Thử thách đầu tiên của ông Kishida

Thứ Tư, 20/10/2021, 20:48

Ngày 14-10, truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin về sự kiện tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc bầu cử khởi động vào ngày 19-10 và chính thức bỏ phiếu vào ngày 31-10.

Đây được cho là thử thách lớn đầu tiên mà ông Kishida phải đối diện sau khi được bầu làm tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tân Thủ tướng Nhật Bản. Kết quả bầu cử này được cho là sẽ quyết định thành bại của ông Kishida trong nhiệm kỳ của mình.

Mượn nước đẩy thuyền...

Ông Kishida tiếp quản vị trí đứng đầu chính phủ trong bối cảnh các nghị sĩ Hạ viện khóa này mãn nhiệm vào ngày 21-10. Trong ngày nhậm chức 4-10, ông Kishida bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện càng sớm càng tốt và đảm đương chức vụ với sự ủng hộ của tất cả người dân.

Thử thách đầu tiên của ông Kishida -0
Cuộc bầu cử Hạ viện lần này là thử thách lớn đầu tiên của ông Kishida trên vị trí tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) và tân Thủ tướng

Đài Truyền hình NHK đánh giá, đây sẽ là một cuộc bầu cử khá bất thường. Tức là từ khi tân thủ tướng nhậm chức đến ngày ông tuyên bố giải tán Hạ viện chỉ vỏn vẹn có 10 ngày và từ khi Hạ viện giải tán đến khi bỏ phiếu chính thức chỉ có 17 ngày. Tất cả đều trong khoảng thời gian ngắn nhất kể từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, theo các phân tích, một là đằng nào thì nhiệm kỳ của các hạ nghị sĩ cũng sắp hết; hai là sau khi có nội các mới, cuộc bầu cử được tổ chức càng sớm thì sẽ càng có lợi cho LDP, vì nội các mới thường mang đến cảm giác tươi mới và sự kỳ vọng của người dân cũng sẽ khiến tỷ lệ ủng hộ tăng lên. Đó là lý do ông Kishida nhanh chóng giải tán Hạ viện và mong chờ một cuộc bầu cử mới.

Ngay sau khi ông Kishida tiết lộ kế hoạch bầu cử Hạ viện vào cuối tháng 10, đảng cầm quyền và các đảng đối lập đã bước vào chiến dịch tranh cử. LDP và đảng Dân chủ lập hiến (CDPJ) - đảng đối lập lớn nhất tại Nhật Bản - đã lần lượt công bố cương lĩnh tranh cử vào ngày 12 và 13 tháng 10. CDPJ chọn cách hợp lực với đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP), đảng Reiwa Shinsengumi và công bố cương lĩnh tranh cử mang tên "Chính sách cầm quyền năm 2021" với khẩu hiệu "Cải cách là vì các bạn", với nội dung muốn chấn hưng tầng lớp trung lưu, cải thiện đời sống của người dân bằng cách cắt giảm thuế tiêu dùng... Lãnh đạo CDPJ Edano Yukio hy vọng cuộc bầu cử lần này là bước đầu tiên cho một cuộc cải cách chính trị.

Trong khi đó, khẩu hiệu tranh cử lần này của LDP là "Cùng bạn tạo ra kỷ nguyên mới", với cương lĩnh tranh cử bao gồm 8 lĩnh vực trọng điểm như ngoại giao, an ninh, sửa đổi hiến pháp... Dường như cương lĩnh này thể hiện nhiều hơn quan điểm của bà Sanae Takaichi - nhân vật bảo thủ thuộc cánh hữu trong nội bộ LDP, trong khi dấu ấn cá nhân của ông Kishida lại có vẻ chưa được đậm nét.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy mặc dù LDP vẫn đang nắm lợi thế nhất định nhưng chưa hoàn toàn yên tâm. Tờ Sankei và mạng tin tức Fuji đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ LDP là 45,3%, trong khi tỷ lệ ủng hộ CDPJ chỉ là 6,4%. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản vẫn mong muốn đảng đối lập này có thể đóng vai trò kiềm chế đảng cầm quyền. Có 22,1% số người được hỏi hy vọng số ghế của đảng cầm quyền tại Hạ viện sẽ tăng lên, trong khi 35,9% muốn số ghế của đảng đối lập tăng lên.

Và những thách thức

Về đối nội, kiểm soát dịch bệnh được cho là thách thức lớn nhất mà nội các của Thủ tướng Kishida hiện nay phải đối mặt. Mặc dù gần đây đại dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã có những chuyển biến tích cực nhưng giới chuyên gia nước này vẫn đưa ra cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch có thể sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thử thách đầu tiên của ông Kishida -0
Lịch sử chính trường Nhật Bản đã chứng minh nội các nào không có thành tích tốt trong lĩnh vực kinh tế sẽ không có được tỷ lệ ủng hộ cao từ dân chúng

Thách thức lớn thứ hai là tăng trưởng kinh tế. Lịch sử chính trường Nhật Bản đã chứng minh, nội các nào không có thành tích tốt trong lĩnh vực kinh tế sẽ không có được tỷ lệ ủng hộ cao từ dân chúng và cuối cùng đều thất bại. Cùng với việc đề xuất chủ trương cải cách hệ thống phân phối nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và mở rộng tầng lớp trung lưu, ông Kishida trong chiến dịch tranh cử của mình còn cho biết sẽ áp dụng gói kích thích tài chính với quy mô hàng chục nghìn tỉ yên để thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, với số nợ khổng lồ của chính phủ hiện nay, biện pháp này có thể sẽ khiến tình trạng tài chính của Nhật Bản trở nên xấu hơn.

Thách thức nữa là việc xử lý quan hệ với các nghị sĩ kỳ cựu và các phe phái khác trong nội bộ LDP. Trong khi đó, việc xử lý quan hệ với các nước láng giềng cũng là một thách thức lớn mà ông Kishida phải đối mặt. Trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch LDP, ông Kishida đã có nhiều phát ngôn cứng rắn để lấy lòng thế lực bảo thủ trong đảng, thay đổi đường lối ổn định trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh liên tục xảy ra các cuộc va chạm với các nước láng giềng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản, ông Kishida sẽ phải đưa ra các lựa chọn cân nhắc hơn và điều đó sẽ khó mà hài lòng được tất cả mọi người.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.