Vợ chồng siêu lừa "giăng bẫy" đại gia
- Cặp vợ chồng lừa đảo hơn 103 tỉ đồng qua mua, bán nhà
- Hàng loạt đại gia bị "sập bẫy" bởi vợ chồng siêu lừa
Từng bị TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh kết án 12 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong thời gian chấp hành hình phạt tại trại giam, Lã Thị Thùy Vân (59 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) quen biết với Lâm Phúc Lâm (61 tuổi, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh), cũng đang bị tù về hành vi lừa đảo.
Năm 2000, Vân được đặc xá tha tù trước thời hạn. Ba năm sau, Lâm cũng được tha tù và tìm gặp Vân rồi "gá" nghĩa vợ chồng. Cứ ngỡ sau một thời gian ở tù, cả hai xem đó là bài học... nhưng không, cặp đôi "ngưu tầm ngưu mã tầm mã" lại tiếp tục sử dụng "chiêu cũ" để kiếm tiền.
Một khu nhà mang bán, thế chấp cho nhiều người
Năm 2005, Vân - Lâm đứng ra thành lập Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Phúc Bảo Minh do Lâm đứng tên làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có bất động sản. Sau đó, cả hai đã dùng pháp nhân công ty này để ký hợp đồng mua bán nhà đất rồi chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân. Để phô trương thân thế, cả hai thuê hẳn một căn biệt thự ở quận Tân Bình để ở và giao dịch làm ăn.
Cũng trong năm này, đôi vợ chồng biết UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương bán hoá giá nhà chung cư 64 Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) thuộc sở hữu Nhà nước cho 20 hộ dân đang thuê sống. Vân - Lâm đã tìm đến các hộ dân hỏi mua nhà với danh nghĩa để làm dự án.
Cặp vợ chồng Vân - Lâm thời hoàng kim. |
Sau khi thống nhất giá cả và phương thức thanh toán, Vân và Lâm đã sử dụng pháp nhân công ty Phúc Bảo Minh ký hợp đồng mua nhà, đồng thời trực tiếp liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục mua hoá giá. Theo thoả thuận, ngoài tiền mua bán nhà, cả hai còn phải nộp cho nhà nước các khoản lệ phí, thuế chuyển nhượng.
Tổng số tiền vợ chồng Vân phải trả cho các hộ dân gần 3.273 lượng vàng SJC và 900 triệu đồng. Không có tiền để trả cho các hộ dân nên vợ chồng Vân đã sử dụng nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi đi giao dịch với nhiều tổ chức, cá nhân theo hình thức đầu tư, mua bán, thế chấp. Khi đi gặp gỡ với các đối tác, cả hai đều giới thiệu có nhiều nhà, trang trại và đang đầu tư nhiều dự án cao ốc nhưng vì thiếu vốn nên cần đối tác liên doanh, hợp tác làm ăn.
Đầu tháng 4-2006, vợ chồng Vân đến gặp ông L.V.H. (ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) giới thiệu công ty Phúc Bảo Minh đã thỏa thuận mua xong nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi. Vợ chồng Vân đã trả tiền cho các hộ dân gần đủ, đang làm thủ tục hóa giá và cam kết chưa bán, thế chấp, góp vốn với ai nhưng do khó khăn về tài chính nên cả hai muốn bán toàn bộ khu nhà trên. Ông L.V.H. đồng ý mua.
Đến giữa tháng 4-2006, Lâm đại diện công ty Phúc Bảo Minh ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi cho ông L.V.H với giá 33 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng không quá 4 tháng. Sau khi hợp đồng ký kết, ông L.V.H. đã nhiều lần chuyển tiền cho công ty Phúc Bảo Minh, tổng cộng hơn 27 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, vợ chồng Vân lấy lý do gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục mua hóa giá nhà để không thực hiện hợp đồng với ông H..
Đến cuối tháng 8-2007, cả hai đến nói với ông H. là chưa hoàn tất được các thủ tục mua bán với các hộ dân nên đề nghị ông H. thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền, cùng tiền phạt 3%. Sau nhiều lần cam kết trả nợ, hơn nửa năm sau (tháng 3-2008), cả hai mới thanh toán được cho ông H. 16,8 tỷ đồng.
Mặc dù đang trong thời gian thực hiện hợp đồng với ông H và nhiều người khác nhưng trong năm 2006, nhưng vợ chồng Lâm vẫn nói với bà N.T.U. (ngụ quận 1) đã mua được 13/20 căn trong khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi, còn 7 căn nữa đã thỏa thuận xong với các chủ hộ nhưng không đủ tiền để mua.
Cả hai rủ rê bà U. mua những căn nhà còn lại nhưng vẫn để vợ chồng Vân đứng tên, sau này cả hai sẽ làm giấy chuyển nhượng sau cho bà U. nhưng vẫn theo đúng giá mua thực tế của các hộ dân. Bà U. tưởng thật nên đã đồng ý mua 7 căn hộ trên với giá 5,35 tỷ đồng và 120 lượng vàng SJC, đã đưa trước cho vợ chồng Vân 4,8 tỷ đồng và 100 lượng vàng SJC. Vân giao cho bà U. hồ sơ 7 căn hộ đã mua.
Một thời gian sau, Vân mượn lại số giấy tờ nhà trên của bà U. rồi không trả, sau đó tuyên bố không bán nhà cho bà U. nữa. Ngoài khoản tiền cọc đã lấy của bà U., bà U. cho biết còn giao dịch làm ăn khác với vợ chồng Vân, tính đến cuối 4-2008, cặp vợ chồng này còn nợ bà tổng cộng 3.400 lượng vàng SJC, đến nay vẫn không trả.
Đại gia bất động sản cũng "dính bẫy"
Cũng trong năm 2006, vợ chồng Vân - Lâm còn mang khu nhà trên đem thế chấp cho bà D.T.B.D (ngụ quận 3), một nữ đại gia kinh doanh bất động sản nổi tiếng nhất Sài Gòn để vay 2.240 lượng vàng SJC. Đến đầu tháng 1-2007, cả hai vay tiếp của bà D. 245 lượng vàng SJC.
Sau khi mang khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi bán, cầm cố, thế chấp cho 10 người, khoảng đầu năm 2007, thông qua người quen giới thiệu, vợ chồng Vân gặp được ông N.X.T. (Chủ tịch HĐQT một công ty có tiếng ở Đồng Nai). Cũng với "bài cũ" là khu nhà trên vợ chồng Vân vừa mới mua, chưa thực hiện nhận góp vốn, thế chấp hay bán cho ai và đề nghị ông này góp vốn làm dự án khu nhà trên.
Đồng ý góp vốn, đầu tháng 4-2007, ông T. đã đại diện công ty T.N. ký hợp đồng hợp tác liên doanh với công ty Phúc Bảo Minh do Lâm đứng tên làm dại diện. Hợp đồng thể hiện, hai bên hợp tác góp vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cao ốc tại địa chỉ trên với tổng số tiền là trên 213 tỷ đồng, trong đó vốn mua khu nhà và căn nhà nằm trên đường Nguyễn Đình Chính là 143 tỷ đồng, mỗi bên góp 50%. Ngay sau khi ký hợp đồng, ông T. đã chuyển cho Lâm gần 31 tỷ đồng.
Đến tháng 7-2007, hàng loạt người mà vợ chồng Lâm - Vân đã nhận tiền trước đó đã làm đơn tố gửi đến Công an. Vì vậy, Lâm đã gặp ông T. đề nghị đầu tư thêm tiền. Không biết đã dính bẫy lừa nên liên tiếp những ngày sau đó, ông T. đã chuyển cho Lâm thêm hơn 52 tỷ đồng. Số tiền này, Lâm đã trả hết tiền cho bà D.T.B.D. và một số nạn nhân khác nên những người này đã rút đơn tố cáo.
Còn về phía ông T., sau khi đưa cho Lâm tổng cộng hơn 83 tỷ đồng, đầu tháng 8-2007, Lâm và ông T. ký thêm phụ lục hợp đồng, theo đó ông T. có 70% vốn, còn Lâm - Vân có 30% giá trị phần hùn khu nhà nêu trên. Cũng trong khoảng thời gian này, ông T đã nhận hồ sơ 20 căn hộ.
Tuy nhiên, một thời gian sau, lấy lý do các hộ dân ký hợp đồng bán nhà cho Lâm theo thỏa thuận từ trước nên Lâm đề nghị ông T. giao lại toàn bộ số hồ sơ nhà để vợ chồng Lâm làm thủ tục đứng tên chủ quyền. Đến cuối năm đó, Lâm lại nói với ông T. là ông Đ.Đ.H. (Tổng giám đốc một tổng công ty xây dựng điện) đồng ý mua khu nhà trên. Vì muốn lấy lại tiền góp vốn nên ông T. đồng ý.
Theo hợp đồng, ông H đồng ý mua lại khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi với giá 113 tỷ đồng và 3 căn nhà khác của ông T. trên đường Nguyễn Đình Chính với giá 148 tỷ đồng. Sau đó, ông H. đã thanh toán cho ông T. 116 tỷ đồng tiền mua 3 căn nhà của ông T. và chuyển cho Lâm 29 tỷ đồng tiền mua khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi.
Sau khi nhận tiền của ông H., vợ chồng Lâm đã giao 13 bộ hồ sơ nhà thuộc khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi cho ông H., đồng thời Lâm còn bảo lãnh cho ông H thế chấp 13 bộ hồ sơ căn hộ trên vay tiền tại Ngân hàng TMCP M. - chi nhánh Khánh Hòa.
Đến ngày 16-1-2012, ông H. đề nghị ngân hàng M. cho mượn 13 bộ hồ sơ nhà và cùng Lâm đem nộp vào Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) để làm thủ tục sang tên thì bị giữ lại theo quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Chi cục thi hành án quận Phú Nhuận để đảm bảo khoản nợ 20 tỷ đồng vợ chồng Lâm đang nợ ông P.V.T..
Về khoản tiền đã lấy của ông H., thay vì chuyển lại cho ông T., Lâm và Vân lấy ra sử dụng cá nhân mà không báo cho ông T. biết. Không chỉ mất hết 83 tỷ đồng trong dự án này, ông T. còn bị vợ chồng Vân - Lâm chiếm đoạt 8 tỷ đồng và 230 lượng vàng SJC trong 2 "dự án" mua nhà khác ở quận Phú Nhuận và Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh).
Dấu hiệu lừa đảo trong những hợp đồng mua bán, góp vốn
Từ đơn tố cáo của các nạn nhân, qua điều tra, CQĐT xác định: khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi đang trong giai đoạn làm thủ tục chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
Vợ chồng Vân - Lâm ngày ra tòa. |
Trong số đó, căn hộ của bà V.T.N., nằm trong khu nhà này trước đó đã bị vợ chồng Vân thế chấp cho ông L.Q.T. để vay 500 triệu đồng từ tháng 11-2008 nhưng Vân - Lâm vẫn sử dụng toàn bộ khu nhà này để gán nợ tại TAND quận 1 và quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) cho 7 cá nhân khác với giá 80 tỷ đồng. Ngoài ra, Vân - Lâm còn viết giấy cam kết gán một trong số các căn nhà thuộc khu nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi để trả nợ cho 10 người khác cho các khoản vay trước đó.
Kết quả giải quyết tại tòa án dẫn đến Chi cục thi hành án dân sự quận 1 đã ra quyết định vào ngày 29-7-2011 cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 căn hộ tại nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi để đảm bảo thi hành án.
Đến ngày 29-3-2012, Chi cục thi hành án quận Phú Nhuận đã ra quyết định cưỡng chế kê biên 13 căn hộ nói trên để đảm bảo trả nợ cho ông P.V.T. Về số tiền Vân - Lâm đã nhận của các nạn nhân nói trên, cả hai khai đã sử dụng trên 5,4 tỷ đồng và 3.871 lượng vàng SJC vào việc mua nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi và trả nợ cho một số người khác, trong đó có bà D.T.B.D. 32,7 tỷ đồng, ông L.V.H. 16,8 tỷ đồng và ông T 900 lượng vàng. Số còn lại trên 79,5 tỷ đồng, Vân - Lâm đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
Với những chứng cứ nêu trên, theo CQĐT, vợ chồng Vân - Lâm đã sử dụng căn nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi làm phương tiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người trong cùng một thời điểm (vừa ký hợp đồng với người này, vừa nhận tiền của nhiều người khác để bán cùng một căn nhà).
Sau khi nhận được tiền của đối tác, cả hai đã đưa ra nhiều lý do để chuyển số tiền đã nhận thành tiền vay nợ nhằm chiếm đoạt. Mục đích chiếm đoạt còn thể hiện rõ căn nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, nhưng lại sử dụng để thỏa thuận trả nợ cho người khác tại tòa án. Trong số những hợp đồng nêu trên, đủ căn cứ xác định Vân - Lâm đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt trên 104 tỷ đồng của ông L.V.H., bà N.T.H., bà N.T.U., ông N.X.T..
Đối với hành vi ký hợp đồng góp vốn, mua nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi với bà D.T.B.D. và 5 cá nhân khác của cặp vợ chồng này cũng có dấu hiệu phạm tội lừa đảo. Tuy nhiên, quá trình giải quyết đơn của những người này, Vân - Lâm đã trả hết số tiền đã chiếm đoạt và những người này đã rút đơn khởi kiện, vì vậy, CQĐT không xử lý hình sự. Đối với hành vi hợp đồng nhận tiền góp vốn mua nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi với ông N.V.T., TAND quận Phú Nhuận đã giải quyết bằng vụ án dân sự, ông T. không đề nghị giải quyết bằng hình sự nên CQĐT không khởi tố vụ án hình sự.
Ngoài ra, quá trình điều tra còn cho thấy, ngân hàng M. cho ông Đ.Đ.H. thế chấp 13 hồ sơ nhà không phải của mình để vay tiền là có dấu hiệu vi phạm. Vấn đề này, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước đã tiến hành thanh tra để xử lý và xác định việc các cơ quan chức năng xử lý 13 căn hộ tại nhà 64 Nguyễn Văn Trỗi không ảnh hưởng đến số dư nợ của ông H. là 90 tỷ đồng (tính đến giữa tháng 3-2014). Vì vậy, CQĐT không đề cập trong vụ án này.
Với hành vi nêu trên, mới đây TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử Vân và Lâm về hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, sau 3 ngày xét hỏi, nhận thấy hồ sơ vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa để điều tra thêm.
Ngoài hành vi nêu trên, hồ sơ vụ án còn thể hiện, cũng với thủ đoạn nêu trên, thông qua hợp đồng bán 3 căn nhà ở quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, đôi vợ chồng này còn chiếm đoạt của bà N.T.U. 16,5 tỷ đồng, N.T.N.B. 5,1 tỷ đồng. Tổng cộng, trong vụ án này, vợ chồng Vân và Lâm đã chiếm đoạt của 5 nạn nhân với tổng số tiền trên 132 tỷ đồng. |