Kia
Mobifone

Những lỗ hổng trong nhận thức

Thứ Năm, 11/01/2018, 09:25
Có một vụ án mà không biết diễn tả thế nào cho nó hết cái cảm giác vừa thương vừa giận, vừa buồn cười vừa căm phẫn, vừa hài hước vừa bi kịch, ấy là vụ mấy đứa trẻ rủ nhau ra đường cao tốc chặn xe vừa trấn lột tiền của lái xe vừa… tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội.


Ban đầu thì ai cũng đùng đùng nổi giận. Sao lại có cái bọn ngông nghênh thách thức pháp luật đến như thế, trấn lột trắng trợn thế, cướp như ở chốn không người thế, nhưng sau thì… sửng sốt. Bọn này không coi đấy là phạm pháp, không biết đấy là tội trọng, mà chúng chỉ nhận thức đấy là… đùa, là chơi.

Rõ ràng là nhận thức pháp luật nói riêng, và nhận thức xã hội, nhận thức cuộc sống của mấy đứa này là có vấn đề, là thiếu hụt trầm trọng nếu không muốn nói là, có vẻ như chúng không biết gì về cuộc sống đương đại, không biết gì về những điều xảy ra xung quanh.

Chúng hành xử hoàn toàn bản năng, vô thức như thời hồng hoang.

Nhưng chúng lại sống ở thế kỷ XXI, ở cái thời mà giáo dục đã được phổ cập đến toàn dân, kiến thức pháp luật cũng thế, rồi các phương tiện truyền thông, rồi các hệ thống chính trị từ Trung ương tới xóm. Nếu một người thì có khi còn bảo là nó bị thiểu năng, là bột phát, nhưng đây là cả một nhóm hàng chục đứa, thì rõ ràng, có một lỗ hổng, chí ít là một điều gì đấy, có thể ngay lập tức chúng ta chưa cắt nghĩa ra, nhưng các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải lý giải, để cả một nhóm thanh niên hành động như người rừng như thế.

Cơ quan Công an đã khởi tố điều tra vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh.

Mới nhất, vụ nổ ở Bắc Ninh cũng gây cho chúng ta sự nhức nhối lẫn kinh hoàng.

Chả biết trên thế giới còn có nước nào tồn tại nghề… cưa bom để lấy thuốc nổ và sắt phế liệu không? Ở Việt Nam, hằng ngày hằng giờ vẫn có những người thản nhiên làm việc ấy. Họ hồn nhiên vô tư làm, ngay trong khu dân cư, bên cạnh hàng đống phế liệu mua về chưa xử lý, trong ấy rất nhiều bom, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả, vừa hút thuốc, bên họ là quây quần gia đình vợ con cháu chắt. Nên cái sự mua gom về tích trữ cả kho đạn ở Bắc Ninh cũng là… bình thường thôi. Chỉ đến khi phát nổ thì ta mới thấy là nó… bất thường.

Và khi nhận ra là nó bất thường thì hậu quả vô cùng đau lòng đã xảy ra rồi. Vấn đề là, y như đá ném ao bèo, chỗ này nổ thì chỗ kia vẫn cưa, vẫn mua gom tích trữ, sống chết có số, họ tặc lưỡi, ông cha dạy rồi.

Ở họ, thừa hẳn sự liều mạng và thiếu rất nhiều kiến thức khoa học cơ bản, thiếu hẳn kỹ năng tồn tại, kỹ năng sống.

Tết dương lịch vừa rồi, ở các đô thị, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rộ lên nạn rác. Nhiều tấn rác đã được thải ra ở những khu tập trung đông người, mà những người tập trung về đấy đa phần là nam thanh nữ tú, những thành phần tiên tiến của xã hội.

Nhớ có lần tôi dẫn đứa cháu ngoại chưa đầy 3 tuổi, còn lẫm chẫm, lên quảng trường. Có người cho nó cái kẹo, sau khi vòng tay cám ơn thì bóc ăn và khư khư cầm tờ giấy gói trên tay, tôi bảo đưa ông thì nó không chịu, và xăm xăm đến cái thùng rác cách đấy chừng 2 chục mét kiễng chân bỏ vào. Phía trước một đoạn, một đôi tình nhân liệng cái cùi ngô xuống cỏ. Nó lại chạy đến nhặt rồi quay lại bỏ vào thùng rác.

Dù sau mấy sự kiện đêm Tết dương lịch ấy đã có hàng trăm bạn trẻ tình nguyện thức gần đến sáng để dọn rác, thì hình ảnh hàng tấn rác ngập ngụa nơi công cộng như thế chứng tỏ ý thức của một bộ phận công dân của chúng ta rất có vấn đề. Một là sự ích kỷ, chỉ biết mình không biết người, chỉ có tôi không có ta. Hai là sự giao thoa văn hóa rất kém. Có thể ở nhà họ, quê họ họ từng ứng xử như thế, nên khi gia nhập môi trường khác, họ coi như đấy là… nhà họ.

Thực ra thì ngay ở nông thôn bây giờ cũng không thể bạ đâu xả đấy được như ngày xưa nữa. Bởi nông thôn nhưng đường bê tông đường nhựa chứ không đất cát như xưa, rồi dân đông lên, chen chúc như thành phố, mỗi nhà một túi rác hằng ngày cũng sẽ ngập ngụa ngay. Và vì thế ở làng bây giờ cũng đã có dịch vụ vệ sinh, từng nhà phải đóng tiền gom rác chứ không tiện đâu vứt đấy được.

Từ xả rác vô tội vạ đến giẫm lên cỏ và cướp hoa nơi công cộng chả có khoảng cách bao xa. Nói thật là tôi hết sức xấu hổ khi nghe hoặc chứng kiến những cảnh ấy. Sự ích kỷ chỉ biết mình đã biến một chàng/ nàng hào hoa lịch sự, trong tích tắc, trở thành người vô văn hóa, hết sức xa trường học.

Và, đã nói thì nói cho hết, cái sự dám tấn công lại cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông thời gian gần đây lại là một sự ngu xuẩn không thể chấp nhận được. Chỉ một phút yêng hùng họ đã tự vùi cuộc đời mình trong tù, bởi hành động ấy khong thể tha thứ được, bất luận hoàn cảnh xảy ra là như thế nào?

Hình như, có một bộ phận công dân chúng ta, thiếu những kỹ năng, những kiến thức cơ bản về đời sống, về pháp luật, về tri thức và văn hóa?

Dù như đã nói, có vẻ như chúng ta đã phổ cập được nhiều thứ?

Văn Công Hùng

.
.