Nhớ xuân xưa trong lòng địa đạo “Tam giác sắt”

Thứ Tư, 01/02/2017, 08:00
Ít người biết rằng ở vùng Tây Nam huyện Bến Cát (Bình Dương), cách TP Thủ Dầu Một 15km,  thuộc địa bàn 3 xã Phú An, An Tây, An Điền có một lòng địa đạo rất độc đáo, chạy dài gần 100km, đến từng xóm, ấp. Hệ thống địa đạo này là pháo đài vững chắc của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...


Đây là một vị trí chiến lược rất quan trọng, một mặt tiếp giáp quốc lộ 13, một mặt giáp sông Sài Gòn, và là cửa ngõ hướng Tây Bắc của Sài Gòn. Trên vùng đất này đã xảy ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch, từ đó địa danh này được gọi là Vùng "Tam giác sắt".

Lòng địa đạo Tam giác sắt còn là nơi xuất phát của nhiều đơn vị tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Huyền thoại hệ thống địa đạo Tam giác sắt

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Huỳnh Văn Thu, hay còn gọi là Bảy Thu, nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bến Cát, từng là Bí thư kiêm Xã đội trưởng xã Phú An trong thời kỳ chống Mỹ vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn.

Được hỏi về những ký ức mùa xuân trong lòng địa đạo những năm tháng chiến tranh ác liệt, căng thẳng, rót ly trà nóng mời khách, ông Bảy Thu chậm rãi kể: "Từ thời kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân ở xã Tây Nam Bến Cát cũng đã đào hầm bí mật ngụy trang trong nhà, trong vườn của mình để nuôi cán bộ cách mạng. Nhược điểm của loại hầm này là do chỉ có một nắp để lên xuống, một lỗ thông hơi nên khi bị địch phát hiện dễ bị vây bắt.

Để khắc phục, Huyện ủy Bến Cát đã yêu cầu đồng chí Nam Quốc Đăng (tức Nguyễn Văn Đăng) - Huyện đội phó Huyện đội Bến Cát đề xuất, thực hiện ý tưởng nối liền các hầm bí mật thành những đường ngầm liên thông nhau trong lòng đất.

Khu di tích lịch sử địa đạo.

Điểm đào đường ngầm đầu tiên là tại khu vực sân vận động xã An Tây bây giờ, sau đó địa đạo được đào từ điểm giáp ngã ba xã An Điền tới vườn cao su xã Phú An. Lúc này, tổng chiều dài hệ thống địa đạo của mỗi xã chỉ khoảng 1km, sau này sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mới phát triển nối thông nhau giữa các xã.

Ông Bảy Thu cầm cây viết cặm cụi vẽ trên tờ giấy trắng cấu trúc một đoạn địa đạo mẫu, nơi ông đã từng nằm trong ban chỉ đạo và cũng là người đã cùng với dân, quân du kích tham gia đào địa đạo trong suốt hai năm trời (1961-1962) cho chúng tôi xem.

Ông cho biết thêm, địa đạo dài hàng trăm km là những đường hầm chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được hình thành bởi hai đường: đường chính là đường xương sống và đường xương sườn. Đường xương sống nằm cách mặt đất 4m, chiều cao 1,2m, rộng 0,8m, có cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, tầng trên gọi là "thượng", tầng dưới gọi là "trần". Chỗ lên xuống có nắp hầm bí mật, dọc theo đường hầm có nhiều lỗ thông hơi, trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm lên xuống ta bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn để chống xe tăng, mâm phóng lựu đạn để chống máy bay trực thăng mang quân đổ bộ… nhằm tiêu diệt, ngăn chặn quân địch khi chúng tới gần.

Liên hoàn trong lòng địa đạo các hầm rộng để quân ta nghỉ ngơi sau những cuộc chống càn, dự trữ vũ khí thực phẩm, hầm nấu ăn, nơi làm việc, hầm chỉ huy, nuôi dưỡng thương binh, đào giếng lấy nước. Ngoài ra còn có những hầm lớn để hội họp, nhân dân trú ẩn khi giặc bố càn…

Từ đường xương ống ta đào ra các nhánh phụ chảy tỏa về các thôn, ấp gọi là đường xương sườn. Đi liền với các nhánh phụ ta xây dựng các ô, ụ chiến đấu (gọi là quyết chiến điểm). Để tránh sự hủy diệt của quân thù khi phát hiện ra miệng hầm, các nhánh phụ phải có 2 nắp riêng biệt để khi cần thiết làm chỗ thoát hiểm. Trong mỗi nhánh phụ, cứ khoảng 1km ta bố trí 3 ụ chiến đấu.

Ụ chiến đấu có chiều sâu 1,7m, rộng 1m - 2m có 4 lỗ châu mai chĩa ra bốn hướng, mỗi ụ có 2 nắp, nắp trên cách mặt đất khoảng 0,5m để đứng trong ụ có thể dễ dàng quan sát diễn biến phía trên mặt đất. Nắp dưới ăn thông với tầng thứ 2 của địa đạo để khi bị phát hiện, quân ta dỡ nắp rút vào địa đạo. Các ụ chiến đấu được bố trí cách đường xương sống khoảng 200m. Chung quanh ụ chiến đấu lắp đặt các bãi mìn, hầm chông.

Sau 720 ngày đêm lao động vất vả nhẫn nại, kiên trì, từ những dụng cụ thô sơ như lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, những chiếc ky tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã bí mật tạo dựng một làng ngầm dưới lòng đất dài gần 100km. Cho đến bây giờ, khí thế lao động đào hầm địa đạo của quân dân 3 xã Tây Nam như vẫn còn sống động trong tâm trí mỗi chúng  ta:

Chồng vác xẻng, vợ vác leng
Con xách lồng đèn, cầm vá theo sau
Cả nhà chung sức với nhau
Đào hố, đào hào chống đạn, chống bom

Có thể tự hào nói rằng: "Hệ thống địa đạo Tam giác sắt là một công trình vĩ đại vào loại bậc nhất thế giới". Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, địa đạo vùng Tam giác sắt đã phát huy tác dụng của một hệ thống địa đạo chiến, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ông Bảy Thu kể về địa đạo “Tam giác sắt”.

Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân vùng 3 xã Tây Nam đã chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Mùa xuân 1975, từ trong lòng địa đạo này đã có nhiều cánh quân lớn thần tốc tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ một vài câu trong bài thơ "Đất quê ta mênh mông" của  Dương Hương Ly:

"Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam"


Và: "Có những đoàn quân từ  lòng đất xông lên
Quân thù bạt vía
Xung quanh chúng đâu cũng  là trận địa
      Đất quê ta mênh mông"

Nhớ xuân xưa trong lòng địa đạo

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trích (tên khác là Bảy Trích, sinh năm 1940), nguyên là Xã đội trưởng xã An Tây; đồng thời là kiến trúc sư xây dựng địa đạo kể lại: Những năm tháng chiến tranh ác liệt, trước những cuộc càn quét lớn của quân địch, lực lượng dân quân du kích địa phương phải ém mình ăn tết dưới hầm địa đạo là chuyện bình thường.

Điều khó quên và cũng là cảm động nhất là cảnh bà con nhân dân gửi quà như bánh tét, củ kiệu, tôm khô, bánh mứt, thuốc rê… cho chúng tôi đón giao thừa mặc dù hồi ấy nhà nào cũng túng thiếu, nghèo khó. Nhưng nhớ nhất vẫn là Tết Mậu Thân 1968, nhiều mẹ còn gửi tiền để chỉ huy xuống hầm lì xì cho các chú bộ đội lấy hên trước giờ xông trận.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, nằm trong địa bàn chiến lược lại tiếp giáp với cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn nên 3 xã Tây Nam được chọn là nơi xây dựng, tập kết các kho hậu cần phục vụ chiến dịch. Sau Tết Mậu Thân 1968, vùng địa đạo Tam giác sắt lại trở thành mục tiêu chính của những trận bom pháo, càn quét, đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Tuy vậy, lực lượng chiến đấu của ta vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững từng tấc đất trong vùng địa đạo, gây cho địch nhiều thiệt hại. Xuân 1969 là mùa xuân khó khăn, gian khổ nhất, lương thực dự trữ không còn, việc vận chuyển lương thực từ  huyện Củ Chi (Sài Gòn) sang xã An Tây gặp nhiều khó khăn.

Tết đã đến gần, nhưng thương binh trong địa đạo không có gạo để nấu cháo, phải ăn rau, củ rừng thay cơm, cho nên cán bộ, chiến sĩ dưới địa đạo phải chờ đêm xuống, thăm dò cẩn thận rồi mới tìm cách thoát lên vào ấp chiến lược móc nối với cơ sở mang lương thực, thuốc chữa bệnh, bánh trái xuống địa đạo để bộ đội ăn tết. Năm 1975, địa đạo Tây Nam còn trở thành nơi quân ta hội quân, che giấu lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngọc Ánh-Xuân 2017
.
.
.