẽ quyết định xem liệu EU có tồn tại như một xã hội cởi mở đúng với các giá trị khi họ được thành lập hay không.

 “Ngáng đường” ngân sách dài hạn?

Hungary và Ba Lan đã phủ quyết ngân sách kéo dài 7 năm được đề xuất của EU trị giá 1,15 nghìn tỷ euro và quỹ phục hồi châu Âu trị giá 750 tỷ euro. Mặc dù hai quốc gia này là những bên hưởng lợi nhiều nhất từ ngân sách nhưng chính phủ của họ kiên quyết phản đối quy định mà EU đã thông qua theo lệnh của Nghị viện châu Âu.

Thủ tướng Hungary Victor Orbán lo ngại rằng điều khoản mới của EU sẽ đặt ra những giới hạn thực tế đối với hành vi tham nhũng cá nhân và chính trị của ông. Ông Orbán lo lắng đến mức đã ký một thỏa thuận hợp tác mang tính ràng buộc với Ba Lan, kéo quốc gia này ngồi cùng thuyền với mình.

Kế hoạch phục hồi được xây dựng nhằm thúc đẩy kinh tế của khối sau những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc kế hoạch này chưa được thông qua sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản tiền ngân sách vào thời điểm 27 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai và kinh tế của khối đang đối mặt với nguy cơ suy thoái trong những tháng cuối năm. Mặt khác, hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ không thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn hiện nay.

Điều này kéo theo hệ lụy đối với hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm đầu dịch COVID-19 là Italy và Tây Ban Nha vốn đang mong chờ gói phục hồi này để tái thiết nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

George Soros cho rằng lối thoát của EU hiện nay là từng quốc gia đơn lẻ phát hành trái phiếu vĩnh viễn.

Trái phiếu vĩnh viễn - lối thoát của EU?

Theo George Soros, Chủ tịch Quỹ quản lý tài sản Soros Fund Management và Tổ chức thiện nguyện Open Society Foundation, lối thoát của EU hiện nay là từng quốc gia đơn lẻ phát hành trái phiếu vĩnh viễn (trái phiếu không có ngày đáo hạn). Ông Soros trước đó từng nói rằng EU nên phát hành "trái phiếu vĩnh viễn" với tư cách toàn bộ liên minh EU. Trái phiếu vĩnh viễn mang lại một lợi thế lớn là tiền gốc không phải hoàn trả mà chỉ phải trả tiền lãi hằng năm khi đến hạn. Giá trị hiện tại được chiết khấu của các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai giảm dần theo thời gian - giá trị này sẽ dần tiệm cận nhưng không bao giờ đạt mức bằng 0.

Một nguồn tài chính nhất định - ví dụ, 1,8 nghìn tỷ euro theo kế hoạch - sẽ tăng gấp nhiều lần nếu số tiền này được sử dụng để phát hành trái phiếu vĩnh viễn thay vì trái phiếu thông thường. Điều này sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề tài chính của châu Âu.

Điều này chưa từng có tiền lệ tại EU, nhất là với giá trị lớn như vậy. Tuy nhiên, trong quá khứ, chính phủ một số quốc gia đã từng dựa vào loại trái phiếu này để huy động tiền vào một số mục đích đặc biệt. Trong đó, nổi tiếng nhất là trường hợp nước Anh phát hành công trái hợp nhất để tạo nguồn lực cho cuộc chiến tranh của Napoleon, cũng như trái phiếu dành cho chiến tranh thế giới thứ nhất.

Những trái phiếu này vẫn được giao dịch tại London cho tới tận năm 2015, sau đó cả 2 loại đã được Chính phủ Anh thu hồi. Hay vào những năm 1870, Quốc hội Mỹ cũng phát hành trái phiếu vĩnh viễn để củng cố thị trường trái phiếu nội địa, đồng thời phát hành thêm một số đợt vào các năm sau đó.

Tuy nhiên, giờ đây, ông Soros đã thay đổi suy nghĩ của mình về cách EU nên đối phó với thế bế tắc tài chính trong đại dịch COVID-19 và cảnh báo rằng các nhà đầu tư hiện đã mất niềm tin về việc khối chính trị này sẽ vượt qua khủng hoảng. Do không có ngày đáo hạn nên tổ chức phát hành sẽ không thu hồi trái phiếu này và coi như người nắm giữ trái phiếu sẽ sở hữu một "khoản cho vay" có thể coi là vĩnh viễn, chính vì vậy họ cũng sẽ được hưởng lãi suất mãi mãi.

Giải pháp này được đưa ra trong giả định rằng EU sẽ tồn tại mãi mãi và do đó tiếp tục trả lãi lại cho người cho vay. Trái phiếu vĩnh viễn cũng được đưa ra để cho phép khu vực tài trợ cho các dự án với chi phí thấp.

Tuy vậy, tranh cãi gần đây giữa Ba Lan, Hungary và phần còn lại của EU đã đặt khối này vào một “tình thế rất khó khăn”. Phát biểu với The Guardian, ông nói: “Ngay bây giờ, EU sẽ không thể phát hành trái phiếu vĩnh viễn, bởi vì các quốc gia thành viên quá chia rẽ. Các nhà đầu tư sẽ chỉ mua trái phiếu vĩnh viễn từ một tổ chức mà họ tin rằng sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai gần... Đáng buồn thay, điều đó không đúng với EU ngày nay”.

Sự bế tắc này sẽ không sớm kết thúc trong tương lai gần và nó đặt ra câu hỏi về tương lai của EU, nơi nhiều quyết định quan trọng cần được thực hiện bằng sự đồng thuận. Sự bế tắc này cũng đặt ra nguy cơ với kế hoạch giải ngân gói kích thích của EU trong đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, nền kinh tế EU dự kiến sẽ thu hẹp hơn 7% trong năm nay và các quốc gia mắc nợ cao đang dựa vào các quỹ châu Âu để hỗ trợ nền kinh tế của họ.

Để vượt qua những thách thức ở cấp độ EU, ông Soros đề nghị rằng các quốc gia riêng lẻ nên tự phát hành trái phiếu vĩnh viễn. Ông nói: “Chúng nên được phát hành bởi các quốc gia thành viên - những thực thể chắc chắn có sự tồn tại lâu dài, được các nhà đầu tư dài hạn như các công ty bảo hiểm nhân thọ chấp nhận. Nếu một quốc gia phát hành trái phiếu vĩnh viễn, nó sẽ mang lại lợi ích rằng các quốc gia châu Âu khác sẽ nhận thấy đó là một ví dụ đáng để noi theo”.

Ông lập luận rằng ý tưởng này cũng sẽ cho phép các quốc gia tiết kiệm tiền, cho rằng đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các nước như Hà Lan và Phần Lan. Cuối cùng, EU có thể phát triển đủ mạnh để phát hành trái phiếu vĩnh viễn dưới danh nghĩa của chính mình. Và khi đó, trái phiếu vĩnh viễn do EU phát hành sẽ có sức hấp dẫn trên thị trường. EU không cần tạo nên một hệ thống hay cấu trúc mới để phát hành loại trái phiếu này.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

.
.